Người dân cần cảnh giác, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái

06:55, 13/03/2013
|

(VnMedia)- Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, mỗi cơ quan, đơn vị và cá nhân trong ngành cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động và kịp thời phát hiện, phối hợp với các ban, ngành có liên quan tổ chức đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái lợi dụng việc góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để chống Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son. Ảnh: Infonet


Chiều 12/3, Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) đã tổ chức hội nghị thảo luận góp ý về dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 trong toàn ngành thông tin và truyền thông.

Tại hội nghị thảo luận này, đã có 10 ý kiến trao đổi, đóng góp thẳng thắn cho dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 trên nhiều lĩnh vực, điển hình như khẳng định vai trò và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của công dân, quyền tự do ngôn luận…

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, sau hai tháng triển khai, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn ngành thông tin và truyền thông đã tập trung triển khai đồng bộ, đúng tiến độ. Trong hàng trăm ngàn ý kiến góp ý có nhiều ý kiến tâm huyết, góp ý mang tính xây dựng, mong muốn chung là tìm các giải pháp để phát triển đất nước trong giai đoạn kế tiếp, thể hiện bầu không khí dân chủ trong quá trình bàn bạc, thảo luận những vấn đề hệ trọng của đất nước, thể hiện tình yêu và trách nhiệm của mỗi cá nhân trước dân tộc, trước nhân dân…

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, đáng tiếc, bên cạnh đó vẫn hiện hữu những luồng ý kiến trái chiều với mưu đồ xấu, thể hiện rõ ý muốn tạo ra những “xáo trộn chính trị”, lợi dụng việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để truyền bá những quan điểm sai trái, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Bộ trưởng nhấn mạnh, nhiều ý kiến góp ý không đảm bảo đúng nguyên tắc, trái với các quan điểm chỉ đạo của Đảng về sửa đổi Hiến pháp 1992. Trong đó xuất hiện phần nhiều trên các trang mạng phản động, các trang thông tin điện tử cá nhân, thậm chí lợi dụng cả báo chí trong nước, nước ngoài để đưa thông tin trái chiều, thiếu tính xây dựng…

Để góp phần hoàn thiện báo cáo góp ý Hiến pháp, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị phát huy tinh thần tập thể, đóng góp vào Dự thảo bằng trí tuệ và tâm huyết của mỗi người. Trên cơ sở đó mỗi cơ quan đơn vị, mỗi cá nhân có thể góp ý về toàn bộ nội dung Dự thảo, hoặc từng chương, điều khoản cụ thể.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng lưu ý mỗi cơ quan, đơn vị và cá nhân trong ngành cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động và kịp thời phát hiện, phối hợp với các ban, ngành có liên quan tổ chức đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái lợi dụng việc góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để chống Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, nhất là các hành vi lợi dụng các phương tiện thông tin truyền thông để truyền bá tư tưởng chống phá, quan điểm lệch lạc.

Theo chỉ đạo của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, kể từ sau ngày 31/3/2013 và cho đến 30/9/2013 trước khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được trình Quốc hội thông qua, nhân dân vẫn tiếp tục đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; các cơ quan, tổ chức địa phương có trách nhiệm tiếp nhận, tập hợp, tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý của nhân dân và gửi về Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành cần tiếp tục xác định việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là nhiệm vụ trọng tâm, cần được ưu tiên thực hiện nhằm tạo sự nhất trí cao trong toàn xã hội.

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm hiện tại đã có 228 tin bài trên 16 cơ quan báo chí in của trung ương và địa phương; khoảng hơn 3000 lượt tin, bài liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp 1992 được các đài truyền hình, đài phát thanh, các báo điện tử và trang thông tin điện tử của các cơ quan báo chí đăng tải. Báo, đài đã tập trung đăng, phát các nội dung quan trọng như: Nêu bật, khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; khẳng định những nội dung đổi mới, tiến bộ trong Dự thảo như dự kiến thành lập một số cơ quan hiến định mới là Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, kiểm toán Nhà nước...; phản ánh ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu chính trị, pháp luật phân tích, khẳng định một số nội dung cơ bản, quan trọng, được dư luận quan tâm như vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa...



 


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc