Nơi những "bướm đêm" quay về với đời

13:58, 23/01/2013
|

Trung tâm Phú Nghĩa (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh) đang quản lý hơn 700 học viên thuộc đối tượng mại dâm, ma túy bị truy quét tại TP Hồ Chí Minh đưa về. Nhưng bằng sự tận tâm và tấm lòng nhân hậu, 92 cán bộ, nhân viên ở đây đã giáo dục, cảm hóa được nhiều nữ học viên về với cuộc sống đời thường.

Giờ giao ban, các học viên đều chấp hành nội quy. Riêng có một học viên ngồi lặng lẽ. Cuối buổi, cô Nguyễn Thị Đông Sương gọi em ra ngoài, hỏi:
 
- “Em không được khỏe à?”.

Em đáp cộc lốc: “Em bị bệnh”.

- “Em bị bệnh thì báo với cô để cô cho em nghỉ, còn nếu đã tham gia thì em phải sinh hoạt như các bạn”.

Buổi thứ 2, thứ 3, cô học viên vẫn không chấp hành. Điệp khúc hỏi, đáp cộc lốc lại tái diễn. Trăn trở mãi, cô Sương quyết định gọi em sang phòng mình:
 
- “Cô thấy em có vẻ buồn? Có chuyện gì vậy?”.

- Em bất cần: “Cô yên tâm, em không làm gì ảnh hưởng đến cô”.

Cô Sương ôn tồn:
 
- “Bây giờ không có cô cô, em em gì ở đây mà chỉ là hai người bạn nói chuyện. Em đồng ý không?”.

 Ảnh minh họa

 Phó giám đốc Trung tâm Phú Nghĩa Nguyễn Tuấn Anh trò chuyện với học viên

   
Thoáng chút dè dặt, em dần dần trải lòng. Thì ra lâu nay gia đình em không ai vào thăm nuôi. Họ hắt hủi cô con gái sớm nghiện ngập, bán dâm. Đến bây giờ, khi đã tiễn bước chân bịn rịn của cô học viên lì lợm ngày nào trở về quê lập nghiệp, cô Sương vẫn không quên câu chuyện ấy.

Hơn 10 năm làm cán bộ quản lý học viên và bếp ăn, cô Sương được xem như người mẹ hiền của những phụ nữ một thời lầm lỡ. Cô tâm sự: “Lúc mới vào Trung tâm, các em lì lợm vậy thôi chứ ai cũng có nhu cầu tâm sự, chia sẻ. Quan trọng mình phải biết đồng cảm, kiên nhẫn trò chuyện để hiểu các em, đôi khi với tư cách là một người bạn, người chị, đôi khi là người mẹ”.

Công tác ở trạm y tế của Trung tâm gần 3 năm, nhưng y sĩ Ngô Ngọc Cẩn được rất nhiều học viên yêu mến bởi cô không chỉ là y sĩ trẻ mát tay mà còn là chuyên gia trị những màn giả ốm tinh quái. Cô Cẩn kể: “Có lần, một em lên trạm y tế kêu bị tiêu chảy, 15 phút đi một lần, xin được nghỉ học. Tôi cho em uống thuốc rồi bảo em vào nhà vệ sinh, khi nào ra thì kêu cô. Nhưng chờ hơn nửa tiếng mà thấy em im re, tôi mới nói: “Một là em nói dối cô, hai là thuốc đã tác dụng nên giờ em về lớp được rồi”.

Ngồi trò chuyện với học viên Dương Kim Giàu (sinh năm 1982, quê Tiền Giang), thầy Nguyễn Tuấn Anh, Phó giám đốc Trung tâm ân cần hỏi chuyện học hành của cô gái trẻ. Cánh tay Giàu chi chít sẹo, di chứng của những lần rạch tay phê thuốc. Giàu bảo: “Học văn hóa hơi khó vào, nhưng chỗ nào không hiểu thì hỏi liền. Còn học may thì không bị kim đâm vào tay nữa. Giàu khoe với chúng tôi: “Thầy Tuấn Anh và thầy cô ở đây vui vẻ và hiền lắm. Đi lao động thầy cô đều xắn tay áo vào làm chung. Hồi đầu vào đây, em chán nản, không nghe lời thầy cô đâu, chỉ kiếm cớ quậy. Nhưng thầy cô luôn biết cách “đánh” vào tâm lý của học viên. Thấy thầy cô lo cho từng miếng ăn, giấc ngủ, đêm hôm khuya khoắt còn trực, em thương quá nên không quậy nữa, chỉ cố gắng học tập tốt để sau này về quê làm ăn”.

Học viên gây gổ đánh nhau, chảy máu, thầy cô sẵn sàng băng bó vết thương. Đôi dép học viên hỏng quai, thầy cô cặm cụi sửa lại. Đó là những câu chuyện cảm động mà chị em học viên nơi đây vẫn tự hào kể về thầy cô của mình.

“Ở Trung tâm, khi các em vi phạm nội quy, chúng tôi thường phân tích cho các em hiểu cái hại của việc làm đó. Động viên, nhắc nhở các em chứ không áp dụng cách xử phạt cứng nhắc. Cán bộ nhân viên luôn cố gắng sâu sát để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các em để kịp thời hỗ trợ. Và đã hứa với các em điều gì thì phải giữ lời”, thầy Tuấn Anh nói.

Đường lên Trung tâm ở huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước khúc khuỷu những con dốc hun hút và dựng ngược trong sương mù. Đã có những cánh thư, thiệp hồng gửi lên nơi xa xôi này. “Thầy cô ơi, em sắp lấy chồng. Em xin lỗi vì không dám mời thầy cô. Em sợ ….”. Thầy Tuấn Anh tâm sự: “Mỗi lần nhận được tin vui của học viên như thế, chúng tôi mừng rớt nước mắt, biết em sợ điều gì. Đơn giản, mình đến chung vui, lỡ miệng “khai” nơi làm việc thì có thể gây rắc rối cho em. Hạnh phúc với những cô gái từng nghiện ngập, bán thân mong manh lắm. Hiểu và thương các em, chúng tôi cố gắng vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, giúp các em hoàn lương, sớm có hạnh phúc như bao cô gái khác”.


Theo Quân đội Nhân dân

Ý kiến bạn đọc