Lỗi hay tội khi báo tin sai cho công an?

13:59, 23/02/2013
|

(VnMedia)- Để trốn nợ, ăn chặn tiền bạc của người khác mà hoang báo bị cướp tài sản hoặc báo khống số tài sản bị mất để công an nhanh chóng vào cuộc điều tra... liệu có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

 Ảnh minh họa

 Khai báo mất hơn 1 tỷ đồng, nhưng thủ phạm gây ra vụ trộm này Lê Thị Hồng Thiệp (ảnh) chỉ lấy hai điện thoại và một túi xách.


Khai báo hoành tráng, sự thật… nhẹ nhàng

Ngày 22/2, trao đổi với VnMedia, Đại tá Bùi Văn Đại, Trưởng Công an quận Đống Đa, Hà Nội cho biết đã làm rõ nội tình vụ chủ một cửa hàng khai báo bị xõa tóc thôi miên, cướp đi tiền tỷ. Đại tá Bùi Văn Đại cũng cho biết, lời khai báo của chị Vũ Hoàng Điệp (SN 1990, ở 29 Nguyễn Thái Học) là mất 35.000 euro, 1.900 USD, 48 triệu đồng và 2 điện thoại Iphone, 1 thẻ ATM. Trên thực tế, chị Điệp có bị mất trộm nhưng chỉ mất 2 điện thoại và một chiếc túi xách trị giá 5 triệu đồng mà thôi.

Sau khi bắt được hung thủ gây ra vụ trộm cắp của chị Điệp, cơ quan công an quận Đống Đa cho biết riêng với việc khai báo gian dối của chị Điệp, CA quận Đống Đa sẽ có biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Đây không phải là lần đầu tiên có trường hợp khai báo không đúng sự thật về việc bị cướp như nói trên. Ngày 9/1/2013, Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội đã bắt giữ Nguyễn Hồng Phương (35 tuổi, ở huyện Từ Liêm) về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo cơ quan điều tra, chiều 7/1, Phương trong tình trạng hoảng loạn được một số người dìu đến cơ quan công an để trình báo vừa bị cướp 800 triệu đồng. Phương cho biết là kế toán kiêm văn thư của công ty ATH, được sếp chỉ đạo đến phòng giao dịch thuộc ngân hàng Agribank ở khu đô thị Nhân Chính để rút số tiền trên về cho công ty. Đi xe máy rời nhà băng được chừng 200 mét, Phương bị hai thanh niên đi xe tay ga cùng chiều giật túi tiền...

Điều tra vụ việc, cảnh sát thấy có nhiều dấu hiệu nghi vấn trong lời khai. Khi bị truy hỏi, Phương thú nhận đã hoang báo về vụ cướp giật trên.

Cô khai do đang túng quẫn nên khi nhận được lệnh đi rút tiền đã nảy sinh ý định chiếm đoạt. Sau khi giao tiền cho một người bạn mang về hộ, Phương loạng choạng tay lái cho xe máy đổ nghiêng xuống vũng nước, tạo hiện trường giả rồi gọi điện thoại báo về công ty.

Cũng trong ngày 9/1, Công an huyện Phú Ninh (Quảng Nam) cho biết, cơ quan này đã hoàn tất công tác điều tra để xử lý đối với Nguyễn Kim Hiền (28 tuổi), trú thôn Cẩm Tây, xã Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) về hành vi báo giả cướp tài sản.

Trước đó, rạng sáng ngày 5/1, Công an huyện Phú Ninh nhận được tin báo Nguyễn Kim Hiền lái chiếc xe ô tô BKS: 92C - 012.62 lưu thông từ Quảng Ngãi về đến đường ĐT 615 thuộc thôn An Mỹ 2, xã Tam An, huyện Phú Ninh thì bị nhóm thanh niên chặn đường cướp 14 triệu đồng.

Nhưng qua điều tra, Hiền khai nhận, được chủ hàng ở Quảng Ngãi nhờ đem giúp 14 triệu đồng về trả tiền keo cho một người ở Tiên Phước, khi đi đến đoạn đường trên thấy hai nhóm thanh niên đang đánh nhau nên Hiền dừng xe lại và nảy ra ý định sẽ báo bị cướp để nhằm lấy 14 triệu đồng, trả nợ tiền đánh bạc đã thua trước đó.

Đựợc biết, Hiền đã đánh bạc thua khoảng vài chục triệu đồng, sợ ba mẹ biết nên mới y mới có hành động như vậy để kiếm tiền trả nợ.

Cuối tháng 11/2012, dư luận được phen xôn xao khi một lái xe đến trình báo bị dọa cắt cổ để cướp tài sản trên địa bàn Hà Nội.

Theo đơn trình báo của Nguyễn Đăng Huỳnh (SN 1985, ở Đại An, Thanh An, Phú Thọ), khoảng 22h30 ngày 23/11/2012, Huỳnh lái xe taxi biển kiểm soát 29Y-1436 chở 1 đối tượng trên tuyến đê thuộc phường Phúc Lợi. Lợi dụng lúc Huỳnh sơ hở, đối tượng đã dùng dây điện siết cổ, cướp 2,3 triệu đồng và 1 điện thoại di động. Qua điều tra, đến 10-1, CAQ Long Biên làm rõ, vụ cướp tài sản trên là không có thực. CAQ Long Biên đã xử lý hành vi khai báo, cung cấp thông tin sai sự thật, gây hoang tin trong nhân dân.

Tại cơ quan công an, Nguyễn Đăng Huỳnh khai, do không có khả năng trả tiền thuê xe taxi và để tự trả nợ mỗi ngày, Hùng đã dùng dây sạc pin điện thoại của mình tự tạo dấu vết giả trên cổ, vứt sim điện thoại đi rồi vào CAP Phúc Lợi trình báo bị cướp.

Xử lý thế nào?

Việc bị cướp tài sản, bị trấn lột hoặc có mất mát về tài sản là điều không ai mong muốn. Khi gặp phải các tình huống này, người dân có quyền đến trình báo tài cơ quan điều tra để nhờ giúp đỡ điều tra tìm ra hung thủ và tài sản bị cướp. Tuy nhiên, đối với những trường hợp báo giả, hoang báo, cơ quan điều tra cũng sẽ xem xét để xử lý.

Nếu trong quá trình điều tra về thông tin trình báo của nạn nhân, cơ quan điều tra phát hiện ra việc báo giả bị cướp nhưng thực ra là tự cướp tài sản như trường hợp của kế toán Nguyễn Hồng Phương nói trên thì cơ quan sẽ xem xét và rất có thể sẽ ra quyết định khởi tố hình sự.

Còn đối với những trường hợp hoang báo mất tài sản như kiểu của chị Điệp, theo Luật sư Vũ Thái Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH YouMe thì pháp luật chưa có quy định cụ thể để xử lý trong trường hợp này. Vị luật sư này cho biết, do khổ chủ khai rằng phải khai thế để cơ quan nhanh chóng vào cuộc điều tra chứ không có động cơ gì khác, nhưng vẫn "khó xử lý hình sự chỉ có thể xem xét xử lý hành chính".

Mặc dù pháp luật không quy định hoặc có khung hình phạt cụ thể đối với những trường hợp hoang báo tài sản như trên, và đành rằng người dân có quyền được trình báo về việc mất mát tài sản, nhưng, trước khi thực hiện quyền của mình, mỗi người hãy suy xét thật kỹ. Nếu đúng bị cướp mà trình báo thì không sao, nhưng nếu lời trình báo ấy là giả, chính nạn nhân sẽ phải chịu hình phạt của pháp luật dù chỉ là xử phạt hành chính nhẹ nhàng...


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc