(VnMedia) - Người đàn ông xấp xỉ lục tuần với dáng vẻ đĩnh đạc, điềm tĩnh được vị quản giáo trại giam số 1 (Hà Nội) dẫn lên gặp chúng tôi có tên Trương Công Thành - phạm nhân lớn tuổi nhất của trại giam này.
Với phạm nhân Trương Công Thành, những ngày tháng ngồi tù, ông đã học được nhiều cái mà ngoài đời ông chưa học được |
Phạm nhân Trương Công Thành cho biết, ông vốn quê ở Thái Bình nhưng là giám đốc của một doanh nghiệp xây dựng có trụ sở đóng tại Thanh Hoá. Công ty do ông quản lý khá lớn mạnh nhưng vì những sai phạm của doanh nghiệp khiến 5 người trong đó có ông bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ông bị tòa Hà Nội xử tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và “Lừa đảo” với mức án 40 tháng.
Hơn 2 năm thụ án, vị giám đốc này luôn trăn trở suy ngẫm về những gì đã xảy. Với ông, trong những ngày tháng ngồi tù, ông đã học được nhiều cái mà ngoài đời ông chưa học được. Ông nuối tiếc cho quãng thời gian học tập, phấn đấu cho sự nghiệp, chỉ vì một thiếu sót mà bỗng chốc mất đi tất cả.
Suốt buổi nói chuyện với chúng tôi, ánh mắt phạm nhân tuổi gần lục tuần này luôn ánh lên nét buồn khó tả. Tuy nhiên, mỗi câu chuyện ông kể đều có sự trải nghiệm cuộc sống. Dù là tù nhân nhưng ông vẫn luôn giữ thái độ đứng đắn, điềm tĩnh, cách cư xử của một người có học.
Ông Thành bắt đầu câu chuyện của mình bằng những hồi ức về gia đình. Ông cho biết, năm 1973 ông nhập ngũ khi mới 17 tuổi, rồi đi học đại học.
Sau khi học xong đại học, ông tham gia xây dựng thủy điện sông Đà và được Nhà nước giao cho quản lý một công ty cổ phần hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Công ty của ông có hơn 400 công nhân và khoảng gần 30 cán bộ công chức. Trong khoảng thời gian hơn chục năm điều hành doanh nghiệp không có vấn đề gì xảy ra, cho đến năm 2010 thì xảy ra chuyện... và hậu quả ông phải trả bằng những tháng ngày trong trại giam...
Phạm nhân Thành tâm sự, do tính chất của công việc phải đi suốt và công ty ở xa nên cũng chẳng mấy khi ông ăn Tết cùng gia đình, vợ con. Chính vì thế sự vắng mặt của ông mỗi dịp đón xuân không còn là điều bất ngờ đối với những người thân trong gia đình.
“Do những năm tháng đi làm ăn xa nhà, thỉnh thoảng lại không được đoàn tụ gia đình dịp Tết, nên việc tôi vắng mặt là không có gì là bất ngờ cho vợ con. Nhưng đó là những lần xa nhà vì nhiệm vụ. Còn ba cái Tết ở đây, đương nhiên có những nỗi buồn riêng mà có lẽ chỉ những phạm nhân như tôi mới cảm nhận được" - ông Thành giọng trùng xuống.
Vào đêm giao thừa có lần nhìn thấy pháo hoa sáng rợp phía trời xa, ông Thành mới biết năm mới đã đến. Ông Thành nhớ lại, có một đêm giao thừa, ông đã lặng lẽ khóc. Ông khóc vì tủi thân, bởi đáng lẽ ra ông phải đang vui vẻ sống trong mái nhà đầy tình yêu thương cùng với vợ, với con, để đón những lời chúc tụng đầu năm đầy ý nghĩa. Thế nhưng, giờ này ông lại đang ngồi đây gậm nhấm nỗi cô đơn.
"Phải chịu những tháng ngày như vậy là do phải trả giá cho chính hành vi của mình, cho dù hành vi đó có vô tình hay hữu ý... Việc Toà án kết án tôi là đúng người, đúng tội", phạm nhân Thành nói.
Ông Thành cho biết, ông có hai người con đều sống ở Hà Nội, đứa lớn đã xây dựng gia đình còn đứa nhỏ hiện đang học đại học. Từ ngày đi tù, các con của ông Thành thường xuyên thăm hỏi ông, còn người vợ ở quê do có tuổi nên thỉnh thoảng mới lên thăm.
Chỉ còn 6 tháng nữa là ông được về đoàn tụ cùng gia đình, tâm trạng của người đàn ông trung niên này có phần nhẹ nhõm hơn.
Khi được hỏi về dự định trong những ngày sắp tới, khi ông được tự do, vị giám đốc này cho biết sẽ cố gắng cải tạo tốt để sớm đoàn tụ gia đình. Ông chia sẻ, trong hơn 2 năm ông đi tù, công ty đã được giao cho người khác điều hành và hiện nay vẫn hoạt động rất tốt.
Mặc dù vẫn còn số cổ phần rất lớn trong công ty, nhưng ở cái tuổi gần 60, bản thân ông không muốn bon chen ngoài xã hội nữa, ông muốn được nghỉ ngơi, muốn xum họp cùng gia đình để bù đắp cho vợ con những tháng ngày xa cách.
Phương Mai -
(bài, ảnh)
Ý kiến bạn đọc