(VnMedia)- Theo quy định của pháp luật, khi dừng xe của người vi phạm giao thông hoặc có dấu hiệu vi phạm giao thông, cảnh sát giao thông phải thực hiện đúng quy trình tuần tra, kiểm soát theo quy định tại Thông tư 65/2012/TT-BCA.
>> Bị dừng xe, chủ phương tiện có quyền làm gì?
Ảnh: Minh họa |
Cảnh sát giao thông được dừng xe trong những trường hợp nào?
Theo Thông tư số 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 của Bộ Công An Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ, c án bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật; Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật; trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật; tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng phương tiện, đỗ phương tiện khi có ách tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Căn cứ vào khoản 1 điều 14 Thông tư số 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 của Bộ Công An quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ: Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:
Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
Thực hiện kế hoạch, mệnh lệnh tổng kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;
Thực hiện kế hoạch, phương án công tác của Trưởng phòng Hướng dẫn và Tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên về việc kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ theo chuyên đề;
Có văn bản của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra từ cấp huyện trở lên; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự;
Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Cảnh sát giao thông phải đứng ở chỗ công khai, thực hiện động tác chào theo Điều lệnh
Cũng theo quy định tại Điều 11 Thông tư 65/TT-BCA, khi xe cần kiểm soát đã đỗ đúng vị trí theo hướng dẫn của Cảnh sát giao thông; cán bộ, chiến sĩ được phân công làm nhiệm vụ kiểm soát đứng ở vị trí an toàn, công khai, yêu cầu người lái xe thực hiện các biện pháp an toàn, xuống xe. Trường hợp biết trước người điều khiển phương tiện là tội phạm hoặc trên phương tiện có tội phạm, đặc biệt là tội phạm có sử dụng vũ khí phải chủ động có phương án, đội hình chiến đấu cụ thể; phải cảnh giác, bình tĩnh, mưu trí, chủ động tìm biện pháp tiếp cận, khống chế, tước vũ khí, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho mình và nhân dân trước khi tiến hành kiểm soát.
Thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân (trừ trường hợp có căn cứ khẳng định đối tượng cần kiểm soát là tội phạm hoặc có hành vi thiếu văn hoá...), nói lời: "Yêu cầu ông, (bà, anh, chị...) xuất trình các loại giấy tờ có liên quan"; trường hợp thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phải nói lời: "Xin lỗi ông (bà, anh, chị...) xuất trình các loại giấy tờ có liên quan".
Cảnh sát giao thông được quyền kiểm soát những gì?
Theo quy định, khi đã tiếp nhận được các loại giấy tờ; thông báo cho người lái xe và những người trên xe biết lý do kiểm soát; thực hiện kiểm soát theo trình tự và nội dung:
Thứ nhất là kiểm soát việc chấp hành các quy tắc giao thông đường bộ: bằng trực giác quan sát hoặc thông qua các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát việc chấp hành báo hiệu đường bộ, tốc độ, khoảng cách giữa các xe, sử dụng làn đường, đỗ, dừng xe; tránh, vượt xe….
Thứ hai, kiểm soát đối với người tham gia giao thông đường bộ: điều kiện khi tham gia giao thông (tuổi, sức khỏe của người lái xe ); các giấy tờ có liên quan gồm: giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe, sổ chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giấy tờ khác có liên quan đến người, phương tiện, hoạt động vận tải.
Khi kiểm soát phải đối chiếu về nội dung giữa các giấy tờ với nhau và thực tế phương tiện về biển số, nhãn hiệu, loại phương tiện, trọng tải, số chỗ ngồi, màu sơn, thời hạn sử dụng; đối chiếu giữa ảnh trên giấy phép lái xe với thực tế người trực tiếp điều khiển phương tiện…. Trường hợp cần thiết phải đối chiếu với thực tế số máy, số khung trên phương tiện hoặc sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện giấy tờ giả mạo.
Thứ ba, kiểm soát đối với phương tiện về các điều kiện tham gia giao thông, bảo đảm quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới.
Khi kiểm soát về an toàn kỹ thuật của phương tiện phải có người điều khiển phương tiện hoặc chủ phương tiện chứng kiến việc kiểm soát và phải thực hiện theo trình tự từ trước ra sau, từ trái sang phải, từ ngoài vào trong và từ trên xuống dưới
Thứ tư, kiểm soát hoạt động vận tải đường bộ gồm hoạt động vận tải không kinh doanh, hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ (kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh vận tải hàng hóa); thời gian làm việc của người lái xe; các điều kiện kinh doanh vận tải. Khi kiểm soát phải chú ý đến quy cách, kích thước của hàng hóa, đồ vật chuyên chở (dài, rộng, cao), chủng loại, trọng lượng hàng hóa hoặc số người trên phương tiện so với các giấy tờ cho phép, tính hợp pháp của hàng hóa và các biện pháp bảo đảm an toàn.
Khi kiểm soát đối với các phương tiện vận chuyển hàng độc hại, dễ cháy, nổ, các chất hoặc hàng nguy hiểm phải yêu cầu người điều khiển phương tiện hoặc chủ phương tiện đưa phương tiện đó đến nơi xa khu vực đông dân cư, thực hiện các biện pháp phòng chống cháy, nổ, độc hại và các biện pháp an toàn khác, sau đó mới tiến hành kiểm soát.
Ý kiến bạn đọc