Nhà nước nên thu mua hay trưng dụng đất đai?

16:52, 04/02/2013
|

(VnMedia)- Nếu chúng ta đã khẳng định đất đai là của toàn dân thì khi đã giao cho dân mà chưa hết thời hạn thì chỉ nên quy định trưng mua, trưng dụng, chứ không nên áp dụng quyền thu hồi?

 Ảnh minh họa

  Ảnh: Minh họa

 
Thu hồi hay trưng dụng?

Góp ý cho Điều 58 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, nhiều bạn đọc cho rằng, Nhà nước chỉ có quyền trưng dụng đất đai hoặc trưng mua của người dân chứ không nên áp dụng quyền được thu hồi đất đai của người dân.

Bày tỏ ý kiến tại cổng thông tin quochoi.vn, bạn Hoàng Lan cho rằng, khoản 3 Điều 58 nên sửa thành: "Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia. Trong trường hợp thật cần thiết vì lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường cá nhân, tổ chức theo giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định, tối thiểu phải đảm bảo ổn định đời sống người dân về lâu dài không thấp hơn trước khi bị thu hồi".

Đây cũng là ý kiến của bạn Lương Chấn Hưng. Theo bạn đọc này, Khoản 3, Điều 58 nên sửa thành như sau: "Nhà nước trưng dụng (thay cho thu hồi) đất do tổ chức, cá nhân sử dụng thì được mua (thay cho từ có bồi thường) theo giá thị trường do một tổ chức thẩm định giá độc lập chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội".

Bạn Lê Trọng Minh thì cho rằng, tôi rất đồng tình với quan điểm của GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường rằng không nên quy định Nhà nước có quyền thu hồi đất, mà nên quy định Nhà nước có quyền trưng mua, trưng dụng đất trong trường hợp cần thiết mà thôi. Vì xét thấy ta đã khẳng định đất đai là của toàn dân thì khi đã giao cho dân mà chưa hết thời hạn thì chỉ nên quy định trưng mua, trưng dụng, xét về bản chất của việc giao đất và quyền đại diện của Nhà nước cho sở hữu toàn dân về đất đai thì quyền thu hồi chưa thực sự phù hợp cho lắm.

Chỉ nên thu hồi đất cho mục đích an ninh quốc phòng?

Theo bạn Trần Thanh Hùng, trong Hiến pháp năm 1992 không có khái niệm thu hồi đất cho kinh tế. Khái niệm này chỉ có từ năm 2003 và từ đó đến nay số lượng đơn thưa kiện vì bị thu hồi đất sai tăng chóng mặt, bồi thường giá không chấp nhận được, tái định cư không đảm bảo cuộc sống, chưa kể thu hồi đất trái pháp luật... Điều này sẽ dẫn đến mất lòng dân. Theo tôi Hiến pháp cũng như Luật đất đai nên bỏ phần thu hồi đất cho dự án kinh tế mà chỉ nên thu hồi đất cho mục đích an ninh, quốc phòng.

Đây cũng là quan điểm của bạn Trần Thị Thanh. Độc giả này cho rằng, Khoản 3, điều 58 về đất đai nên quy định như sau: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng xã hội”.

Theo phân tích của bạn đọc này, so với dự thảo, thay cụm từ “lợi ích công cộng” bằng cụm từ “lợi ích cộng đồng xã hội”, bỏ bớt cụm từ “và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”, vì những lý do sau:

Thứ nhất, phát triển kinh tế tất yếu sẽ dẫn đến phát triển xã hội, nhưng trong đầu tư cần phải phân định tách bạch giữa dự án phát triển kinh tế và dự án phục vụ lợi ích cộng đồng xã hội. Nếu gọi chung là dự án phát triển kinh tế-xã hội, nhập nhằng giữa kinh doanh và phục vụ lợi ích xã hội, sẽ tạo môi trường và điều kiện để tham nhũng nảy sinh và phát triển một cách tinh vi.

Thứ hai, thực tiễn trong những năm qua cho thấy, người dân bức xúc, khiếu kiện nhiều, phần lớn là do Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội nói chung, bồi thường cho dân chưa thoả đáng, giải quyết chưa thật hài hoà giữa lợi ích của người bị thu hồi đất và chủ dự án đầu tư (người được cấp đất). Nếu gọi chung là dự án phát triển kinh tế-xã hội thì đối với các dự án kinh tế, vì lợi nhuận nên dễ phát sinh tình trạng các chủ đầu tư chạy dự án, thoả hiệp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thu hồi đất của tổ chức, cá nhân với giá thấp, lợi ích nghiêng về chủ đầu tư, điều này tạo điều kiện cho tham nhũng phát sinh.

"Vì vậy phải phân chia tách bạch dự án phát triển kinh tế-xã hội thành hai loại dự án là dự án phát triển kinh tế và dự án phục vụ cộng đồng xã hội", bạn Trần Thị Thanh nêu.

Cũng theo phân tích của bạn đọc này, đối với các dự án phát triển kinh tế, đương nhiên là phải hạch toán kinh tế, kinh doanh, lỗ lãi bằng tiền, đụng chạm đến lợi ích của các đối tượng, thì việc thu hồi đất phải được thực hiện theo sự thoả thuận, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất với chủ đầu tư. Nhà nước đóng vai trò trọng tài, can thiệp một cách công tâm, khách quan, giải quyết thoả đáng lợi ích giữa người bị thu hồi đất và chủ dự án (người được cấp đất).

Còn đối với các dự án phục vụ lợi ích cộng đồng xã hội, không hạch toán kinh doanh ( đường sá, cầu cống, giao thông công cộng, công viên, trường học công, bệnh viện công...), Nhà nước trực tiếp thu hồi đất, có bồi thường hợp lý cho các đối tượng bị thu hồi đất, đảm bảo sự công bằng xã hội.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc