Những cái chết thảm thương dưới gầm tàu hoả

07:02, 04/03/2013
|

(VnMedia)- Chỉ vì một chút sơ sẩy nhiều người đã mất mạng ngay trên đường ray tàu hỏa, hoặc bị kéo lê trước sự hoảng sợ của nhiều người. Vấn đề là, quy định về giới hạn hành lang an toàn giao thông đường sắt đã có, nhưng nhiều người vẫn cố tình không để ý và tự đánh đổi mạng sống của bản thân mình...

Ảnh minh họa

Ảnh: Minh họa.


Mất mạng vì nghe điện thoại trên đường tàu

Khoảng 15h40 ngày 28/2, trên tuyến đường sắt Bắc – Nam đoạn qua xã Văn Tự, huyện Thường Tín (Hà Nội), do mải nghe điện thoại trên đường sắt một người đàn ông đã bị tàu hỏa đâm vào kéo lê 10 m và tử vong.

Theo một số người dân gần đó cho biết, vào khoảng thời gian trên, một người đàn ông đứng nghe điện thoại trên đường tàu, đoạn đường ngang dân sinh giao với đường sắt thuộc xã Văn Tự, huyện Thường Tín. Do mải nghe điện thoại nên không biết có đoàn tàu đang đến gần nên đã bị đoàn tàu D91E – 924 tông thẳng và kéo lê hơn 10m, tử vong tại chỗ.

Ngay sau khi nhận đươc tin báo của người dân, CSGT huyện Thường Tín đã có mặt tai hiện trường vụ tai nạn để điều tiết giao thông trên Quốc lộ 1A, đồng thời tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.

Đoàn tàu D91E– 924 cũng đã phải dừng bánh khẩn cấp để phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ vụ việc. Sau đó khoảng 20 phút, đoàn tàu mới có thể tiếp tục hành trình.

Danh tính nạn nhân được cơ quan chức năng làm rõ là anh Đặng Quốc Toản (sinh năm 1973, ở xã Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang). Được biết, anh Toản đang trên đường về Thường Tín để ăn đám cưới đồng nghiệp thì có điện thoại nên ra ngoài nghe và đã gặp nạn.

Trước đó, vào khoảng 19h30p tối 10/6/2012, tại đường ngang dân sinh số 150 Ngọc Hồi, Hà Nội, một người đàn ông khi đang đứng gọi điện trên đường ray thì tàu hỏa chạy hướng Hà Nội – TP Hồ Chí Minh lướt tới, tông trực diện vào người đàn ông, khiến người này văng xa hơn 10m và tử vong tại chỗ.

Danh tính nạn nhân được xác định là Phan Văn Hùng (SN 1974, quê quán ở Tân Lạc, Hòa Bình). Theo người nhà của nạn nhân cho biết: Anh Hùng vừa mới lên nhà chị gái sống gần đó chơi, đang lúc gọi điện thoại cho vợ thì sự việc đáng tiếc xảy ra.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, đội CSGT số 4 cùng công an địa phương đã có mặt kịp thời để giải quyết sự việc.

Dừng xe giữa đường tàu, bị tàu hỏa nuốt chửng

Khoảng 16h ngày 4/9 tại khu vực gầm cầu Thanh Trì (đoạn giao với quốc lộ 5). CSGT đội 5, Công an Hà Nội cho biết: Vào khoảng thời gian trên một chiếc xe gắn máy chở 2 người vượt qua đường sắt (từ khu đô thị Thạch Bàn (Gia Lâm) ra quốc lộ 5). Khi đi đến đoạn giữa đường ray thì bất ngờ dừng lại. Cùng lúc đó, đoàn tàu chở khách số hiệu 901 chạy hướng Hà Nội – Hải Phòng vừa đi tới đã cuốn bay hai người đàn ông cùng chiếc xe.

Ngay sau khi xảy ra cú va chạm, chiếc xe máy bị hất văng đi khoảng 10 mét, người điều khiển xe chết tại chỗ. Người ngồi sau bị thương nặng và ngay sau đó được nhân dân xung quanh đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt-Đức.

Danh tính nạn nhân được xác định là Nguyễn Xuân Báo (sinh năm 1964) là người điều khiển, phía sau chở anh Nguyễn Xuân Khoát (chưa rõ năm sinh, cùng trú tại thôn Bái Uyên, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Chiếc xe máy mang BKS 99C1-01634 bị hư hỏng hoàn toàn.

Ngay sau khi xảy ra tai nạn, lực lượng CSGT công an huyện Gia Lâm, Đội CSGT số 5 (Công an TP Hà Nội) và Đội CSGT Công an quận Long Biên đã có mặt tiến hành đưa nạn nhân đi cấp cứu, khám nghiệm hiện trường.

Tai nạn xảy ra vào đúng giờ tan tầm, lượng phương tiện đông thêm vào đó là sự hiếu kỳ của nhiều người đã khiến giao thông ở đây bị ùn tắc cục bộ. Lực lượng chức năng phải rất vất vả để phân luồng giao thông.

