Vụ "chặt tay thiếu nữ cướp xe": Cảnh sát có lỗi?

06:30, 07/12/2012
|

(VnMedia)- Trước khi băng cướp áp sát cô gái rồi chặt gần đứt lìa tay để cướp xe SH vào đêm 24/11 trên cầu Phú Mỹ, thuộc địa bàn quận 2, TP.Hồ Chí Minh, cảnh sát đã nghi vấn nhóm thanh niên này, nhưng lại không bám sát để kịp thời ngăn chặn…

Liên quan đến băng cướp chặt tay chấn động dư luận này, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, trước đó cảnh sát đã nghi vấn nhóm thanh niên này. Nếu bám sát, thấy người và ánh đèn của công an phía sau thì băng cướp sẽ không bao giờ gây án, còn bám không sát thì xảy ra hậu quả là cô gái bị chặt gần đứt lìa tay. "Đó là điều khiến chúng tôi luôn day dứt", ông Minh bày tỏ.

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, số lượng vụ án không tăng hơn so với năm ngoái nhưng số vụ án nghiêm trọng tăng hơn năm ngoái. Cũng chỉ trong năm này, có một số vụ cướp giật được người dân tải lên Internet, số lượng truy cập nhiều làm dư luận bức xúc nhiều hơn. Việc đưa các vụ cướp giật lên Internet có dẫn đến mặt tốt và mặt không tốt. Mặt không tốt là đối tượng cướp giật biết tìm cách lẩn trốn, công tác truy xét gặp khó khăn hơn. Mặt tốt là khi đưa hình ảnh đó lên Internet thì người dân sẽ cảnh giác hơn.
 
Cũng theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, hiện pháp luật đã có các quy định về thủ tục trình báo khi nạn nhân bị cướp giật. Song, nhiều người sợ phiền phức vì không hy vọng thu hồi lại được tài sản bị chiếm đoạt nên không trình báo với công an. Nhiều vụ cướp giật bị cảnh sát phát hiện, bắt giữ nhưng lại không tìm được nạn nhân nên không thể xử lý hình sự mà phải chuyển sang xử phạt hành chính.

"Nếu gọi đó là thái độ ích kỷ thì nghe hơi nặng, nhưng đó là thái độ vì mình nhiều quá. Lúc nào cũng bảo phải có hiệp sĩ đường phố, phải có nhiều người can thiệp nhưng mình là người bị xâm hại lại không có trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phải trình báo. Chính điều này đã vô tình dung túng cho cướp giật bởi chúng sẽ không bị xử lý hoặc bị xử lý không thỏa đáng", ông Phó giám đốc nói.

Trước câu hỏi, liệu tình hình cướp giật trên địa bàn thành phố gia tăng có phải do nguyên nhân kinh tế khó khăn, thất nghiệp gia tăng, thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng, cần phải điều tra xã hội học và có số liệu thống kê một cách đầy đủ. Tuy nhiên, theo ông, ở góc độ nào đó phải thừa nhận tình trạng thất nghiệp là nguồn cơn dẫn đến tội phạm gia tăng. Đặc biệt, những thanh niên nhập cư khi mất việc rất khó thích ứng được cuộc sống thành thị nhưng cũng không thể trở về quê bởi cũng không có việc làm, không có đất canh tác.

Đêm 24/11, chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy (28 tuổi, ngụ phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) điều khiển xe SH đi dự tiệc cưới của bạn từ quận 7 về đến cầu Phú Mỹ, thuộc địa bàn quận 2 thì bị 2 đối tượng bám theo...

Hai thanh niên chạy xe gắn máy từ phía sau băng lên, rút dao ra chém liên tiếp 3 nhát định cướp xe. Dù bàn tay phải gần như bị đứt lìa nhưng chị Thúy vẫn cố gắng tấp xe vào lề đường để kêu cứu. Cùng lúc này xuất hiện 2 thanh niên khác đi trên một xe máy trờ tới, tên ngồi sau áp sát rồi giật chiếc ví của chị Thúy bên trong có 5 triệu đồng.

Sau đó, hai tên ngồi sau nhảy xuống lên xe chị Thúy nổ máy, cùng lúc này từ bên kia đường hai dân quân tự vệ và người khách đi đường nghe tiếng kêu cứu của nạn nhân chạy đến nên cả 4 tên lên xe tẩu thoát.

Trên đường tẩu thoát, nhóm cướp gặp tổ tuần tra Công an huyện Nhà Bè, tổ tuần tra truy đuổi qua nhiều tuyến đường. Khi biết bọn cướp trốn tại một khách sạn xã Bình Hưng, Bình Chánh, tổ tuần tra phối hợp Công an huyện Bình Chánh bắt 4 đối tượng gồm: Trần Văn Luộng (24 tuổi), Hùng Thanh Sơn (30 tuổi, cùng ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM), Nguyễn Hoàng Phương, Hồ Huy Trúc (cùng 19 tuổi, ngụ tỉnh Ninh Thuận).


(Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc