(VnMedia)- Đối với các vấn đề thuộc phạm trù đạo đức và tình cảm thì phạt tiền không thể ngăn được hành vi vi phạm. Nếu buộc phải xử phạt thì việc xử phạt phải nghiêm minh, đủ sức răn đe, giáo dục chứ không nên ban hành ra quy định để cho có.
Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp, trong đó có nội dung hôn nhân gia đình. Theo đó, Dự thảo quy định người đã có gia đình mà chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 1.000.000 đồng.
Ảnh: Minh họa. |
Tuy nhiên, để áp dụng biện pháp xử phạt, trên thực tế phải xác định thế nào là chung sống như vợ chồng? Thế nào là vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng?... Trường hợp những cặp tình nhân già (đã có vợ, chồng) nhưng họ vẫn đến ăn, ở chung sống, chăm sóc, nương tựa lẫn nhau, nhưng không có quan hệ tình dục thì có được coi là “chung sống như vợ chồng” hay không? Và nạn nhân của ngoại tình họ không tự tử, nhưng họ chết dần chết mòn vì suy sụp thì? Hoặc có những gia đình tan nát, đổ vỡ nhưng bề ngoài họ vẫn che giấu bằng sự êm ấm thì lúc đó sẽ chứng minh như thế nào?
Chia sẻ với VnMedia, luật sư Vũ Thái Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH YouMe cho rằng, chung sống như vợ chồng phi hôn nhân là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng được quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành. Việc xử lý hành chính hay hình sự đối với hành vi này là cần thiết. Tuy nhiên, vị luật sư này nhấn mạnh rằng, "đối với các vấn đề thuộc phạm trù đạo đức và tình cảm thì phạt tiền không thể ngăn được hành vi vi phạm mà nên có biện pháp phòng ngừa, tuyên truyền hơn là xử phạt. Nếu buộc phải xử phạt thì việc xử phạt phải nghiêm minh và hình phạt phải đủ sức răn đe, giáo dục người có hành vi vi phạm chứ không nên ban hành ra quy định để cho có".
Phân tích cho lập luận này, luật sư Vũ Thái Hà cho rằng việc xử phạt tiền đối với hành vi "ngoại tình" ở mức 200.000 đến 1.000.000 đồng như trong dự thảo là không khả thi vì: Thứ nhất, hôn nhân dựa trên nguyên tắc tự nguyện, việc một người vi phạm cam kết tự nguyên đó thì chỉ có người còn lại mới có quyền phán xử và quyết định. Do đó, việc này nên được điều chỉnh bằng phạm trù đạo đức chứ không phải bằng pháp luật.
Thứ hai, việc lượng hóa với mức phạt cao nhất là 1.000.000 đồng chỉ mang ý nghĩa đáp ứng theo thời giá sẽ không thể khiến cho người có hành vi "ngoại tình" e ngại và cũng không thực hiện được mục đích giáo dục khiến cho người "ngoại tình" nhận thức đúng đắn về chế độ hôn nhân một vợ một chồng.
Theo phân tích của luật sư Vũ Thái Hà, chưa nói đến việc ai phải chứng minh, việc chứng minh hành vi "ngoại tình" cũng đã là một việc rất khó khăn. Thực tế, cho đến thời điểm này, hành vi "ngoại tình" diễn ra khá phổ biến nhưng rất hiếm có vụ việc nào được xử lý về mặt hành chính. Thông tư liên tịch 01 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TAND Tối cao, VKSND Tối cao ngày 25 tháng 9 năm 2001 quy định việc chung sống như vợ chồng phải được chứng minh bằng việc có con chung, có tài sản chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó. Để đáp ứng đủ quy định này và chứng minh được là vô cùng khó khăn. Thậm chí, hành vi quan hệ bất chính khi bị bắt quả tang cũng không đồng nghĩa với việc vi phạm vì giữa người có quan hệ bất chính không có con chung, tài sản chung.
Ngoài ra, "việc đánh giá thế nào là “chưa gây hậu quả nghiêm trọng” như trong dự thảo quy định cũng là một vấn đề nan giải. Việc quy định chung chung như vậy sẽ khiến cho việc đánh giá chủ quan của cán bộ thực thi pháp luật khiến cho việc thực thi có thể thiếu minh bạch", luật sư Vũ Thái Hà nói.
Ý kiến bạn đọc