Được nổ súng sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy xã hội !

10:23, 13/03/2013
|

(VnMedia)- Theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm, văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư Hà Nội, có nhất thiết phải ban hành một Nghị định riêng về việc được nổ súng vào người vi phạm khi việc sử dụng súng hiện nay cũng đã được quy định rất nghiêm ngặt chung với vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ khác tại pháp lệnh số: 16/2011/UBTVQH12 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ ban hành ngày 30/6/2011.

>> Những ai được cấp súng để thực thi nhiệm vụ? 
>> Những việc công an phải làm trước khi nổ súng 
>> Trường hợp nào được nổ súng vào người vi phạm? 

Trao đổi với VnMedia, luật sư Nguyễn Văn Kiệm cho biết, việc nổ súng, sử dụng vũ lực để tấn công thì không chỉ trong việc quản lý trật tự xã hội… mà ngay cả trong chiến tranh, xung đột quốc gia hay khu vực thì quan niệm chung đều coi đây là biện pháp rất tiêu cực, bất đắc dĩ. Là biện pháp cuối cùng khi mà các biện pháp, phương án tích cực như trao đổi, đàm phán, thuyết phục, thương lượng, hòa giải…. không có kết quả, do vậy hành động nổ súng, tấn công là hành động cực kỳ nhạy cảm, nếu không có các nghiên cứu cân nhắc cẩn thận sẽ gây các hậu quả xã hội vô cùng nghiêm trọng.

Ảnh minh họa

Nếu đề xuất cho sử dụng súng khi có đối tượng chống người thi hành công vụ được cho vào Nghị định riêng được thông qua sẽ rất dễ nảy sinh tiêu cực. Ảnh: Internet


Mặt khác, việc nổ súng cũng còn được quy định gián tiếp trong Điều 15 Bộ Luật Hình sự về phạm vi và mức độ được phép sử dụng trong trường hợp phòng vệ chính đáng. Theo quy định, Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm;

Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả  rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, tính đến thời điểm này, trong hệ thống pháp luật đã có các văn bản pháp lý liên quan trực tiếp, gián tiếp đến việc quản lý, sử dụng vũ khí và nổ súng là Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH11; Nghị Định: 25/2012/NĐ-CP hướng dẫn PL 16; và Thông tư: 30/2012/TT-BCA.

Từ phân tích trên, luật sư Nguyễn Văn Kiệm cho rằng, với các quy định và hiện trạng như vậy, việc ban hành riêng một Nghị định như Bộ Công an đang công bố lấy ý kiến người dân về đề xuất cho phép nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm "thực sự là không cần thiết và nếu không nghiên cứu một cách thận trọng, xem xét tổng thể, gốc rễ đến các căn cứ pháp lý thì dể dẫn đến ban hành văn bản trái luật và nảy sinh nhiều hệ lụy xã hội và lạm dụng trong quá trình thi hành công vụ", luật sư Kiệm nhấn mạnh.

Vị luật sư này cũng cho rằng, việc ban hành các chính sách pháp luật để quản lý và điều chỉnh các quan hệ xã hội là nhằm mục đích đem lại cho người dân và xã hội những điều tốt đẹp, hướng tới một xã hội ngày càng hoàn thiện, công băng, văn mình. Mỗi văn bản chính sách được ban hành ra nó chỉ được xã hội chấp thuận khi nó mang tính khả thi cao, muốn vậy  các cơ quan có thẩm quyền khi xây dựng chính sách phải thực sự hướng đến người dân, hướng đến xã hội, thực sự vì lợi ích của người dân.

Thời gian qua có nhiều văn bản chính sách ban hành ra đã bị xã hội phản ứng gay gắt, thậm chí phẫn lộ như: quy định việc bán thịt trong 8 tiếng, thu phí đường bộ, phạt xe không chính chủ, phạt đội mũ bảo hiểm “rởm”… là do xuất phát từ các nguyên nhân như yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan tham mưu, yếu kém về công tác quản lý của ngành lĩnh vực mình dẫn đến bất lực sinh ra cấm đoán, hạn chế quyền của người dân và một vấn đề thực sự mấu chốt là các cơ quan quản lý chưa thực sự vì người dân mà chủ yếu để bảo vệ, phục vụ cho ngành lĩnh vực mình quản lý, phụ trách.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc