Những đạo luật thú vị năm 2012

10:35, 04/02/2013
|

Năm qua, trên thế giới có không biết bao nhiêu chính sách được xây dựng và ban hành để đi vào cuộc sống. Chỉ biết rằng, trong số đó, có nhiều chính sách khiến người ta phải mỉm cười thú vị.

Lười tập thể dục sẽ bị phạt tiền

Năm 2012, Hội đồng thị chính quận Westminster thuộc thành phố London (Anh) đã xem xét việc trừng phạt những người béo phì không chịu thực hiện chương trình giảm cân chung của nước này. Cụ thể, những người thừa cân mà không chịu tập thể dục theo khuyến cáo của bác sỹ sẽ bị đề xuất giảm tiền trợ cấp. Ngược lại, bệnh nhân béo phì được hưởng tiền trợ cấp nhiều hơn nếu như đều đặn đến phòng tập. Theo khảo sát, hiện 1/4 số người trưởng thành ở Anh mắc bệnh béo phì. Ngân sách mà Bộ Y tế Anh chi trả để chống bệnh thừa cân và béo phì lên đến gần 8 tỷ USD mỗi năm. (Theo Le Figaro)

Nói không với “sơn hào hải vị”

Ngay sau khi ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy TƯ, Quân ủy TƯ Trung Quốc đã đưa ra quy định mới cấm mở tiệc chiêu đãi thịnh soạn, linh đình với những món sơn hào hải vị đối với các quan chức quốc phòng cấp cao. Đây là một phần trong nỗ lực tiết kiệm chống lãng phí và đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng. Ngoài ra, các địa phương không được treo băng rôn chào mừng, trải thảm đỏ, lẵng hoa, trình diễn văn nghệ chào mừng, quà lưu niệm đắt đỏ, lính đứng xếp hàng... trong các lễ đón quan chức cấp cao. Đồìng thời các quan chức Quân ủy TƯ phải chung thủy với vợ (chồng), con cái, bảo đảm không được nhận hối lộ và không được ở khách sạn xa xỉ trong những chuyến công tác, thanh tra. (Theo China Daily)

Con cái phải chăm nom cha mẹ

Năm vừa qua, chính quyền Trung Quốc đã chính thức ra luật buộc con cái phải thường xuyên thăm hỏi cha mẹ sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người cao tuổi được thông qua. Theo đó, các gia đình phải quan tâm đến nhu cầu tinh thần của cha mẹ, ông bà, không xem thường hoặc ghẻ lạnh người lớn tuổi. Luật cũng yêu cầu các cơ quan phải tôn trọng quyền thăm nom cha mẹ của nhân viên. Trước đó, Trung Quốc đã ban hành quy định Nhị thập tứ hiếu thời hiện đại (24 điều hiếu con cái phải làm) nhằm khuyến khích con cái hiếu thảo với cha mẹ. (Theo Tân Hoa Xã)

Người Nga sẽ không làm con nuôi người Mỹ

Luật cấm gia đình Mỹ nhận trẻ em Nga làm con nuôi đã có hiệu lực từ ngày 1.1.2013. Đạo luật được cho là sự trả đũa của Nga đối với luật nhân quyền mang tên Magnitsky của Mỹ nhằm vào các quan chức Nga, liên quan đến cái chết của luật sư Sergei Magnitsky trong tù năm 2009. Luật này từ chối cấp visa và phong tỏa tài sản tại Mỹ đối với giới chức Nga có liên hệ đến việc bắt giữ và tử vong của ông Magnitsky. Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong vòng 20 năm qua, người Mỹ đã nhận nuôi hơn 60.000 trẻ em Nga. (Theo Ria)

Cấm sếp đòi mật khẩu Facebook của nhân viên

Bắt đầu từ ngày 1.1.2013, đạo luật cấm chủ lao động đòi hỏi mật khẩu Facebook và các mạng xã hội khác của nhân viên để tìm hiểu thông tin đã có hiệu lực tại một số bang của Mỹ như California và Illinois. Trước đó, nhiều người kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật khép hành vi đòi hỏi mật khẩu Facebook là trái pháp luật, vi phạm quyền riêng tư của mọi người. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ đã không thông qua đạo luật trên, buộc một số bang của Mỹ “duyệt” luật, còn một số khác thì không. (Theo AP)

Indonesia coi trọng phẩm hạnh phụ nữ

Cuối năm qua, chính quyền tỉnh Aceh đã ra quy định cấm phụ nữ dạng hai chân khi ngồi trên xe máy do nam giới cầm lái, vì vi phạm các giá trị hồìi giáo. Theo Thống đốc thành phố Lhokseumawe thuộc Aceh Suaidi Yahya mục đích của lệnh cấm là để cứu vãn “phẩm hạnh và cách cư xử đúng đắn của mọi người”. Aceh là tỉnh duy nhất ở Indonesia sử dụng luật Hồi giáo Sharia, trong đó quy định phụ nữ chỉ được ngồi lệch một bên trên xe máy. (Theo BBC)

Muốn kết hôn vào ban đêm, được thôi!

Kể từ ngày 1.10.2012, các cặp đôi ở Anh và xứ Wales đã có thể tổ chức hôn lễ vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, kể cả nửa đêm, sau khi một lệnh cấm đã được duy trì suốt 176 năm qua bị hủy bỏ. Theo lệnh cấm từ năm 1826, vốn được đưa ra để ngăn chặn những cuộc hôn nhân bí mật, công dân chỉ được phép kết hôn từ 8 giờ đến 18 giờ hàng ngày. Tuy nhiên, với việc gỡ bỏ quy định trên, chính quyền địa phương và các nhà thờ sẽ không bị buộc phải tiến hành các cuộc hôn nhân ngoài giờ hành chính và các cặp vợ chồng cũng vẫn phải đăng ký 15 ngày trước lễ kết hôn. (Theo Dailymail)

Sinh sau năm 2000: Đừng mơ hút thuốc

Đảo Tasmania, Australia năm vừa qua đã xem xét kế hoạch cấm bán thuốc lá cho những người sinh từ sau năm 2000. Theo các nhà làm luật, quy định mới sẽ giúp tạo ra một thế hệ mới không bị nhiễm độc từ các sản phẩm thuốc lá. Hơn nữa, quy định này rất dễ thực hiện vì người bán hàng chỉ cần hỏi giấy tờ tùy thân, xem có phải người mua sinh sau năm 2000 hay không. Đảo Tasmania có tỷ lệ hút thuốc cao nhất Australia, khi cứ bốn thanh niên lại có một người hút thuốc so với tỷ lệ trung bình 1:5 của cả nước. (Theo Reuters)

Cứ đóng thuế là được lấy thêm vợ

Ở thành phố Rajshahi, Bangladesh, bất cứ người đàn ông nào muốn lấy thêm vợ đều phải nộp thuế cho nhà nước tùy theo số lượng... người vợ. Kể từ tháng 7.2006, cứ người đàn ông nào muốn lấy thêm vợ thứ 2 phải nộp 10.000 taka, và tăng dần khi lấy người vợ thứ 3 với 30.000 kata, người vợ thứ 4 nộp 40.000 taka (khoảng 312 USD). Thực tế chế độ đa thê vẫn còn khá phổ biến ở Bangladesh. Năm 2012, Tổng thống Senegal Abdoulaye Wade thông qua Hiến pháp mới đưa ra nhiều chương trình giải phóng phụ nữ, nhưng lại từ chối hủy bỏ chế độ đa thê vì cho rằng đây là tập tục truyền thống không thể cấm đoán. (Theo ITN)

 


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc