(VnMedia)- Nhìn thấy cảnh sát giao thông ngoài đường nhiều người cảm thấy khó chịu, sợ và đôi lúc vì thiếu kiềm chế nên đã có hành vi chống đối. Nhưng sẽ ra sao nếu một ngày không có CSGT?
CSGT Hà Nội giúp đỡ người già sang đường. Ảnh: Hoàng Anh. |
Giật mình với con số vi phạm
Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đang lên danh sách những cảnh sát bụng phệ để không cho ra đứng đường. Thông tin này nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân. Cùng với việc chấn chỉnh lại tác phong của cán bộ, nhiều người còn mong muốn không nhìn thấy cảnh sát giao thông trên đường phố. Giải thích cho mong muốn này là "ở các nước có thấy thế đâu!".
Chắc chắn trong số nhiều người "mạnh miệng" về việc nước khác nó khác ấy chưa từng nhìn thấy mô hình bảo vệ trật tự an toàn giao thông ở nước bạn. Nhưng, nói như một cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông - Công an Hà Nội ai cũng sợ cảnh sát giao thông nên mới thế.
Nhiều người trong số đang mong muốn không thấy cảnh sát giao thông ngoài đường chắc không biết rằng, trong một ngày, số vi phạm mà lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội xử lý được là bao nhiêu chứ chưa nói đến số liệu trong cả nước!
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông- Công an Hà Nội, chỉ trong ngày 5/3, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn thành phố đã kiểm tra, xử lý 1.962 trường hợp vi phạm Luật Giao thông; trong đó có 65 vi phạm là xe khách, 254 xe con, 44 xe taxi, 175 xe tải và 1.424 xe máy.
Vấn đề là con số vi phạm nói trên gần như được lặp lại trong các ngày mà lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ. Ngày 28/2, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn thành phố đã kiểm tra, xử lý 1.999 trường hợp vi phạm Luật Giao thông; trong đó có 63 vi phạm là xe khách, 244 xe con, 49 xe taxi, 219 xe tải, 1.423 xe máy và 1 xe buýt.
Thực hiện cao điểm Tết Quý Tỵ, lực lượng CSGT đã tăng cường lực lượng, trang thiết bị kỹ thuật trong tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm; trong tháng 1 có gần 442.000 trường hợp vi phạm TTATGT bị xử lý.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cho biết lực lượng CSGT của Cục đã phối hợp với Công an địa phương tập huấn nghiệp vụ TTKS, xử lý vi phạm hành chính cho CSGT; đồng thời tăng cường tối đa lực lượng, phương tiện cho công an các địa phương; phối hợp với công an địa phương tổ chức tập huấn cho cán bộ chiến sỹ CSGT làm công tác TTKS cho các địa phương và cấp biển hiệu và giấy chứng nhận cảnh sát TTKS giao thông đường bộ. Bên cạnh đó công an các địa phương đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo từng chuyên đề đối với xe ô tô chở khách, xe tải và xe mô tô vi phạm.
Đồng thời phát huy nhân rộng các tổ công tác phối hợp giữa CSGT với Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động tuần tra, kiểm soát phát hiện nhiều đối tượng phạm tội, tàng trữ vũ khí trái phép, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông.
Nếu không có cảnh sát giao thông?
Bên cạnh số lượng lớn người vi phạm trật tự an toàn giao thông bị xử lý, cần nhắc đến số tiền phạt mà người dân phải bỏ ra cho hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của mình.
Theo tổng hợp của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong tháng 1 lực lượng CSGT các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT; lực lượng CSGT tiếp tục thực hiện nghiêm túc cao điểm bảo đảm TTATGT gắn với cao điểm tấn công trấn áp tội phạm dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Qua tuần tra kiển soát, lực lượng CSGT đường bộ toàn quốc đã kiểm tra, lập biên bản và xử lý 424.697 trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ; phạt tiền 220,636 tỷ đồng; tạm giữ 2.150 ô tô và 47.491 mô tô. Lực lượng Cảnh sát đường thủy đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 16.994 trường hợp vi phạm TTATGT đường thủy. Tăng cường xử lý nghiêm minh, cộng với giáo dục tuyên truyền sẽ vẫn là biện pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu TNGT và ùn tắc giao thông.
Nếu nhìn vào con số tổng kết theo ngày, chắc hẳn nhiều người cũng sẽ giật mình vì số tiền phạt của lực lượng cảnh sát giao thông. Theo thống kê của Cục Cạn sát giao thông đường bộ- đường sắt, trong ngày 6/3, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 15.119 trường hợp vi phạm TTATGT; Kho bạc Nhà nước thu 8 tỷ 559,2 triệu đồng; tạm giữ 17 xe ô tô, 1.380 xe mô tô.
Tại sao cần nhắc đến số vụ vi phạm và tiền phạt về giao thông? Ông bà ta thường nói "của đau con xót" với hàm ý rằng, khi bị mất tiền thì sẽ nhớ và sẽ tránh xảy ra tình huống tương tự. Nhưng, có một thực tế không mấy vui vẻ là, số vi phạm được phát hiện lớn như thế, số tiền phạt cũng nhiều như thế, nhưng số người bất chấp an toàn giao thông, bất chấp cả tính mạng của mình khi lưu thông trên đường lại không hề nhỏ. Tính trung 2 tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra 5.636 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.973 người, bị thương 5.794 người; so với 2 tháng đầu năm 2012 giảm 746 vụ (giảm 11,69%), tăng 298 người chết (tăng 17,79%), giảm 1.096 người bị thương (giảm 15,91%).
Giả sử không có cảnh sát giao thông trên đường, không có người để người lưu thông cảm thấy sợ mà đi cẩn thận hơn, có ý thức về an toàn giao thông hơn, liệu hậu quả còn lớn đến mức nào nữa???
Ý kiến bạn đọc