Bệnh nhân chết vì xóa sẹo, bác sỹ ngồi tù

13:18, 09/01/2013
|

(VnMedia)- Theo các quy định của pháp luật, nếu bác sĩ hay nhân viên gây ra cái chết của bệnh nhân có thể bị truy tố về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác và có thể bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

 Ảnh minh họa

 
Thẩm mỹ viện Linh Nhung nơi xảy ra cái chết của bệnh nhân Hương.


Vào hồi 11h ngày 4/1, khi anh Trần Tuấn Anh, ở Kiến An, Hải Phòng đưa chị gái là Trần Thị Thu Hương, (SN 1971) đến Thẩm mỹ viện Linh Nhung (số 255 Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội) để điều trị sẹo trên mặt.

Tuy nhiên đến khoảng 17h cùng ngày thì chị Hương được nhân viên của thẫm mỹ viện Linh Nhung đưa lên tầng 4 để thử phản ứng gây tê, sau đó chị Hương có biểu hiện sốc phản vệ. Thấy có biểu hiện xấu nên Chị Hương được nhân viên của thẩm mỹ viện đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai đến rạng sáng 5/1 chị Hương đã tử vong.

Sau khi sự việc xảy ra, Đại tá Bùi Văn Đại, Trưởng Công an quận Đống Đa cho hay: Đơn vị này đã triệu tập bác sỹ Võ Tiến Huy là người trực tiếp điều trị cho chị Hương cũng chủ cơ sở và hai y tá là chị Ngô Thị Chách và Đồng Thị Tuyết.

Đại tá Bùi Văn Đại cũng cho biết, phải chờ kết quả giám định pháp được y mới tiếp tục điều tra được vụ việc. Bởi, căn cứ vào lời khai của bác sỹ Huy và hai y tá tại cơ quan điều tra thì quy trình khám chữa bệnh đối với bệnh nhân đã được làm đầy đủ.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, trường hợp này sẽ được xử lý ra sao?

TS. Luật sư Vũ Thái Hà,  Chủ tịch Cty Luật TNHH YouMe cho biết:

Điều 8 Bộ luật Hình sự định nghĩa về tội phạm có nêu rõ: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý…. Như vậy, một người chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu mà luật hình sự quy định là tội phạm.

Do đó, trong trường hợp bệnh nhân tử vong mà lỗi được xác định thuộc về bác sĩ hay nhân viên của thẩm mỹ viện thì bác sĩ hay nhân viên thuộc thẩm mỹ viện khiến bệnh nhân tử vong chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi của họ được xác định là tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Trong trường hợp này, nếu việc bệnh nhân tử vong xác định được có lỗi của bác sĩ thì bác sĩ đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính được quy định tại Điều 99 Bộ luật Hình sự hoặc tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác được quy định tạiĐiều 242. Bộ luật Hình sự.

Theo quy định tại Điều 99, người bị coi là phạm tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính trước hết, phải là những người có nghĩa vụ và trách nhiệm tuân theo các quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính trong quá trình thực hiện công việc, tuy nhiên, do không tuân thủ đúng các quy tắc này nên đã dẫn đến hậu quả chết người. Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi vô ý tức là, tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xẩy ra hoặc có thể ngăn ngừa được (do quá tự tin) hoặc không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó (do cẩu thả). Người phạm tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính có thể bị phạt tù từ một năm đến sáu năm hoặc từ năm năm đến mười hai năm trong trường  hợp làm chết nhiều người. Ngoài ra, còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Tuỳ vào tình tiết của vụ việc, bác sĩ hay nhân viên gây ra cái chết của bệnh nhân có thể bị truy tố về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Điều 242. Bộ luật hình sự). Nếu bị truy tố theo tội danh này, người bị truy tố có thể bị phạt tù từ một năm đến năm năm nếu gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm hoặc bị phạt tù tự ba năm đến mười năm trong trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc bị phạt tù từ bảy năm đên mười lăm năm trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc