Trấn áp cướp giật, chờ đến bao giờ?

07:26, 17/12/2012
|

(VnMedia)- Việc trấn áp tội phạm và bảo vệ an ninh trật tự cho người dân là nhiệm vụ, trách nhiệm và nghĩa vụ của lực lượng công an, nhưng dường như TP. Hồ Chí Minh lại đang "trì hoãn" nhiệm vụ này!

Ảnh minh họa

 Ảnh: Minh hoạ


Ngày 14/12, trong buổi làm việc với Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Minh Trí cho biết, 2 năm qua, trên địa bàn thành phố đã xảy ra hơn 10.000 vụ phạm pháp hình sự, làm chết 312 người, bị thương 1.049 người và thiệt hại tài sản trên 82 tỷ đồng.

Theo ông Trí, mặc dù TP đã giảm được 16,36% số vụ phạm pháp hình sự nhưng tội phạm ngày càng tinh vi, liều lĩnh. Đặc biệt, xuất hiện một số băng nhóm đòi nợ thuê đâm chém nhau rất manh động, hung hãn.

Đối với nạn cướp giật tài sản gây bức xúc cho người dân, Phó chủ tịch TP cho biết, hiện nay loại tội phạm này chủ yếu tập trung vùng ven thành phố. Chúng sử dụng xe gắn máy phân khối lớn đeo bám người đi đường, lợi dụng nơi vắng vẻ, những kẻ này dùng roi điện, dao, mã tấu, thậm chí xịt hơi cay để tấn công nạn nhân cướp tài sản.

Cũng tại buổi làm việc này, ông Trí có kiến nghị lãnh đạo Bộ Công an hỗ trợ thêm cho Thành phố về phương tiện và trang bị để trấn áp tội phạm.

Tại buổi làm việc này, Trung tướng Phạm Quý Ngọ cho biết, Bộ sẵn sàng điều 1-2 trung đoàn cảnh sát cơ động Hà Nội vào hỗ trợ cho TP. Hồ Chí Minh trấn áp tội phạm. Đây không phải là lần đầu tiên, vị Thứ trưởng Bộ Công an có phát biểu quan tâm đến tình hình trấn áp tội phạm tại TP. Hồ Chí Minh.

Ngay sau khi vụ án thiếu nữ bị chặt đứt bàn tay, cướp xe SH xảy ra vào đêm 24/11 tại dốc cầu Phú Mỹ, ngày 4/12 bên lề Lễ tuyên dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích trong trấn áp tội phạm tại Hà Nội, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng Công an TP.HCM nên học hỏi, rút kinh nghiệm từ mô hình 141 của Hà Nội để trấn áp tội phạm.

Theo Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ, lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quan tâm đến tình trạng cướp tài sản, đặc biệt tội phạm sử dụng hung khí chém người cướp giật xảy ra gần đây tại các tỉnh phía Nam. Bộ đang xem xét việc tăng cường các lực lượng của Bộ phối hợp với địa phương; đồng thời khuyến khích các địa phương trọng điểm như TP.HCM có thể áp dụng mô hình 141 của TP.Hà Nội tăng cường công tác tuần tra, phòng ngừa tội phạm.

Cũng tại cuộc trao đổi với báo chí này, trả lời câu hỏi tại sao 18 địa phương trên cả nước áp dụng mô hình 141, nhưng TP HCM chưa áp dụng, Tướng Ngọ cho biết, mỗi địa bàn, địa phương có một đặc thù khác nhau. Ở TP HCM phân cấp cho các quận, huyện, tuy có hiệu quả nhưng thấp.

Theo Tướng Ngọ, tới đây, công an TP HCM cũng phải rút kinh nghiệm của Hà Nội là phải tập trung vào các phòng nghiệp vụ để hỗ trợ cho nhau, chứ không thể phân về các quận huyện để giải quyết từng địa bàn. Công an TP HCM phải áp dụng mô hình 141 thì có lẽ mới xử lý được loại tội phạm cướp giật càn quấy trên đường phố như hiện nay.

Ấy vậy nhưng, hai ngày sau phát biểu của Tướng Ngọ được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải rộng rãi, ngày 6/12, tại phần trả lời chất vấn của đại biểu tại cuộc họp HĐND TP HCM về tình hình an ninh trật tự đáng báo động như hiện nay, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh lại cho rằng tình hình ở TP.HCM chưa đến mức cần thành lập 141. Vì ở Hà Nội có quá nhiều đầu gấu, dựa vào "con ông cháu cha" sẵn sàng chống lại người thi hành công vụ, đi xe không đội mũ bảo hiểm nên phải có lực lượng hỗ trợ này.

Việc “cự tuyệt” học hỏi theo mô hình 141 của Hà Nội khiến dư luận khó hiểu. Bởi, ngay sau phát biểu hùng hồn của Thiếu tướng Phan Anh Minh, tình hình cướp giật tại TP. Hồ Chí Minh vẫn diễn ra đầy phức tạp. Những đối tượng cướp giật dường như cố tình thách thức lực lượng công an Thành phố khi những vụ cướp dã man, manh động và ngang nhiên vẫn diễn ra một cách công khai.

Điển hình nhất tính đến thời điểm này có lẽ phải kể đến vụ xông vào nhà chặt gần đứt cánh tay của nạn nhân để cướp iPhone “Tàu”.

Theo đó, khoảng 19 giờ ngày 15/12, anh Bùi Như Đào vừa ăn cơm xong ra hành lang nhà, trên đường Tạ Quang Bửu, Q.8 để gọi điện thoại cho vợ ở quê. Lúc hai vợ chồng anh đang say sưa nói chuyện thì bất ngờ một nhóm thanh niên (gồm 3 đối tượng) chạy xe đến chém cánh tay trái của anh.

Do bất ngờ và bị choáng nên anh Đào đánh rơi chiếc điện thoại. Nhanh như cắt, bọn cướp lấy chiếc điện thoại và lên xe bỏ chạy. Anh Đào nhập viện trong tình trạng sốc, cánh tay bị chém đứt 60%, máu chảy nhiều.

Thông tin anh Đào bị chém ngay tại nhà khiến dư luận được phen rúng động. Sự bất an một lần nữa lại được gióng lên. Câu hỏi đặt ra là lúc nào và bao giờ TP. Hồ Chí Minh mới coi tình hình cướp giật là phức tạp và sẽ sử dụng lực lượng phối hợp giữa CSCĐ-CSGT và CSHS như Hà Nội và 19 địa phương khác đã áp dụng mô hình. !?

Cần nhấn mạnh là TP. Hồ Chí Minh càng "làm cao" thì người dân càng bất an lo lắng về tình trạng cướp giật. Việc trấn áp tội phạm và bảo vệ an ninh trật tự cho người dân là nhiệm vu, trách nhiệm và nghĩa vụ của lực lượng công an, nhưng dường như TP. Hồ Chí Minh lại đang "trì hoãn" nhiệm vụ này !


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc