Suốt từ tháng 8/2012 tới nay, UBND tỉnh Sơn La nhiều lần có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét cho một công ty TNHH của tỉnh này được xuất khẩu 220 ngàn tấn quặng thô.
Trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị ngừng xuất khẩu khoáng sản thô, sự “sốt sắng” này liệu có gì bất thường, nhất là dư luận cho rằng nguồn gốc của số quặng tồn kho có nhiều điểm đáng ngờ?.
Công văn của UBND tỉnh Sơn La đề nghị Chính phủ cho phép xuất khẩu quặng tồn kho. |
Từ năm 2005 Thủ tướng Chính phủ đã giao cho tỉnh Sơn La khai thác thu hồi khoáng sản tại vùng ngập lòng hồ thủy điện Sơn La, thời gian khai thác cho tới khi lòng hồ thủy điện tích nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tới năm 2009 tỉnh Sơn La mới “tìm” được nhà đầu tư triển khai kế hoạch này, đó là công ty TNHH Tuấn Đạt.
UBND tỉnh Sơn La đã có QĐ số 2849 cho phép công ty Tuấn Đạt khai thác trên phạm vi diện tích là 02 ha, ở cao độ từ 180m-215m vùng ngập lòng hồ thủy điện. Sản lượng khai thác ban đầu chỉ 15 ngàn tấn/ năm, sau đó năm 2010 được điều chỉnh lên trên 200 ngàn tấn/ năm và gia hạn giấy phép đến tháng 9/2012.
Báo cáo của Sở Công Thương Sơn La xác định: từ tháng 9/2009 đến tháng 9/2011 công ty Tuấn Đạt khai thác được 430 ngàn tấn. Đã xuất bán trong nước 60 ngàn tấn, xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 83 ngàn tấn và tồn kho 30 ngàn tấn tại Lào Cai, hơn 256 ngàn tấn tại huyện Mường La ( điểm khai thác).
Ngày 9/1/2012 Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 02/2012/CT-Ttg, trong đó chỉ thị dừng xuất khẩu khoáng sản thô. Sau đó, công ty Tuấn Đạt có báo cáo Sở Công thương Sơn La xin xuất khẩu quặng sắt đã ký hợp đồng với đối tác Trung Quốc. Tại văn bản này, công ty Tuấn Đạt trình bày có 23 ngàn tấn quặng đã xuất hóa đơn để làm thủ tục Hải quan tại CK quốc tế Lào Cai nhưng chưa xuất khẩu được do thực hiện chỉ thị 02. Công ty này xin được xuất khẩu trả nợ theo hợp đồng với khối lượng 220 ngàn tấn quặng sắt ( bao gồm 23 ngàn 200 tấn quặng đã xuất hóa đơn và 197 ngàn tấn theo hợp đồng đã ký).
Ngày 29/8/2012 ông Bùi Đức Hải- Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã ký công văn số 1876/UBND-KTN gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương “xin” cho công ty Tuấn Đạt được xuất khẩu quặng tồn kho để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Sẽ không có gì đáng nói nếu như số quặng tồn kho nói trên có thực và cần được giải phóng hàng tồn kho, gỡ khó cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường, giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường.
Nhưng sự thực không hẳn như thế.
Trước dư luận về việc công ty Tuấn Đạt xin xuất khẩu quặng tồn kho nhưng thực chất là xin giấy phép để “bán” cho doanh nghiệp khác ở Lào Cai xuất khẩu khoáng sản được thu gom trái phép, nhóm phóng viên PLVN đã vào cuộc tìm hiểu sự vụ.
Trước hết, phải khẳng định ngay rằng quặng sắt của Sơn La thuộc loại quặng không có từ, hàm lượng Fe không cao, không được giá khi xuất khẩu. Theo quy định tại thông tư 08 của Bộ Công Thương thì quặng sắt xuất khẩu phái đạt hàm lượng Fe lớn hơn hoặc bằng 54% trừ trường hợp cá biệt như tận thu tại lòng hồ thủy điện Sơn La, hàm lượng không đạt nhưng vẫn được phép xuất khẩu thô ( trước khi có lệnh “cấm” xuất khẩu theo chỉ thị 02).
Khu vực khai thác quặng của công ty Tuấn Đạt. |
Tại điểm khai thác của công ty Tuấn Đạt ( bản Khâu Ban 2, xã Mường Trai, huyện Mường La), trưởng bản Lò Văn Loại khẳng định: quặng của công ty Tuấn Đạt không chỉ được tận thu ở lòng hồ. “Công ty Tuấn Đạt tận thu ở dọc hai bên đường chứ không phải ở điểm được cấp phép. Năm ngoái, có đoàn kiểm tra đến, công ty Tuấn Đạt mới chuyển máy móc xuống chỗ được cấp phép để…dàn cảnh quay phim chụp ảnh, thậm chí cho nổ mìn giả để đoàn kiểm tra trên tỉnh thấy, hôm sau lại rút quân cùng máy móc ra ngoài”.
Chủ tịch UBND xã Mường Trai, Lèo Văn Lay cũng cho biết công ty Tuấn Đạt có tận thu khoáng sản tại lòng hồ với số lượng ít, sau đó công ty Tuấn Đạt làm đường nông thôn gặp quặng ở đâu thì tận thu tới đó.
Ông Nguyễn Duy Nhượng, Giám đốc Sở Công thương Sơn La cũng thừa nhận: không thấy có chuyện công ty Tuấn Đạt khai thác ở ngoài điểm được cấp phép, nếu có cũng chỉ là tận thu dọc hai bên đường loanh quanh điểm được cấp phép.
Rõ ràng về nguồn gốc, quặng được tận thu từ lòng hồ khác với quặng khai thác tận thu dọc hai bên đường khi công ty Tuấn Đạt tham gia làm đường nông thôn. Thêm vào đó, công ty Tuấn Đạt trình lên cơ quan chức năng đang có hơn 23 ngàn tấn tồn trong kho của công ty Hoàng Lan- đơn vị Tuấn Đạt ủy thác xuất khẩu- và căn cứ vào hóa đơn, chứng từ, tỉnh Sơn La đã báo cáo Chính phủ cho Tuấn Đạt được xuất khẩu “trả nợ theo hợp đồng” mà không “tận mắt” thấy số hàng tồn này.
Nói chính xác hơn, ông Nguyễn Duy Nhượng cho nhóm phóng viên được biết: đã sang kho của công ty Hoàng Lan, thấy quặng của Tuấn Đạt để chung với quặng của Hoàng Lan, thậm chí đã lấy mẫu mang về xét nghiệm thì thấy đúng là quặng của Sơn La. Tuy nhiên khi nhóm phóng viên hỏi ông về mẫu cũng như các hóa đơn cước vận tải mà Tuấn Đạt cung cấp ( để chứng minh Tuấn Đạt đã chở 23 ngàn tấn quặng sang Lào Cai) thì ông Nhượng lại …không có.
Nhóm phóng viên đã lặn lội sang tỉnh Lào Cai, “mục sở thị” kho bãi của Hoàng Lan thì không xác định được số quặng của công ty Tuấn Đạt đang nằm ở nơi nào. Trao đổi với nhóm phóng viên xung quanh 23 ngàn tấn quặng của Tuấn Đạt có nằm ở Lào Cai chờ xuất khẩu hay không, ông Hoàng Kim Thắng- Đội trưởng Đội nghiệp vụ chi cục HQ cửa khẩu Lào Cai cho hay kể từ khi có chỉ thị 02 thì không doanh nghiệp nào được phép xuất khẩu quặng qua cửa khẩu. Năm 2011 công ty Hoàng Lan xuất khẩu được khoảng trên 60.000 tấn tinh quặng sắt và từ năm 2011 tới nay không thấy có doanh nghiệp nào là Tuấn Đạt xuất khẩu quặng qua cửa khẩu Lào Cai.
Để có câu trả lời chính xác, chúng tôi đã quay trở lại Sơn La để gặp ông Dương Doãn Lục- giám đốc công ty Tuấn Đạt. Trả lời phóng viên, ông Lục nói: đống quặng vẫn ở “lù lù” ở ngoài sân (công ty Hoàng Lan- pv) nhưng không nhớ chính xác là bao nhiêu, có thể là hơn 20 ngàn tấn và công ty Tuấn Đạt đang chờ được Bộ Công thương cấp phép cho xuất khẩu cùng với số quặng tồn kho đang nằm ở Mường Trai.
Lý giải việc xuất khẩu ủy thác qua Hoàng Lan, thay vì xuất khẩu trực tiếp (dù công ty có đối tác) ông Lục cho rằng đó là quyền của doanh nghiệp và do doanh nghiệp tính toán, xuất khẩu ủy thác lợi hơn thì làm.
Khẳng định 23.000 tấn quặng đang nằm tại Lào Cai, trong kho của công ty Hoàng Lan nhưng khi nhóm phóng viên đề nghị được vào kho để kiểm chứng ông Lực hứa sẽ gọi điện cho giám đốc Hoàng Lan và thông tin lại thời điểm phóng viên có thể vào kho song tới nay nhóm phóng viên không nhận được hồi âm từ ông.
Để giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh Thủ tướng Chính phủ mới đây đã cho phép một số doanh nghiệp được xuất khẩu khoáng sản tồn kho như một giải pháp xử lý tình thế đặc cách để giúp doanh nghiệp thế nhưng chủ trương đúng đắn này vừa được ban hành đã có dấu hiệu bị lợi dụng.
Bộ Công thương cần sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ những bất thường trong việc các tỉnh, trong đó có tỉnh Sơn La trong việc xin xuất khẩu quặng tồn kho mà trường hợp công ty Tuấn Đạt nói trên là một ví dụ điển hình.
Ý kiến bạn đọc