"Chính quyền và lực lượng công an cơ sở các địa bàn giáp ranh phải thấy được trách nhiệm của mình, chứ cứ đùn đẩy như hiện nay thì rất khó để xử lý được tệ nạn cờ bạc. Tình trạng "né" trách nhiệm này còn dẫn đến nguy cơ tội phạm lợi dụng vùng giáp ranh hoạt động công khai mà chẳng ai làm gì được, gây bức xúc trong nhân dân" - Đại tá Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (CSHS - C45) Bộ Công an nêu quan điểm nhân việc C45 vừa triệt phá sới bạc "khủng" ven sông Cà Lồ ngày 14/3 vừa qua.
Từ chủ chứa đến con bạc đều thuộc diện "cộm cán"
Nguyễn Văn Tú (tức Tú "trố", 36 tuổi, ở Tân Dân, Sóc Sơn, Hà Nội), kẻ cầm đầu hoạt động sới bạc ven sông Cà Lồ thuộc địa bàn giáp ranh giữa xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn và phường Vĩnh Thắng, thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc được đánh giá là một tay anh chị "có số" trong giới giang hồ ở khu vực trên. Hỏi đến Tú "trố", người dân trong xã Tân Dân đều tìm cách lảng tránh vì sợ bị trả thù. Cuộc đột kích bất ngờ của lực lượng CSHS Bộ Công an vào đầu giờ chiều 14/3 khiến ông trùm bảo kê sới bạc không kịp trở tay, vội vàng bỏ trốn để thoát thân.
Khám xét căn biệt thự của Tú "trố" tại xã Tân Dân, Cục C45 thu giữ 1,3 tỉ đồng, 1 khẩu súng Colt, 5 viên đạn cùng nhiều giấy tờ vay nợ.
Ngoài hoạt động bảo kê cho sới bạc ven sông Cà Lồ, theo tài liệu của Cơ quan điều tra, Tú "trố" còn liên quan đến vụ nổ súng giải quyết mâu thuẫn giữa 2 băng nhóm tại địa bàn giáp ranh giữa Sóc Sơn (Hà Nội) và Vĩnh Phúc xảy ra cuối năm 2012 vừa qua. Nguyên nhân do tranh chấp địa bàn bảo kê việc san lấp đường thuộc dự án đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Việc này đang được Công an Hà Nội tiến hành điều tra.
Đứng phía sau Tú "trố" là Lê Xuân Hưởng (41 tuổi, tức Hưởng "đồng cô" ở phường Phương Liên, Hà Nội), kẻ trực tiếp điều hành mọi hoạt động sới bạc theo chỉ đạo từ xa của ông trùm Tú "trố". Khám nhà Hưởng "đồng cô", Cơ quan điều tra thu giữ được một két sắt cùng nhiều sổ đỏ photo được cho là giấy tờ cầm cố tài sản của những kẻ thua bạc.
Theo lời khai của những con bạc thì để được "vào cửa", mỗi con bạc phải nộp 1 triệu đồng tiền "hồ". Sở dĩ tiền vào cửa của sới bạc này cao như vậy vì Hưởng và Tú "trố" phải đầu tư "nuôi" một đội quân khá đông lên đến hàng chục tên làm nhiệm vụ cảnh giới từ xa và dẫn dắt con bạc từ vòng ngoài vào "sới". Lê Xuân Hưởng cũng đã kịp bỏ trốn khi Cảnh sát hình sự ập vào.
Việc những đối tượng cộm cán giang hồ đứng ra tổ chức, bảo kê sới bạc như Tú "trố" không phải là ngoại lệ. Xét về mặt giang hồ hảo hán thì Tú "trố" chỉ đáng mặt đàn em của Dương Anh Đức tức Đức "vẩu", ông trùm sới bạc lớn nhất miền Bắc tại chùa Dận, Bắc Ninh bị Cục C45 triệt phá cuối năm 2012. Chỉ riêng số tiền mặt thu giữ ngay tại sới bạc này khi Cơ quan Công an bắt giữ quả tang đã lên tới trên 5 tỉ đồng.
"Kỹ nghệ" móc túi, lột sạch tư trang, tài sản của con bạc ngay tại chỗ và đưa họ vào "bẫy" tín dụng đen được thực hiện tinh vi và hoàn hảo. Mạng lưới tín dụng đen được bố trí ngồi ôm tiền thường trực xung quanh các xới bạc. Khi nào con bạc hết tiền, đám tín dụng đen này ngay lập tức xuất hiện móc tiền cho vay tới hàng trăm triệu đồng chỉ với một tờ giấy viết tay. Con bạc trong lúc khát nước đâu nghĩ ra được chính những tờ giấy viết tay hết sức đơn giản ấy, đối với "xã hội đen" thì có chạy đằng trời cũng không thoát. Sau thua bạc là trả nợ lãi suất cắt cổ, con bạc buộc phải cầm cố sổ đỏ là điều tất yếu xảy ra.
Theo Đại tá Hồ Sỹ Tiến, ngoài chủ chứa mang tính giang hồ cộm cán, hoạt động có dấu hiệu của "xã hội đen" thì quá nửa các con bạc bị bắt giữ là số có nhiều tiền án tiền sự, có máu đỏ đen, coi cờ bạc là một "nghề". Quá trình bắt giữ các đối tượng tại sới bạc bên sông Cà Lồ, cán bộ chiến sĩ Cục C45 nhanh chóng nhận ra một con bạc "quen" là Lương Thị Trang, 73 tuổi, mẹ vợ của Khánh "trắng", trùm "xã hội đen" khét tiếng một thời. Bị bắt giữ và khởi tố bị can khi tham gia đánh bạc trong sới bạc chùa Dận của Đức "vẩu" nhưng với người đàn bà đã quá tuổi "thất thập" này, thói cờ bạc đã ăn vào máu.
Người ta thường bảo điều nguy hiểm ở người phụ nữ là khi đã đam mê thú vui nào đó thì có thể dứt nhà ra đi không có điểm dừng, dường như đúng với trường hợp của mẹ vợ Khánh "trắng". Đam mê… đỏ đen từ thời trẻ nên tại thời điểm bị bắt tại sới bạc của Đức "vẩu", trong lý lịch của bà Trang đã có tới 7 tiền án, tiền sự về hành vi đánh bạc. Được tại ngoại do tuổi cao (trên 70 tuổi), lợi dụng chính sách khoan hồng này của pháp luật, bà Trang tiếp tục lê la tới sới bạc của Tú "trố". Thậm chí lần bắt giữ này, bà Trang còn tuyên bố rằng theo lời… thầy bói thì bà ta còn có thể bị bắt thêm vài lần nữa về tội đánh bạc.
Liên quan đến sới bạc ven sông Cà Lồ, hiện Cơ quan CSĐT (C45) đang tiếp tục phân loại 64 đối tượng bị bắt giữ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can các đối tượng có hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc, đưa ra xử lý nghiêm trước pháp luật.
Cần làm sáng tỏ việc có hay không chuyện "bảo kê" cho các sới bạc
Theo Đại tá Hồ Sỹ Tiến, thực tế các tụ điểm cờ bạc lớn đã bị triệt phá cho thấy tổ chức các sới bạc này đều do đối tượng chuyên nghiệp chứ người dân bình thường không thể làm chủ chứa chuyên nghiệp được. Thứ hai, các con bạc đa số đều là con bạc chuyên nghiệp. Ngoài ra, những người muốn vào các sới bạc này phải là người được sự bảo lãnh của chủ chứa, hoặc phải được đảm bảo về mặt tài chính, nếu không thì được các đối tượng ứng tiền (tín dụng) cung cấp cho đánh bạc.
Những sới bạc cũng là nơi tập trung những đối tượng có tiền án tiền sự tụ tập hoạt động. Bằng chứng là trong 2 sới bạc lớn vừa bị triệt phá, có quá nửa là các đối tượng có tiền án tiền sự, tù tha về. Do đó nếu để các sới bạc này tồn tại sẽ hình thành một đội ngũ các đối tượng hoạt động bảo kê, đâm thuê chém mướn, hoạt động tín dụng đen… dẫn đến tình trạng không ít người bị khuynh gia bại sản từ tệ nạn cờ bạc.
Như vậy về mặt nhận thức, cấp cơ sở phải xác định đây là một loại hình ổ nhóm tội phạm có tổ chức gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự nên cần phải tập trung để đấu tranh chứ không phải là một loại tệ nạn bình thường. Từ đó, cần tăng cường công tác nắm tình hình để kịp thời phát hiện và có kế hoạch triệt phá. Đặc biệt không được đùn đẩy trách nhiệm mà phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị và địa phương, phối hợp giữa chính quyền, công an cấp dưới và cấp trên. Nếu không đủ năng lực, lực lượng giải quyết thì cơ sở phải chủ động đề xuất phối hợp cấp trên để tập trung đấu tranh.
Những sới bạc lớn bị triệt phá trong thời gian qua là chiến công của Lực lượng Công an trong đấu tranh với loại tệ nạn xã hội cờ bạc. Song, sự tồn tại của các sới bạc này đã khiến dư luận xã hội đặt ra câu hỏi: Có hay không sự "bảo kê" của chính quyền và cán bộ cấp cơ sở? Đây cũng là vấn đề được người dân mong đợi Cơ quan điều tra sớm làm sáng tỏ để rộng đường dư luận.
Đại tá Hồ Tiến Sỹ, Cục trưởng C45:
Phải xử lý nghiêm lãnh đạo cấp cơ sở để xảy ra hoạt động đánh bạc công khai
- PV: Hai sới bạc tại chùa Dận, Bắc Ninh và ven sông Cà Lồ đều có thời gian hoạt động khá lâu trước khi Cục C45 triệt phá. Theo ông lý do vì sao các sới bạc này tồn tại được như vậy?
- Đại tá Hồ Sỹ Tiến: Hiện nay đa số các sới bạc lớn đều chọn địa bàn giáp ranh, lợi dụng địa hình địa thế hiểm trở, xa khu dân cư để hoạt động và liên tục chuyển địa điểm. Do đó việc hình thành và tồn tại các sới bạc này do một số nguyên nhân sau: Thứ nhất, có nơi chính quyền, công an các cấp cũng phát hiện được nhưng lực lượng mỏng, chưa đủ kinh nghiệm và chưa đủ sức triệt phá. Nguyên nhân thứ hai là do các sới bạc hoạt động ở địa bàn giáp ranh nên có sự đùn đẩy trách nhiệm, chỉ đẩy đuổi từ địa phương này sang địa phương khác. Nguyên nhân thứ ba là có một số địa phương hiện nay xem nhẹ tệ nạn cờ bạc, cho rằng đó chỉ là một loại tệ nạn chứ không phải tội phạm nên không tập trung biện pháp, sức lực để đấu tranh triệt phá. Cuối cùng cũng không thể loại trừ hiện tượng bảo kê, bao che của chính quyền và các lực lượng bảo vệ pháp luật cấp cơ sở ở các địa phương ấy.
- PV: Vậy trong 2 sới bạc mà Cục C45 triệt phá, có việc chính quyền và lực lượng chức năng cơ sở "bảo kê" cho hoạt động của những sới bạc này không, thưa ông?
- Đại tá Hồ Sỹ Tiến: Việc này đang được Cục C45 điều tra tiếp. Nhưng việc thiếu tinh thần trách nhiệm của chính quyền cơ sở là có bởi thực tế hành vi đánh bạc của các đối tượng diễn ra ở gần khu vực dân cư, dù ở vùng giáp ranh, cánh đồng nhưng người dân biết mà chính quyền cơ sở lại không biết thì là vấn đề cần xem lại. Việc thiếu trách nhiệm còn thể hiện ở việc đùn đẩy giữa các cấp cơ sở thuộc địa bàn giáp ranh, có thể họ cũng phát hiện được nhưng do ngại khó hoặc ngại trách nhiệm nên đùn đẩy.
