Bổ sung quyền “sáng tạo các giá trị văn hóa” vào Hiến pháp

07:20, 28/01/2013
|

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho rằng Điều 44 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là một quyền mới đã được hiến định, thể hiện một bước tiến quan trọng trong cách nhìn nhận về một trong những quyền căn bản nhất của con người. Tuy nhiên cần bổ sung quyền “sáng tạo các giá trị văn hóa” vào Điều 44. Điều 44 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định: “Mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa”. Bốn nội dung về “hưởng thụ, tham gia, sử dụng, tiếp cận” trong “quyền văn hóa” của con người là đúng đắn, song chưa bao hàm đầy đủ nội dung của giá trị văn hóa.

Do vậy, để bảo đảm sự hoàn chỉnh hơn của hiến định quan trọng này, bản góp ý của Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ VHTTDL đề nghị bổ sung quyền “sáng tạo các giá trị văn hóa” vào Điều 44 thành: “Mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa, sáng tạo các giá trị văn hóa”.

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh hoạ


Theo phân tích, việc bổ sung này là cần thiết, bởi xuất phát từ các quan điểm cơ bản của Đảng về phát huy vai trò của nhân dân - chủ thể quan trọng nhất trong việc hưởng thụ và sáng tạo văn hóa. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng đã xác định rõ: “Thể chế văn hóa mới khuyến khích nhân dân lao động tham gia sự nghiệp xây dựng văn hóa trên cả hai mặt sáng tạo và hưởng thụ”; và “Hình thành các hình thức sáng tạo và tham gia hoạt động văn hóa của các tập thể, cá nhân trong khuôn khổ luật pháp và chính sách”. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), phần nói về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” cũng khẳng định: “Bảo đảm quyền tự do sáng tạo của công dân”.

Bên cạnh đó, thực tế lịch sử đã chứng minh, nhân dân không chỉ hưởng thụ các giá trị văn hóa, mà còn là người trực tiếp hay gián tiếp sáng tạo ra các giá trị văn hóa. Rất nhiều hình thức, loại hình văn hóa nghệ thuật, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghi lễ… bắt nguồn từ cuộc sống, lao động, sinh hoạt vô cùng phong phú của nhân dân. Không những thế, nhân dân còn là “tác giả tập thể”, “chủ nhân chân chính” của rất nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian đặc sắc, có giá trị nhân văn và tính giáo dục sâu sắc được truyền từ đời này sang đời khác. Không ít tác phẩm văn học, nghệ thuật bác học cũng được sáng tác trên cơ sở kho tàng văn hóa khổng lồ do nhân dân sáng tạo.

Việc quy định mọi người có quyền “sáng tạo các giá trị văn hóa” trong Hiến pháp, một mặt khẳng định vai trò, khả năng và năng lực tiềm tàng trong sáng tạo các giá trị văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân và mặt khác, động viên, khuyến khích mọi người chủ động, ra sức đóng góp tâm huyết, sức lực, tài năng, trí tuệ tham gia sáng tạo các giá trị văn hóa mới để không ngừng làm giàu đời sống văn hóa cho cá nhân, cộng đồng và xã hội.

Theo bản góp ý này, việc bổ sung quyền sáng tạo các giá trị văn hóa vào Điều 44 sẽ bảo đảm cho “quyền văn hóa” của con người là một chỉnh thể thống nhất liên hoàn, gắn bó mật thiết giữa quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, quyền tham gia vào đời sống văn hóa, quyền sử dụng các cơ sở văn hóa, quyền tiếp cận các giá trị văn hóa và quyền sáng tạo các giá trị văn hóa.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc