Những việc công an phải làm trước khi nổ súng

06:50, 11/03/2013
|

(VnMedia)- Chỉ áp dụng các biện pháp ngăn chặn khẩn cấp, các biện pháp cưỡng chế cần thiết sau khi đã áp dụng các biện pháp vận động, thuyết phục người có hành vi chống người thi hành công vụ nhưng không có hiệu quả.

>> Đề nghị được nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm

7 biện pháp ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ

Trước khi lực lượng chức năng phải dùng đến biện pháp mạnh cuối cùng để trấn áp đối tượng chống người thi hành công vụ: nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm, lực lượng chức năng phải áp dụng 7 biện pháp ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ theo Điều 16 Nghị định Quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Cụ thể:

Thứ nhất, giải thích cho người có hành vi vi phạm biết rõ là họ đã vi phạm pháp luật và yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm đó. Yêu cầu người vi phạm xuất trình giấy tờ tùy thân để kiểm tra.

Ảnh minh họa

Vụ dùng gậy sắt tấn công cảnh sát giao thông ở Lạng Sơn năm 2012 gây xôn xao dư luận. Ảnh: Internet


Thứ hai, cưỡng chế người có hành vi vi phạm pháp luật buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm, chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ; 

Thứ ba, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ; khám người, phương tiện vi phạm; tước bỏ, vô hiệu hóa vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ hoặc hung khí (nếu có).  Trình tự, thủ tục bắt giữ, khám xét người có hành vi chống người thi hành công vụ, khám phương tiện vi phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Thứ tư, trường hợp tụ tập đám đông chống người thi hành công vụ thì tiến hành các biện pháp nhằm giải tán đám đông; ngăn chặn, bao vây, khống chế, cô lập đối tượng cầm đầu, tổ chức, xúi giục.

Thứ năm, đưa người có hành vi chống người thi hành công vụ về trụ sở cơ quan Công an, trụ sở cơ quan có thẩm quyền xử lý hoặc trụ sở Ủy ban nhân dân nơi gần nhất để giải quyết. Trong trường hợp người có hành vi vi phạm cố tình chống đối, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ thì được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện được trang bị để buộc người vi phạm phải chấp hành.

Thứ sáu, lập biên bản về hành vi chống người thi hành công vụ để làm căn cứ cho việc xử lý theo quy định của pháp luật;

Thứ bảy, quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định tạm giữ người, phương tiện vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, tinh thần của Nghị định cho thấy, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn khẩn cấp, các biện pháp cưỡng chế cần thiết chỉ là việc chẳng đặng đừng của lực lượng chức năng bởi trước khi áp dụng đến những biện pháp mạnh này, lực lượng chức năng buộc phải áp dụng các biện pháp vận động, thuyết phục người có hành vi chống người thi hành công vụ.

Theo quy định này, nguyên tắc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ gồm: Tuân thủ quy định của pháp luật; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Lấy phòng ngừa là chính; chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm khắc mọi hành vi chống người thi hành công vụ.

Thận trọng, chủ động, linh hoạt trong ngăn chặn, xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ; bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do hành vi chống người thi hành công vụ gây ra.

Bảo đảm các yêu cầu về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ. Chỉ áp dụng các biện pháp ngăn chặn khẩn cấp, các biện pháp cưỡng chế cần thiết sau khi đã áp dụng các biện pháp vận động, thuyết phục người có hành vi chống người thi hành công vụ nhưng không có hiệu quả.

Trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm, tiêu cực đối với người thi hành công vụ

Các cơ quan, tổ chức quản lý người thi hành công vụ có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong lực lượng thực thi công vụ. Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh việc thực thi nhiệm vụ và chấp hành pháp luật của người thi hành công vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xây dựng và thực hiện chương trình huấn luyện, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, phương pháp vận động, thuyết phục, kỹ năng sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng và kỹ năng phòng vệ chính đáng, xử lý tình huống khi có hành vi chống người thi hành công vụ cho phù hợp với đối tượng, địa bàn, lĩnh vực thuộc quyền quản lý. Xây dựng đội ngũ cán bộ thi hành công vụ trong sạch, vững mạnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức năng, chức trách; rèn luyện lễ tiết, tác phong, thái độ đúng mực của người thi hành công vụ trong khi thực thi nhiệm vụ.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc