(VnMedia)- Tùy vào mức độ vi phạm, “Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm” theo quy định tại khoản 5 Điều 202 BLHS.
>> Dân phẫn nộ đánh trọng thương lái xe "điên" bỏ chạy
Chiếc xe máy của nạn nhân bốc cháy lan lên đầu ôtô nên tài xế phải dừng xe. |
Khoảng 12h trưa ngày 13/1, tại nút giao lộ trên đường dẫn cao tốc Trung Lương Tp.HCM và đường Trần Đại Nghĩa thuộc ấp 1, xã Tân Kiên, Huyện Bình Chánh, Tp.HCM, chiếc xe ôtô con 7 chỗ ngồi hiệu Innova do một người đàn ông trung niên điều khiển va chạm với xe máy mang BKS: 62S1- 841.78 do chị Phạm Thị Tuyết Mai (quê ở Long An) chở theo con gái chị là bé Hân (hiện đang học lớp 7) ngồi phía sau đang đi ngang qua đường theo chỉ giới quy định
Cú đâm khá mạnh làm chị Mai và bé Hân bị hất văng lên nắp ca-pô xe 7 chỗ, va vào kính chắn gió rồi ngã xuống đường cách vị trí ban đầu hơn chục mét. Cả hai đều bị thương nặng và được người dân đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Riêng chiếc xe máy của nạn nhân bị cuốn vào gầm trước xe 7 chỗ.
Đáng lý ra tài xe xe Inova phải dừng lại để giải quyết sự việc thì ngược lại nhấn ga bỏ chạy khỏi hiện trường. Chạy hơn 2km trên đường dẫn cao tốc, khi tới giao lộ với đường Thế Lữ gặp đèn đỏ tài xế liền đánh lái sang trái rồi cho xe rẽ vào đường Thứ Lữ chạy khoảng 1km nữa hòng thoát thân. Vào đường Thế Lữ gặp mặt đường xấu, gồ gề lúc này xe máy nằm dưới gầm bắt đầu phụt cháy và cháy lan sang ôtô 7 chỗ. Đúng lúc, anh Tuấn- một người dân vượt lên chặn đầu xe và cùng người dân dập lửa, đồng thời áp giải tài xế về trụ sở Công an xã. Khi đó, tài xế mới cho biết mình là luật sư.
Theo lẽ thông thường, khi gây tai nạn giao thông, người gây tai nạn cần dừng lại xem nạn nhân có bị trọng thương, cần đi cấp cứu... Quy định của pháp luật cũng cho thấy nếu lái xe gây tai nạn bỏ trốn khỏi hiện trường để trốn tránh trách nhiệm, không tham gia cấp cứu người bị nạn là tình tiết tăng nặng để xem xét trách nhiệm hình sự. Cụ thể trong trường hợp này, người gây tai nạn là luật sư, là người am hiểu về luật pháp, đang thực thi công việc liên quan đến luật pháp thì phải xử lý ra sao? Phóng viên VnMedia đã có cuộc trao đổi với TS.Luật sư Vũ Thái Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH YouMe.
Thưa luật sư, theo quy định của pháp luật khi gây tai nạn giao thông mà người lái xe bỏ trốn không cứu giúp nạn nhân thì vi phạm theo điều nào của pháp luật?
- TS.Luật sư Vũ Thái Hà: Theo quy định tại Điều 202 Bộ Luật Hình sự (BLHS) thì "Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.
Nếu người gây tai nạn giao thông bỏ trốn khỏi hiện trường để trốn tránh trách nhiệm, cố ý không tham gia cấp cứu người bị nạn, không giữ nguyên hiện trường là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 2 Điều 202 BLHS. Theo đó, người có hành vi "Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn" bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, khi người gây tai nạn giao thông nhưng bỏ trốn khỏi hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn, không giữ nguyên hiện trường sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 1 Điều 1 của Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ngày 19/09/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo quy định này thì người điều khiển xe có hành vi "Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn" bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Vậy, trong trường hợp người lái xe là người am hiểu pháp luật, đang thực thi công việc liên quan đến luật pháp mà vẫn bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông thì hành vi đó có bị xem xét là tình tiết tăng nặng hay không?
- Theo khoản 1 Điều 48 BLHS, chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: 1) Phạm tội có tổ chức; 2) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; 3) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; 4) Phạm tội có tính chất côn đồ; 5) Phạm tội vì động cơ đê hèn; 6) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng; 7) Phạm tội nhiều lần, tái phạm, tái phạm nguy hiểm; 8) Phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người ở trong tình trạng không thể tự vệ được hoặc đối với người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác; 9) Xâm phạm tài sản của Nhà nước; 10) Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; 11) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội; 12) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, tàn ác phạm tội hoặc thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; 13) Xúi giục người chưa thành niên phạm tội; 14) Có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm.
Như vậy, tình tiết người am hiểu pháp luật, đang thực thi công việc liên quan đến pháp luật, có hành vi khi gây tai nạn giao thông bỏ trốn khỏi hiện trường để trốn tránh trách nhiệm, không tham gia cấp cứu người bị nạn không được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, tùy vào mức độ vi phạm, “Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm” theo quy định tại khoản 5 Điều 202 BLHS.
Xin cám ơn luật sư!
Ý kiến bạn đọc