- PV: Cụ thể việc đùn đẩy này như thế nào, thưa ông?
- Đại tá Hồ Sỹ Tiến: Là sau khi các sới bạc được triệt phá, không có chính quyền cơ sở của địa bàn nào nhận trách nhiệm về mình mà cho rằng vùng giáp ranh đó do người khác quản lý.
- PV: Thực tế việc đùn đẩy trách nhiệm này đã trở thành một căn bệnh chung của nhiều địa phương?
- Đại tá Hồ Sỹ Tiến: Tôi cho rằng đã đến lúc những nơi để xảy ra các sới bạc hoạt động công khai, sau đó mới được triệt phá thì chính quyền cấp cơ sở phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý nghiêm. Không có lý gì khi người dân ở địa phương biết về hoạt động của các sới bạc này mà chính quyền lại không biết. Xử lý nghiêm thì mới có thể giải quyết được loại tệ nạn cờ bạc có nguy cơ "nở rộ" như hiện nay.
- PV: Cụ thể, người chịu trách nhiệm ở đây là ai, thưa ông?
- Đại tá Hồ Sỹ Tiến: Là người đứng đầu cấp cơ sở, lãnh đạo chính quyền và lực lượng được giao nhiệm vụ bảo vệ pháp luật ở địa bàn đó, khu vực đó.
- PV: Xin cảm ơn ông!
Công an Hà Nội: Phá một ổ bạc dành cho “quý bà”
Ngày 17/3, Phòng CSHS (PC 45) Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã triệt phá một ổ nhóm cờ bạc quy mô khá lớn cùng nhiều thủ đoạn rất tinh vi.
Một điều tra viên PC45 cho chúng tôi biết, khi các trinh sát bất ngờ đột kích vào một ngôi nhà tại thôn Thanh Oai, Hữu Hòa, Thanh Trì (Hà Nội) thì 28 con bạc vẫn còn đang say sưa sát phạt. Trên sới Cơ quan Công an thu giữ 50 triệu đồng, 1 bát, 1 đĩa, 4 quân vị và nhiều vật chứng có giá trị chứng minh tội phạm khác.
Được biết, chủ sới là Nguyễn Huy Đạo (47 tuổi, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội) cùng với vợ là Nguyễn Thị Hòa (32 tuổi, trú tại Hữu Hòa, huyện Thanh Trì) đã "gầy sòng" từ đầu tháng 3 đến nay. Ngôi nhà cấp 4 nằm ven sông Nhuệ được chúng trưng dụng để tổ chức đánh bạc. Mỗi đối tượng muốn vào sới phải nộp "phế" cho vợ chồng Đạo từ 100 - 200 nghìn đồng. Đạo cũng chia giờ đánh bạc thành 2 ca từ 14 - 16 giờ và từ 21 - 24 giờ.
Để đối phó với lực lượng chức năng, vợ chồng Đạo đã cho lắp khá nhiều camera giám sát xung quanh sới bạc. Tuy vậy, các trinh sát đã vô hiệu hóa được số camera này. Ngoài ra Lực lượng Công an còn sử dụng cả thuyền để áp sát phía sau ngôi nhà này và phòng ngừa các "con bạc" liều mạng có thể nhảy xuống sông Nhuệ tẩu thoát.
Trong số các đối tượng đánh bạc có khá đông nữ giới và đa số đều không có việc làm, suốt ngày lang thang tụ tập cờ bạc. Cá biệt có một con bạc là nữ đang mang thai tháng thứ 9. Hầu hết các con bạc đều ở khu vực huyện Thanh Trì và một số ít ở quận Thanh Xuân.
Hiện Cơ quan Công an đang tiến hành phân loại, tiếp tục củng cố hồ sơ vụ án.
Ý kiến bạn đọc