(VnMedia) - Theo Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công vụ hỗ trợ, đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng thậm chí là vũ khí thể thao chỉ gồm người phục vụ trong quân đội, công an, dân quân tự vệ, kiểm lâm, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan...
>> Khi nào công an được phép nổ súng?
Ai được cấp súng?
Từ ngày 1/1/2012, theo quy định tại Pháp lệnh 16/2011/ UBTVQH12 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công vụ hỗ trợ, đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng (theo Điều 13) gồm: Quân đội nhân dân; Công an nhân dân; Dân quân tự vệ; Kiểm lâm, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan, đơn vị Hải quan cửa khẩu; An ninh hàng không; Chính phủ quy định loại vũ khí quân dụng trang bị cho các đối tượng quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này.
|
Tuy nhiên để được sử dụng súng, vũ khí, người sử dụng phải có những tiêu chuẩn: Có phẩm chất, đạo đức tốt; Có sức khoẻ phù hợp; Được huấn luyện về chuyên môn và kiểm tra định kỳ về kỹ năng sử dụng vũ khí.
Pháp lệnh cũng quy định rõ, người sử dụng vũ khí không thuộc lực lượng vũ trang, ngoài tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí.
Để có súng, đối tượng được giao sử dụng phải thực hiện các thủ tục trang bị vũ khí quân dụng cụ thể: Thứ nhất, thủ tục trang bị vũ khí quân dụng cho các đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Thứ hai, thủ tục trang bị vũ khí quân dụng cho các đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, thực hiện như sau:
Văn bản đề nghị trang bị vũ khí quân dụng nêu rõ nhu cầu, điều kiện, số lượng, chủng loại vũ khí đã được trang bị và số lượng, chủng loại vũ khí cần trang bị mới cho cơ quan, tổ chức, đơn vị. Văn bản đề nghị do lãnh đạo bộ, ngành ký nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu trang bị ở trung ương hoặc do lãnh đạo ban, ngành ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ký nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu trang bị ở địa phương;
Văn bản đề nghị trang bị vũ khí quân dụng của các bộ, ngành ở trung ương gửi Bộ Công an. Văn bản đề nghị trang bị vũ khí quân dụng của các ban, ngành ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; sau khi tiếp nhận văn bản đề nghị trang bị vũ khí quân dụng thì Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét báo cáo Bộ Công an quyết định;
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị trang bị vũ khí quân dụng, Bộ Công an phải cấp giấy phép được trang bị, cấp giấy giới thiệu và hướng dẫn cơ quan, tổ chức, đơn vị được trang bị vũ khí làm thủ tục cung cấp, chuyển nhượng hoặc chuyển Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định việc cung cấp, chuyển nhượng; trường hợp không đồng ý trang bị phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
Không chỉ quy định ngặt nghèo về việc trang bị vũ khí quân dụng, đối với việc trang bị vũ khí thể thao Pháp lệnh cũng nêu rõ đối tượng được sử dụng gồm: Các đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ; Câu lạc bộ, trường, trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao; Trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh; Tổ chức khác có nhu cầu trang bị vũ khí thể thao để luyện tập, thi đấu thể thao được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập, cấp phép hoạt động.
Bên cạnh các đối tượng được sử dụng súng quân dụng, thể thao, với trường hợp được trang bị vũ khí thô sơ, Pháp lệnh cũng mở rộng thêm một số đối tượng như Đội kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường; ban, đội bảo vệ chuyên trách của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ; cơ quan thi hành án dân sự; Các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc trang bị vũ khí thô sơ đối với Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ. Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc trang bị vũ khí thô sơ đối với Công an nhân dân, chủ trì phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có liên quan quy định việc trang bị vũ khí thô sơ đối với các đối tượng khác.
Quy định nổ súng
Do súng là nguồn nguy hiểm cao độ, người được phép sử dụng phải rất cân nhắc, cẩn trọng, được đào tạo về kỹ năng nghiệp vụ rất nghiêm ngặt cũng như phải có bản lĩnh, phẩm chất đặc biệt. Từ trước đến nay, kể cả trong trường hợp tấn công tội phạm nguy hiểm như cướp, các đối tương truy nã đặc biệt nguy hiểm thì việc nổ súng cũng chỉ được sử dụng cuối cùng khi mà không có các biện pháp nào khác tốt hơn chứ chưa bao giờ được xác định là phương tiện được ưu tiên sử dụng trước.
Chính vì vậy, để nổ súng, người sử dụng súng phải thực hiện theo đúng quy định. Thứ nhất, khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, việc nổ súng của Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, việc nổ súng của Công an nhân dân thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Thứ hai, khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự có tổ chức, việc nổ súng tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc nổ súng tuân theo các nguyên tắc: Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng; Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo.
Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay; Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.
Ý kiến bạn đọc