(VnMedia)- Vào lúc 0h30 phút đêm Rằm Tháng Giêng, hai tiếng nổ lớn đã đánh thức rất nhiều gia đình người dân gần cầu Nguyễn Văn Trỗi, quận 3, TP.Hồ Chí Minh. Đến 12h15 phút cùng ngày, cơ quan chức năng đã xác định có ít nhất 10 người thiệt mạng vì vụ nổ, 4 căn nhà đã sập hoàn toàn. Nguyên nhân của vụ nổ này ra sao?
Công tác cứu hộ nạn nhân vẫn đang được tiến hành. Ảnh: VOV |
Đến 12h 15 phút trưa nay, 24/2, cơ quan chức năng đã xác định ít nhất 10 người chết trong vụ sập nổ kinh hoàng tại nhà ông Lê Minh Phương (sinh năm 1955, HKTT số 486 đường Lê Quang Định, Phường 11, Quận Bình Thạnh), là Giám đốc công ty Lạc Việt, chuyên làm phim và phụ trách các hiệu ứng này trên phim trường.
Vụ nổ đã làm sụp đổ hoàn toàn nhà 384/9, 384/7, 384/7A Nam Kỳ Khởi Nghĩa (P.8, Q.3, TPHCM), trong đó nhà 384/7 là nơi phát xuất của vụ nổ kinh hoàng.
Đến thời điểm này, nguyên nhân xảy ra vụ nổ vẫn đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ.
Từ thực tế vụ việc, với những bằng chứng thu được tại hiện trường, hãy cùng VnMedia dự đoán nguyên nhân gây ra vụ nổ sập kinh hoàng ngay đêm Rằm tháng Giêng này:
Nổ vì các đạo cụ bén lửa
Chủ nhân của căn nhà xảy ra vụ cháy nổ là ông Lê Minh Phương, một người đã hoạt động khoảng 6-7 năm trong nghề thiết kế đạo cụ cho các đoàn phim và chuyên về tạo các cảnh cháy nổ, khói lửa trên phim trường nên còn được người trong nghề gọi là “Phương khói lửa”. Ông cũng là giám đốc của công ty Lạc Việt, chuyên làm phim và phụ trách các hiệu ứng này trên phim trường.
Theo thông tin ban đầu của cơ quan chức năng, trong quá trình cứu hộ, lực lượng chức năng đã đưa ra ngoài nhiều vật dụng có hình dáng như súng và lựu đạn. Lực lượng chức năng cũng cho biết, nhà ông Phương có chứa một lượng khá lớn thuốc pháo (loại thường được sử dụng trên các phim trường).
Trao đổi với VnExpress, anh Tuấn, họa sĩ thiết kế của đoàn phim Hồn đá, bộ phim ông Phương đang tham gia tạo cảnh khói lửa, bàng hoàng cho biết, vừa tối qua mới chia tay ông Phương trên phim trường. "Tôi có nghe ông Phương nói là về nhà chuẩn bị đạo cụ để ngày 24/2 đi Vũng Tàu làm một phim khác. Không ngờ lại xảy ra tai nạn thương tâm", anh Tuấn nói.
Từ chi tiết này cho thấy, rất có thể trong quá trình chuẩn bị đạo cụ nhiều khả năng ông Phương đã sơ ý để lửa rơi vào đạo cụ dẫn đến vụ nổ kinh hoàng.
Có thể liên quan đến chất nổ TNT
Theo thông tin của Đài truyền hình Việt Nam trong bản tin Thời sự 12 giờ trưa 24/2, nhiều khả năng vụ sập nổ tại nhà ông Lê Minh Phương có liên quan đến chất nổ TNT. Thực hư của sự việc ra sao vẫn đang chờ cơ quan chức năng kết luận.
Vậy thuốc nổ TNT là gì? Thuốc nổ TNT (hay Trinitrotoluen) là một hợp chất hóa học có công thức C6H2(NO2)3CH3, danh pháp IUPAC: 2-methyl-1,3,5-trinitrobenzen.
Chất rắn màu vàng này là một loại chất thử trong hóa học nhưng nó là loại chất nổ nổi tiếng được dùng trong lĩnh vực quân sự. Sức công phá của TNT được xem là thước đo tiêu chuẩn về sức công phá của các quả bom và của các loại thuốc nổ khác (được tính tương đương với TNT).
TNT độc hại với con người và khi tiếp xúc với da có thể làm da bị kích thích làm cho da chuyển sang màu vàng. TNT là một trong những chất nổ thông dụng nhất cho các ứng dụng trong công nghiệp và quốc phòng. TNT được điều chế lần đầu tiên bởi nhà hóa học người Đức Joseph Wilband và được sử dụng như chất nhuộm màu vàng.
Ở Việt Nam, nhà nước cấm không cho sử dụng và vận chuyển chất nổ nhưng trên thực tế thì không khó. Trong sản xuất công nghiệp, người ta dùng rất nhiều thuốc nổ để kích nổ phá đá, làm đường, hầm lò… hoặc được tái chế từ bom mìn (còn sót lại từ thời chiến tranh) bằng cách gỡ thuốc nổ ra rất nhiều…
Hiện, công tác cứu hộ đối với vụ nhà sập vẫn đang được tiến hành. Nguyên nhân gây ra vụ nổ, sập cũng đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc.
Danh sách 10 người chết gồm: Bà Nguyễn Thị Tân Xuân (Sinh năm 1969), em Hồ Kiều Anh (Sinh năm 1996), ông Lê Minh Phương (Sinh năm 1955), bà Mạc Thị Phước (Sinh năm 1965), em Lê Nam Phương (Sinh năm 2006), em Lê Khánh Phương (Sinh năm 1996) cùng ngụ số 384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3; ông Nguyễn Thanh Minh (Sinh năm 1962), chị Phạm Ngọc Thùy (Sinh năm 1987) cùng ngụ tại 384/7A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3; còn 2 xác chết chưa xác định danh tính. 3 người bị thương được chuyển đến bệnh viện gồm: Bà Lưu Thị Rép (Sinh năm 1943), ông Phạm Quang Minh (Sinh năm 1932) cùng ngụ số 384/7A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3; ông Hồ Sỹ Cường (Sinh năm 1932) ngụ số 384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3. |
Ý kiến bạn đọc