Cố tình trèo qua hàng rào chắn,1 thanh niên bị tàu hỏa cán chết

Vào hồi 19h26  tối 12/8 tại km 1708 + 600, khu phố Nhị Đồng 2, phường Dĩ An, tỉnh Bình Dương xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm anh Trần Văn Lập (SN 1978) ở tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An tử vong tại chỗ.

Theo thông tin ban đầu, khi tàu SE2 (từ Tp.HCM ra Hà Nội) đang lưu thông thì bất ngờ đâm phải anh Lập vừa leo hàng rào bảo vệ đường sắt từ Khu công nghiệp Sóng Thần để qua khu hành chính thị xã Dĩ An.

Hậu quả, lái tàu không phanh kịp nên đã đâm trực diện vào nạn nhân, kéo lê 500m rồi hất nạn nhân xuống rãnh đường tàu khiến thi thể không còn nguyên vẹn.

Ngay lập tức, lực lượng công an đã có mặt tại hiện trường để giải tỏa, điều tiết giao thông. Đến gần 22h cùng ngày, thi thể nạn nhân được đưa đi khám nghiệm.

Được biết, nguyên nhân ban đầu được xác định do, anh Lập chủ quan, vượt hành lang bảo vệ đường sắt khi đoàn tàu Bắc-Nam lao tới dẫn đến tai nạn thương tâm.

Trước đó, vào lúc 6h30 phút sáng 28/7, cũng tại thị xã Dĩ An, khu vực km 1711+800 đoạn qua ấp Bình Đường, phường An Bình xảy ra vụ tai nạn đường sắt khiến 1 nam thanh niên (khoảng 30 tuổi) điều khiển xe máy BKS: 51P5 – 3975 trọng thương. Ngay sau khi xảy ra tai nạn, đoàn tàu đã dừng lại, lái tàu và một số người dân nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện nhân dân Gia Định trong tình trạng hết sức nguy kịch.

Đã có quy định nhưng không ai thực hiện

Theo Luật Đường sắt, phạm vi giới hạn hành lang an toàn giao thông đường sắt được quy định rất cụ thể như: Chiều cao giới hạn trên không tính từ đỉnh ray trở lên theo phương thẳng đứng; Chiều rộng giới hạn hai bên đường sắt tính từ mép chân nền đường đắp, mép đỉnh mái đường đào, mép ray ngoài cùng của đường không đào, không đắp trở ra mỗi bên là 15 mét đối với đường sắt trong khu gian; tính từ mép ray ngoài cùng trở ra mỗi bên là 2 mét đối với đường sắt trong ga, trong cảng, trong tường rào; Hành lang an toàn giao thông đường sắt tại khu vực đường ngang phải bảo đảm tầm nhìn cho người tham gia giao thông và phù hợp với cấp đường ngang.

Luật cũng quy định, trong hành lang an toàn giao thông đường sắt chỉ được phép trồng cây thấp dưới 1,5 mét và phải trồng cách mép chân nền đường đắp ít nhất 2 mét, cách mép đỉnh mái đường đào ít nhất 5 mét hoặc cách mép ngoài rãnh thoát nước dọc của đường, rãnh thoát nước đỉnh ít nhất 3 mét.

Thậm chí, với khu vực đường ngang, đường sắt đô thị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể hành lang an toàn giao thông đường sắt tại những khu vực này. (Quy định cụ thể tại Điều lệ đường ngang ban hành kèm theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BGTVT ngày 30/3/2006 của Bộ trưởng Bộ GTVT).

Tuy nhiên, thực tế hiện trường tại các vụ tai nạn giao thông đường sắt cho thấy những quy định về hành lang an toàn giao thông chưa hề được chú trọng.

Tại vụ tai nạn trên tuyến đường sắt Bắc – Nam đoạn qua xã Văn Tự, huyện Thường Tín (Hà Nội) nói trên, theo quan sát của PV, tại điểm đường sắt giao nhau với Quốc lộ 1A đoạn qua xã Văn Tự, huyện Thường Tín chỉ có biển báo chỉ dẫn và đèn tín hiệu mà không có gác hay rào chắn nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm mỗi khi có tàu chạy qua. Người dân địa phương cũng cho biết, trước vụ việc đáng tiếc xảy ra thì tại đoạn đường này cũng đã từng xảy ra rất nhiều vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng.

Đây cũng là hiện trạng tại khu vực km 1711+800 đoạn qua ấp Bình Đường, phường An Bình tỉnh Bình Dương. Theo những người dân sinh sống thuộc khu vực này, đây là tuyến đường dân sinh cắt ngang đường sắt nhưng không có rào chắn, lại ngay khúc cua làm che khuất tầm nhìn nên rất dễ xảy ra tai nạn.

Theo thống kê, trong hai tháng đầu năm 2013, cả nước xảy ra 34 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 20 người, bị thương 21 người. Giao thông đường sắt có đặc thù riêng, thường dễ phòng tránh tai nạn hơn các loại hình giao thông khác vì độ ồn của phương tiện và có sự cảnh báo từ xa. Chính vì vậy, để tránh những vụ thiệt mạng đáng tiếc xảy ra, mỗi người nên tuân thủ những quy định về hành lang an toàn giao thông.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc