Hoang đường núp bóng "pháp hội" âm mưu lật đổ chính quyền

15:29, 31/01/2013
|

Ngày 28/1, sau gần một năm bị điều tra về cáo buộc Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, ông Phan Văn Thu và 21 người khác bị TAND tỉnh Phú Yên đưa ra xét xử.

Ảnh minh họa
Các bị cáo tại phiên xét xử

Trong số 22 bị cáo, có 7 bị cáo trú quán ngoài tỉnh Phú Yên gồm Phan Văn Thu (sinh năm 1948, trú phường Bình Định, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), Từ Thiện Lương (sinh năm 1950, trú phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận),

Trần Quân (sinh năm 1984, trú thị trấn Dran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), Lê Đức Động (sinh năm 1983, trú xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế), Nguyễn Thái Bình (sinh năm 1986, trú xã Thành Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), Lê Duy Lộc (sinh năm 1956 , trú thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), Lê Phúc (sinh năm1951, phường Đài Sơn, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận).
 
15 bị cáo trú quán ở tỉnh Phú Yên gồm Võ Thành Lê (sinh năm 1955), Nguyễn Kỳ Lạc (sinh năm 1951), Vương Tấn Sơn (sinh năm 1953), Võ Ngọc Cư (sinh năm 1951), Đoàn Đình Nam (sinh năm 1951), Võ Tiết (sinh năm 1952), Nguyễn Dinh (sinh năm 1968), Đoàn Văn Cư (sinh năm 1962), Phan Thanh Ý (sinh năm 1948), Đỗ Thị Hồng (sinh năm 1957), Trần Phi Dũng (sinh năm 1966), Lê Trọng Cư (sinh năm 1966), Phan Thanh Tường (sinh năm 1987), Tạ Khu (sinh năm 1947 ) và Lương Nhật Quang (sinh năm 1987).

Theo cáo trạng được công bố tại toà, từ năm 2003 đến tháng 2/2012, ông Thu (ngụ Bình Định) đã đứng ra thành lập tổ chức chính trị có tên gọi “Hội đồng công luật công án Bia Sơn” tại Khu du lịch sinh thái Đá Bia thuộc địa phận đèo Cả (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên).

Người đàn ông 65 tuổi này được cho là đã "núp bóng doanh nghiệp là Chi nhánh Công ty TNHH Huỳnh Long (thuộc Công ty TNHH Hoàng Long - tỉnh Đăk Nông) hoạt động du lịch sinh thái" để xây dựng thành căn cứ địa, làm trung tâm chỉ huy hoạt động.

Cơ quan điều tra cho rằng, với chiến lược “tiền sinh thái, hậu tổ đình” và “bất bạo động”, nhóm người của ông Thu đã lập thành 12 ban, 26 pháp hội và 4 nhóm chưa đặt tên ở các địa phương Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đăk Lăk, TP HCM... với gần 300 người tham gia. "Trong đó, một số Việt kiều đã đóng góp tiền bạc, của cải cho 'Hội đồng công luật công an Bia Sơn'”, cáo trạng nêu.

Kết quả điều tra xác định, tổ chức chính trị này đã sáng tác, biên soạn nhiều tài liệu có nội dung "xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; vu khống, nói xấu chế độ hiện tại; xây dựng nội quy, quy chế hoạt động, cương lĩnh hành động để định hướng cho hoạt động của tổ chức".

Ngoài ra, các bị cáo còn được cho là đã dự kiến tên nước, Quốc kỳ, Quốc ca, thủ đô, Quốc khánh, bộ máy chính quyền trung ương, địa phương, sắc phong 72 tướng lĩnh. Kế hoạch đề ra là từ năm 2013 ông Thu lãnh đạo “Hội đồng công luật công án Bia Sơn” và các đệ tử, bào tộc thực hiện việc đấu tranh lật đổ chính quyền Nhà nước Việt Nam, thành lập cái gọi là nhà nước Đại Nam Kinh Châu.

Dự kiến phiên tòa diễn ra trong 5 ngày. Trong ngày xét xử đầu tiên, HĐXX dành hầu hết thời gian để thẩm vấn ông Thu, làm rõ vai trò từng cá nhân trong tổ chức.


(tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc