Tại thành phố Mumbai, Ấn Độ, nhiều chàng trai từ các vùng nông thôn nghèo khổ đang đổ về đây để mưu sinh bằng cách làm nô lệ tình dục cho dân đồng tính.
Khoảng 80% nhân viên mát xa nam ở Mumbai đến từ vùng quê nghèo Mathura
Ryan Day, phát ngôn viên của tổ chức phi lợi nhuận Love146 với nhiệm vụ chống nạn buôn bán trẻ em, cho hay những gã trai kiếm những đồng rupee nhờ việc mát xa và bán dâm này thường đến từ các vùng quê nghèo với học thức kém.
“Họ xuất thân từ những gia đình và cộng đồng bị gạt ra bên lề xã hội. Họ cũng có khát khao độc lập về tài chính và mong được đi học, nhưng lại phải lựa chọn công việc làm mát xa cơ cực để mưu sinh”, Ryan cho biết.
Tại đất nước mà một nông dân chỉ có thể kiếm được khoảng 150 rupee (tương đương 2,75 USD) mỗi ngày, một nhân viên mát xa nam ở Mumbai có thể bỏ túi tới 1.000 đến 2.000 rupee (18,25 USD – 36,50) miễn là tham gia các hoạt động tình dục. Trong khi đó, những người từ chối bán dâm kiếm ít hơn khá nhiều, khoảng 250 rupee (4,60 USD) mỗi ngày.
“Một số người khẳng định họ không phải là mại dâm nam, nhưng việc mát xa thực chất chỉ là một bức màn”, nhiếp ảnh gia người Anh Charles Fox, người thực hiện một dự án về các nhân viên mát xa, nói.
Nhiều nhân viên mát xa nam đến từ Mathura, bang Uttar Pradesh, phía bắc Ấn Độ, khu vực có những ngôi trường đấu vật truyền thống lâu đời và dịch vụ mát xa cho nam. Fox nói rằng, anh bị sốc khi thấy nhiều gia đình dường như nhắm mắt làm ngơ trước việc con trai họ tham gia đường dây mại dâm.
“Nhiều thành viên gia đình còn khuyến khích thanh niên đến Mumbai vì họ biết các chàng trai sẽ kiếm được việc, có thể là trong một nhà máy. Tuy nhiên, sau khi đến nơi họ mới biết rằng ở đó chẳng có việc gì để làm. Vì thế, họ mới tìm cơ hội làm nhân viên mát xa”, Fox, người có tác phẩm về mát xa nam được trưng bày tại phòng triển lãm Brunei ở London mùa hè năm ngoái, cho hay.
Fox trực tiếp tìm hiểu cuộc sống của nhân viên mát xa trong những căn phòng chật chội nhiều người ở tại khu đèn đỏ của Mumbai. Ở đó, nhân viên mát xa nam mời mọc khách hàng trên đường phố. Họ báo hiệu sẵn sàng bán dâm bằng cách gõ những chiếc cốc thủy tinh với nhau theo nhịp điệu. Một số người khác có tổ chức hơn thì dùng điện thoại di động để liên lạc với khách quen.
“Những người đàn ông đó rất thông minh. Họ rất hiểu biết. Họ hiểu khách hàng và biết việc họ đang làm”, Fox nói.
RK (25 tuổi), làm nhân viên mát xa ở Mumbai trong 4 năm
Khi được hỏi về giới tính, những nhân viên mát xa nam nói rằng họ không phải là gay và một số khác cũng có bạn gái, vợ ở nhà. “Đó là những người nam tính và thích quan hệ với người khác giới. Họ chỉ bán dâm đồng tính vì đó là công việc. Họ chẳng thấy thích thú khi làm việc đó, nhưng bắt buộc phải thực hiện để kiếm tiền”, Fox cho hay.
Theo điều tra, độ tuổi của các nhân viên mát xa nam ở Mumbai thường từ 12 đến 50. Theo tổ chức Xã hội Samabhavana (một đối tác với Love146) trong số 8.000 người đàn ông được điều tra ở Mumbai, có khoảng 300 người sắp sửa bước chân vào nghề mát xa đầy cạm bẫy. Jasmir Thakur, thư ký của tổ chức Samabhavana nói với tờ Times of India rằng, việc trò chuyện với các chàng trai trẻ là cách cần thiết để giải quyết vấn đề mại dâm nam.
“Chúng tôi cho một cậu bé 12 tuổi thấy bao cao su và thậm chí hỏi nó vừa hay không. Chúng tôi còn cho nó thấy một dương vật giả và đề nghị nó tưởng tượng cảnh quan hệ tình dục với khách hàng đồng giới. Ngoải ra, cậu bé cũng được cho thấy bức ảnh của những người đàn ông mắc bệnh lây qua đường tình dục. Chúng tôi cảnh báo nó có thể mắc bệnh đó khi không dùng bao cao su và chết trước khi trưởng thành”, Thakur chia sẻ.
Tuy vậy, việc dọa nạt những cậu bé đó không có nghĩa là ngăn được chúng tránh xa nạn mại dâm nam. Thakur nói rằng tổ chức của ông đang cố tìm những công việc chính đáng để khuyến khích chúng tránh xa dịch vụ mát xa dơ bẩn.
Họ vừa giúp 159 chàng trai tham gia các khóa học nghề như sửa điện thoại di động, nghề hàn và sửa chữa điện. Ngoài ra, chúng cũng được tư vấn và giáo dục giới tính thường xuyên, bởi đó là việc hiếm khi xảy ra ở Ấn Độ. Tổ chức Samabhavana cố gắng giải thích cho các nhân viên mát xa nam rằng, ngoài tiền bạc, họ có thể nhận được nhiều thứ giá trị hơn trong cuộc sống.
“Phẩm giá trong cuộc sống, đó là quyền cơ bản của bất kỳ người nào”, Thakur khẳng định.
Ý kiến bạn đọc