Liên quan đến Thông tư số 10/2013, ngày 22/2/ 2013 của Bộ Công an quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm 12 chữ số cấp cho mỗi công dân Việt Nam, gắn người đó từ khi sinh ra đến hết đời và không lặp lại ở người khác.
Phóng viên đã trao đổi vấn đề này với Đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu Quốc gia về dân cư (Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an).
Đề nghị đồng chí nói rõ hơn quy định “Số định danh cá nhân” trong Thông tư số 10/2013 của Bộ Công an?
Cục trưởng Vũ Xuân Dung: Hiện nay, chứng minh nhân dân được sử dụng phổ biến trong các giao dịch, đi lại của công dân. Ngoài ra, trong từng trường hợp cụ thể công dân cũng sử dụng các loại giấy tờ như: Hộ chiếu, giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế, thẻ bảo hiểm xã hội…
Việc cấp các loại giấy tờ trên do nhiều cơ quan nhà nước cùng thực hiện, do vậy các dữ liệu liên quan đến dân cư chưa được kết nối, chia sẻ với nhau, gây lãng phí và hạn chế hiệu lực công tác quản lý nhà nước, cũng như yêu cầu cải cách thủ tục hành chính hiện nay. Để khắc phục các vấn đề trên, ngày 18/8/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2010/NĐ-CP quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó quy định số định danh cá nhân là một trong 22 trường thông tin cơ bản của công dân.
Ngày 22/2/2013, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 10/2013/TT-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 90/2010/NĐ-CP, trong đó quy định số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 chữ số, xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp cho mỗi công dân Việt Nam từ khi sinh ra đến khi chết, không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu về căn cước công dân, những dữ liệu khác về công dân, sử dụng trong các giấy tờ giao dịch, đi lại và được cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền để sử dụng trong hoạt động quản lý nhà nước. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc.
Như vậy, theo quy định này, số định danh cá nhân sẽ được cấp cho tất cả công dân Việt Nam, kể cả các trường hợp dưới 14 tuổi. Việc cấp số định danh cá nhân sẽ đảm bảo quản lý thống nhất cả các trường hợp chưa đến tuổi cấp chứng minh nhân dân và khắc phục được tình trạng công dân phải đổi số chứng minh nhân dân khi thay đổi nơi đăng ký thường trú ra khỏi phạm vi cấp tỉnh như hiện nay.
Đây cũng là mã số duy nhất để công dân sử dụng suốt đời trong các giao dịch, đi lại và là cơ sở để kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính và các giấy tờ liên quan đến công dân, từng bước xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Quy định này có gì khác so với quy định “số định danh công dân” trong dự thảo Luật Hộ tịch mà Bộ Tư pháp đang triển khai, thưa đồng chí?
Cục trưởng Vũ Xuân Dung: Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Hộ tịch, theo đề nghị của Bộ Tư pháp, chúng tôi đã trao đổi về phương án cấp số định danh cá nhân của Bộ Công an và thông báo việc Bộ Công an đã áp dụng phương pháp cấp số định danh cá nhân đối với các trường hợp làm chứng minh nhân dân theo công nghệ mới. Do vậy, Ban soạn thảo Luật Hộ tịch đã thống nhất không đề xuất ban hành thêm số định danh công dân mà sẽ sử dụng số định danh cá nhân của Bộ Công an để cấp cho toàn bộ công dân Việt Nam và các trường hợp trẻ em mới sinh theo Luật Hộ tịch để tránh chồng chéo, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Vì vậy, có thể khẳng định số định danh cá nhân mà Bộ Công an đã xây dựng và đang triển khai cấp và số định danh công dân trong dự thảo Luật Hộ tịch do Bộ Tư pháp đang xây dựng là một.
Đồng chí có thể nói rõ việc triển khai quy định này sẽ được thực hiện cụ thể như thế nào? Các giấy tờ có liên quan đến mã số này được xử lý ra sao?
Cục trưởng Vũ Xuân Dung: Theo các căn cứ nêu trên thì số định danh cá nhân hết sức quan trọng và cần thiết đối với hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước cũng như trong giao dịch, đi lại của công dân. Để thuận tiện, số định danh cá nhân cần được thể hiện ngay trên giấy tờ căn cước của công dân.
Do đó, Bộ Công an đã sử dụng phương án cấp số định danh cá nhân để cấp cho các trường hợp làm chứng minh nhân dân theo công nghệ mới tại TP Hà Nội từ tháng 9/2012 và đến nay đã cấp được trên ba mươi ngàn chứng minh nhân dân theo mẫu mới cho công dân. Từ năm 2013, Bộ Công an đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai rộng dự án chứng minh nhân dân theo công nghệ mới và dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó đẩy nhanh tiến độ cấp số định danh cho công dân.
Sau khi triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc sẽ hoàn thành việc cấp số định danh cho toàn bộ công dân Việt Nam. Đối với các trường hợp dưới 14 tuổi, số định danh cá nhân đã được cấp cũng chính là số chứng minh nhân dân sau này, đảm bảo nguyên tắc mỗi công dân chỉ được cấp một số duy nhất, không lặp lại ở người khác.
Xin cảm ơn đồng chí!
Ý kiến bạn đọc