Đắng đót sau những vụ vỡ nợ trăm tỷ

09:08, 15/02/2013
|

(VnMedia)- Đến khi đứng trước vành móng ngựa, bị con nợ bao vây, giam hãm những "chủ nhân" của các vụ vỡ nợ trăm tỷ tín dụng đen vẫn còn ngơ ngác và không hiểu tiền đi đâu và được sử dụng vào mục đích gì...?

 Ảnh minh họa

 Ảnh: Minh họa


Vỡ nợ 100 tỷ đồng ở Sài Gòn

Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Tỵ, hàng chục người vẫn phải kéo đến nhà của 1 người phụ nữ tại Q.3, TP.HCM để vây hãm đòi nợ, số tiền ước tính khoảng hơn 100 tỷ đồng. Chủ nợ bị bao vây là bà T.T.Q.H (SN 1966) tại con hẻm 658 đường Cách Mạng Tháng Tám, P.11, Q.3.

Tại thời điểm trên, hàng chục người đã kéo đến vây hãm trước nhà bà H để đòi tiền mà bà này đã vay mượn của họ. Các nạn nhân cho biết, người “dính líu” ít nhất vài chục triệu đồng, người nhiều nhất lên đến vài chục tỷ đồng. Theo họ ước tính, khoản tiền bà H đã nợ và tạm chiếm đoạt của nhiều người lên đến hơn 100 tỷ đồng. Theo các nạn nhân, trong nhiều ngày qua, họ đã liên lạc qua điện thoại, thậm chí đã nhiều lần đến tận nhà tìm bà H nhưng không thấy tung tích bà này ở đâu. Nhiều người trong số các nạn nhân là người quen biết lâu năm, thậm chí là bà con họ hàng và hàng xóm của bà H.

Ông Trung (một người em họ của bà H) kể: trước đây vài năm ông được bà H khuyên đầu tư mua xe tay ga các loại như: SH, Air Blade…từ bà để bán lại kiếm lời. Tham khảo thị trường, xác định mua xe từ bà H bán lại cho những nơi khác thu lợi được vài triệu đồng/chiếc nên ông Trung bắt đầu làm ăn với người chị họ của mình.

Ông Trung xác nhận “Ban đầu chị ấy làm ăn rất uy tín, nhận tiền giao đủ xe cho tôi bán lại. Gần đây tôi gom từ nhiều nguồn giao cho chị hơn 2 tỷ đồng, chị ấy cầm tiền rồi im lặng…Tôi nhiều lần gọi điện thoại, tìm đến nhà, nhưng chị tôi mất tích luôn”.

Những trường hợp bị bà H “mượn” 3 – 5 tỷ đồng khá nhiều, có những trường hợp đến hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên vì họ là giám đốc doanh nghiệp nên ngại trao đổi chi tiết về vụ việc cũng như sợ thông tin này vỡ lỡ, sẽ bị nhiều chủ nợ khác “dí” đòi tiền lúc năm hết, tết đến.

Hiện, vụ việc đã được chính quyền địa phương chuyển hồ sơ vụ việc lên công an quận để làm rõ, xử lý theo thẩm quyền.

Từ thợ may thành đại gia trăm tỷ

Nguyễn Thị Cúc sinh ra và lớn lên ở thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Không học hành đỗ đạt, thông minh kiệt xuất, không tiền và không nhan sắc. Cúc xấu người nhưng được cái khéo tay nên chọn nghề thợ may. Cúc lấy chồng, một người cùng quê, làm nghề lái xe công nông chở gạch. Thu nhập nhì nhằng từ chiếc máy khâu cộng với đồng lương lái xe, cố lắm cũng chỉ đủ duy trì một gia đình. Nếu có tích luỹ, cũng chỉ chút đỉnh thôi, rất khó giàu.

Khoảng những năm 2010 thì ở Phú Minh, người ta gọi Cúc là đại gia. Mảnh đất cũ của gia đình trong xóm hẹp, Cúc vung tiền ra đổi lấy mảnh đất to đẹp ngoài phố để xây biệt thự. Biệt thự nhà Cúc ở thị trấn, hoành tráng không thua kém gì biệt thự của các đại gia ngoài Hà Nội.

Cúc dự định sẽ đầu tư 30 tỷ đồng để xây ngôi biệt thự này. Cúc tuyên bố bỏ tiền ra làm đường bê tông cho xóm, rồi mở tiệc linh đình cho cả ngày khởi công lẫn khánh thành. Cúc mua mảnh đất trị giá gần 2 tỷ đồng chỉ để làm chỗ… đậu ô tô. Nhà Cúc rộng, Cúc bày đầy két sắt, ô tô mấy chiếc, xe máy cả chục cái.

Theo cáo trạng truy tố Cúc thì Cúc vay của 10 người đều là đại lý đi gom tiền từ nhiều người khác. Trước tòa, chị Phùng Thị P. vừa khóc vừa kể, từ tháng 6/2010 đến tháng 6/2011 đã cho Cúc vay 14 lần với tổng số tiền là 76,4 tỷ đồng.

Tương tự, chị Nguyễn Thị B. cũng nhiều lần cho Cúc vay tiền với tổng số tiền lên tới 88,5 tỷ đồng. Tới ngay, chị mới được gán một căn nhà trị giá 5 tỷ. Chị Nguyễn Thị H. thì, ngoài 4,1 tỷ đồng tiền mặt, còn cho Cúc vay 370 cây vàng. Để có tiền cho Cúc vay, vợ chồng chị đã vay của 40 người khác.

Theo cáo trạng, từ đầu năm 2008 đến tháng 10/2011, Cúc vay tiền của nhiều người với số tiền 233 tỷ đồng. Số tiền, vàng đã chiếm đoạt được Cúc đã dùng để mua ô tô, 8 bất động sản, nội thất khác tổng cộng là 39 tỷ đồng. Số tiền còn lại Cúc sử dụng để chi tiêu cá nhân, trả nợ gốc và nợ lãi khoảng 20 tỷ đồng cho những người đã vay trong vụ án này cũng như các trường hợp vay khác.

Sau khi bị bắt, Cúc và chồng đã khắc phục một phần cho các bị hại, còn tổng số tiền chiếm đoạt là tới 213 tỷ đồng và 404 cây vàng.

Đáng nói là tại Tòa, dù biết sẽ đối mặt với án tù chung thân nhưng Cúc vẫn vô cùng bình thản, bị cáo đã khai lại rành mạch tất cả hành vi phạm tội của mình. Nhưng không một ai biết được vì sao bị cáo lại liều lĩnh như thế. Nếu nói đến chuyện khát tiền và ham làm giàu thì Cúc chắc chắn không tự mình ký nhận vào tất cả các tờ giấy vay nợ như thế. Theo lời khai tại tòa và của các bị hại, nếu ai yêu cầu chồng Cúc phải ký tên vào giấy vay nợ, thị sẽ trả lại ngay, không vay nữa. Cúc cũng tự mình đến cơ quan điều tra đầu thú, chứ không lẩn trốn để bị bắt giữ...

Lỏng tay nên vi phạm

Thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) cho biết, trong vòng 2 năm 2010 – 2011 cả nước đã xảy ra trên 100 vụ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm liên quan đến vay, huy động vốn với lãi suất cao do người dân tự huy động với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên tới gần 4.500 tỷ đồng.

Nhiều vụ vỡ nợ lớn với số tiền vay nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm cho hàng trăm gia đình điêu đứng, bị cầm cố hết tài sản, ruộng vườn, thậm chí trắng tay. Vụ án Nguyễn Thị Cúc là vụ vỡ nợ lớn nhất trên địa bàn Hà Nội nhưng không phải là vụ duy nhất. Chỉ trong vòng 3 tháng (từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2011), cùng với vụ Nguyễn Thị Cúc tại Hà Nội còn xảy ra liên tiếp 4 vụ vỡ nợ lớn nữa với số tiền không tính bằng đơn vị tỷ đồng mà tính bằng đơn vị vài trăm tỷ đồng.

Theo đánh giá của Cục C45 thì thủ đoạn chung của các đối tượng trong các vụ án này đều giống nhau. Đa số họ đều tạo vỏ bọc sang trọng, giàu có, thừa tiền, kinh doanh phát tài phát lộc để người cho vay tin rằng họ sẽ không bao giờ mất khả năng chi trả. Cùng với đó, các đối tượng này đã đánh trúng vào lòng tham của phần đông dân chúng là trả lãi suất rất cao, gấp nhiều lần lãi suất huy động của các ngân hàng.

Theo Đại tá Hồ Sĩ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, nguyên nhân thì ở nhiều góc độ, yếu tố. Nhưng nguyên nhân bao trùm chính là từ việc suy thoái kinh tế, bên cạnh đó, việc cho vay của các tổ chức tín dụng hợp pháp, ngân hàng gặp bế tắc nên một số người buộc phải tìm đến những tổ chức cho vay nặng lãi. Có thời cơ như vậy, dĩ nhiên những tổ chức tín dụng đen chẳng thể nào chịu ngồi yên mà đã tích cực đẩy mạnh hơn nhằm thu lời.

Tuy nhiên, một yếu tố cũng không kém phần quan trọng, đó chính là việc một bộ phận người dân đã cực kỳ mất cảnh giác trước những chiêu thức dụ dỗ của những kẻ hoạt động tín dụng đen. Cứ nhìn vào số lãi suất cao ngất ngưởng mỗi ngày mà quên đi số tiền khá lớn của mình nằm trong tay những kẻ đi lừa đảo.

Chính bởi tính chất phức tạp của những vụ án tín dụng đen này, mà trong năm 2013, tội phạm tín dụng đen và các băng ổ nhóm tội phạm chuyên nghiệp sẽ được Cục Cảnh sát Hình sự "đặc biệt" chú ý.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc