(VnMedia)- Bộ Tư pháp vừa công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2012 của Ngành Tư pháp. Trong đó, việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô được chọn là sự kiển nổi bật thứ hai.
1. Hoàn thành nhiệm vụ giúp Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, tạo điều kiện lần đầu tiên Chính phủ và Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia một cách chủ động vào việc nghiên cứu, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
2. Quốc hội thông qua Luật Thủ đô, tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, để Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, tiêu biểu cho truyền thống Văn hiến - Anh hùng - Hòa bình - Hữu nghị của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
3. Quốc hội thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính với nhiều nội dung mang tính cải cách quan trọng theo định hướng dân chủ, pháp quyền mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra và giao Ngành Tư pháp thống nhất quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
4. Thực hiện thành công thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội thông qua Nghị quyết mở rộng thí điểm chế định này đến hết năm 2015, tạo tiền đề quan trọng đẩy mạnh tiến trình cải cách tư pháp nói chung, xã hội hóa một số hoạt động tư pháp nói riêng (thi hành án dân sự, lập vi bằng, tống đạt giấy tờ của các cơ quan Tư pháp) theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020.
5. Ngành được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ mới về kiểm soát thủ tục hành chính, gắn công tác kiểm soát thủ tục hành chính với công tác xây dựng pháp luật, tạo cơ hội cho Bộ Tư pháp, Tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phục vụ đắc lực hơn sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, đồng thời cũng là một bước cải cách thu gọn bộ máy hành chính của Nhà nước.
6. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, nghề/hệ thống công chứng ở Việt Nam một cách đồng bộ, hợp lý, chủ động theo quy hoạch, qua đó sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an toàn pháp lý cho các hoạt động kinh tế, dân sự của người dân và doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ này.
7. Hệ thống đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm được triển khai thực hiện trên toàn quốc, tạo bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ hành chính công giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc thực hiện đăng ký giao dịch liên quan đến tài sản của mình.
8. Việt Nam chính thức nộp đơn gia nhập Hội nghị (tổ chức) La Hay về tư pháp quốc tế, đánh dấu bước tiến quan trọng của đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế về tư pháp và pháp luật, là minh chứng thể hiện sự sẵn sàng hợp tác của Việt Nam với các nước trên thế giới trong việc xây dựng và hoàn thiện các nền tảng pháp lý quốc tế đa phương, giải quyết những vấn đề tư pháp quốc tế toàn cầu, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế.
9. Về đích sớm 2 năm việc thực hiện Quy hoạch thành lập mạng lưới các trường Trung cấp Luật. Với việc trong năm 2012, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành các Quyết định thành lập Trường Trung cấp Luật Đồng Hới, Trường Trung cấp Luật Tây Bắc, việc thực hiện Quy hoạch xây dựng 05 Trường Trung cấp Luật tại Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Việt Bắc, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ trong Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Ngành Tư pháp giai đoạn 2011 - 2020 đã được hoàn thành, tạo điều kiện quan trọng tăng cường đào tạo nguồn cán bộ pháp luật cho các địa phương, nhất là cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cấp xã.
10. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp áp dụng chung cho cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp, kể cả những người không phải là cán bộ, công chức, viên chức hành nghề trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành Tư pháp, lần đầu tiên được ban hành, thiết thực đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, là phương châm, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Ngành vì sự nghiệp “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Ý kiến bạn đọc