"Xiết nợ" trái luật: Chủ nợ biến thành tội phạm

07:26, 03/02/2013
|

(VnMedia) - Trong thời gian qua trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra những vụ thảm sát xiết nợ, cưỡng đoạt tài sản, đánh đập thậm chí là xả súng…Các chủ nợ với nôn nóng “thu hồi nợ” mà bất chấp coi thường pháp luật…

>>
Liên tiếp các vụ xiết nợ dã man gây đổ máu

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Nóng” loại tội phạm liên quan đến đòi nợ

Theo nhận định của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an TP.Hà Nội (PC45), năm 2012 nổi lên các loại tội phạm liên quan đến đòi nợ có diễn biến phức tạp, gây nhức nhối trong xã hội…
 
Theo đó, hoạt động của các đối tượng đâm thuê chém mướn, bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ diễn biến rất phức tạp với thủ đoạn đòi nợ của các đối tượng có tính chất manh động, côn đồ hung hãn hơn.

Thực tế cho thấy, các vụ đòi nợ thường từ việc con nợ chây ì không trả từ vay mượn "tín dụng đen" và các hoạt động vi phạm pháp luật khác… dẫn đến việc chủ nợ thuê các đối tượng côn đồ đòi nợ thuê cho mình.

Những khoản nợ xấu chủ yếu là cho nhau vay tiền chơi cờ bạc, lô đề, bóng đá... Do đó chủ nợ và con nợ đều là đối tượng có “máu mặt” nên khi hai bên xiết nợ, trả nợ thường rất manh động. Ngược lại, nhiều “con nợ” do không có khả năng thanh toán cũng sẵn sàng đe dọa, uy hiếp, tấn công chủ nợ hoặc tìm “đầu gấu” để nhờ bảo kê dẫn đến hai bên sẵn sàng hành hung, sử dụng vũ khí nóng để đe dọa, uy hiếp, truy sát.

Các chủ nợ không chừa thủ đoạn nào để gây áp lực đối với con nợ, từ khủng bố bằng chất bẩn đến các hành vi vũ lực, như mang súng, dao kiếm đến nhà con nợ đe dọa. Khi không đạt được mục đích thì quay ra đâm chém,  bắt cóc con nợ và người thân, đập phá, hủy hoại tài sản…
 
Theo thống kê, trong năm 2012 riêng Hà Nội đã xảy ra hơn 500 vụ kẻ xấu đổ chất bẩn vào nhà người dân; 12 vụ nổ mìn và đe dọa bằng mìn; sử dụng đông người đến đe dọa, chửi bới, đặt vòng hoa tang và sử dụng tin nhắn, điện thoại đe dọa con nợ...

Những đối tượng trong các vụ án có liên quan đến đòi nợ đa phần ở độ tuổi rất trẻ, thường là số thanh niên không nghề nghiệp, ham chơi, lười lao động, dễ bị bạn bè lôi kéo… Đứng sau các đối tượng tham gia đòi nợ thuê thường là các tay anh chị giang hồ có máu mặt, chỉ đạo đàn em dùng áp lực và vũ lực để thúc ép con nợ đã và đang là nguyên nhân làm gia tăng các vụ án nghiêm trọng như cướp, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật…

Bên cạnh đó, năm qua diễn ra tình trạng số đối tượng thương binh thoái hóa, biến chất, câu kết với các đối tượng hình sự tham gia việc đòi nợ thuê.
 
Bắt nợ, xiết nợ của cá nhân là trái pháp luật

Trong những ngày giáp Tết nguyên đán liên tiếp xảy ra những vụ “xiết nợ” với những thủ đoạn hết sức dã man, hung hãn, gây bất an cho người dân. Vào dịp này, không những cá nhân bị “xiết nợ” mà nhiều doanh nghiệp cũng lâm vào tình trạng không có khả năng chi trả nợ khiến những vụ “”đòi nợ’, ‘xiết nợ” gia tăng.

Một câu hỏi đặt ra về việc “bắt nợ”, “xiết nợ” của các chủ nợ trong thời gian qua có đúng pháp luật? Trao đổi với VnMedia về vấn đề này, luật sư Phạm Hùng Thắng (đoàn Ls Thanh Hóa) khẳng đinh, mọi hành vi ‘bắt nợ’, “xiết nợ” do cá nhân tự tiến hành hoặc thuê, nhờ tổ chức, cá nhân khác đều trái pháp luật.

Theo luật sư Thắng, người cho vay có thể nhờ pháp luật vào cuộc nếu đến hạn mà con nợ không trả, tránh tình trạng nôn nóng ‘đòi nợ’ bằng mọi hình thức để vướng vào pháp luật.

Ngoài ra, các cá nhân hoặc Công ty khi vay tiền cần phải thiết lập hợp đồng vay nợ rõ ràng. Nếu không thực hiện được đúng hợp đồng, hai bên cần phải đưa nhau ra tòa dân sự hoặc kinh tế giải quyết, tránh để cho các đối tượng lợi dụng kẽ hở của luật ép nợ, xiết nợ. Bên cạnh đó, những cơ quan pháp luật khi tham gia giải quyết vụ việc cũng cần phải có trách nhiệm, tránh tình trạng để cho những đương sự giải quyết theo con đường trái pháp luật.

Thực tế cho thấy, đa số các vụ án liên quan đến “xiết nợ” bị khởi tố, nếu không xảy ra án mạng thì cơ quan tố tụng thường truy tố vào tội bắt giữ người trái phép; gây rối trật tự công cộng hoặc cưỡng đoạt tài sản... mà người chủ mưu lại chính là những “chủ nợ”.

Do vậy, các chủ nợ khi gặp những món nợ "khó đòi" nên nhờ sự can thiệp của cơ quan bảo vệ pháp luật, không nên dùng “luật rừng” đòi nợ nhằm tránh vi phạm pháp luật để rồi phải hối tiếc.


Phương Mai

Ý kiến bạn đọc