(VnMedia)- Chiều 1/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư sửa đổi quy định cấm phát tán thông tin tiêu cực tại Thông tư 04/2013/TT-BGDĐT ngày 21/2/2013. Nhưng tại sao phải sửa đổi điều này?
Thông tư 04 có hiệu lực thi hành từ 15/4/2013.
Trong đó, đáng chú ý là tại Điều 42a Thông tư 04 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT, tại điểm b, khoản 1, quy định: Người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi phải có trách nhiệm gửi cho nơi tiếp nhận theo quy định tại khoản 2 điều này trong vòng 7 ngày, kể từ khi kết thúc ngày thi cuối cùng để xử lý; không được phát tán thông tin cho người khác, dưới bất kỳ hình thức nào.
(Theo khoản 2 của Điều 42a, nơi tiếp nhận thông tin, bằng chứng về vi phạm Quy chế thi: a) Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh (thành phố); b) Thanh tra giáo dục các cấp).
Ảnh: Minh họa |
Để tìm hiểu rõ về điều này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Vũ Thái Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH YouMe. Theo phân tích của vị luật sư này, việc gửi các bằng chứng vi phạm Quy chế thi cho người có thẩm quyền là việc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật và do đó phải tuân theo quy định của Luật tố cáo. Thông tư số 04/2013/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày ngày 21 tháng 02 năm 2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 10/2012/TT-BGDĐT ngày 6 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: người có bằng chứng về vi phạm Quy chế thi có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận bao gồm: Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPTTW hoặc Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh/thành phố.
Vị luật sư này cho biết, với tinh thần của Luật Tố cáo, việc gửi đơn hay trực tiếp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền là một trong những quyền của người tố cáo chứ không phải nghĩa vụ của họ (Điều 9 Luật tố cáo). Do đó, không thể cho rằng họ có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận trong vòng 7 ngày, kể từ khi kết thúc ngày thi cuối cùng. Việc giới hạn thời gian 7 ngày là hạn chế quyền tố cáo của người tố cáo và không phù hợp với các quy định của Luật tố cáo hiện hành khi luật này không giới hạn về thời hiệu tố cáo.
Thứ hai, các bằng chứng về hành vi vi phạm pháp luật không phải là các tài liệu bị cấm công bố hay phát tán vì mục đích tố cáo, do đó không thể cấm người có các bằng chứng này phát tán thông tin cho người khác dưới bất cứ hình thức nào. Người tố cáo, căn cứ vào các quy định của pháp luật như Luật tố cáo, Luật báo chí… có quyền gửi các bằng chứng này tới bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có thẩm quyền mà không ai được phép ngăn cản.
"Việc quy định như trên, vô hình chung đã tạo ra các rào cản, hạn chế việc tố cáo các hành vi tiêu cực trong lĩnh vực thi cử, hạn chế đi các quyền của người tố cáo tạo ra “cơ hội” cho việc che giấu các sai phạm cũng như sự công khai các sai phạm này trước dư luận".
Trước những ý kiến trên, chiều 1/3/2013, Bộ GD và ĐT đã sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 1, Điều 42a như sau: “Người có bằng chứng về vi phạm Quy chế thi báo cáo ngay cho nơi tiếp nhận được quy định tại khoản 2 điều này để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật. Việc tiếp nhận và xử lý các tố cáo vi phạm Quy chế thi được thực hiện theo pháp luật về tố cáo”.
Ý kiến bạn đọc