Vụ kiện đòi hơn 55 triệu USD trúng thưởng tại CLB Palazzo (ở khách sạn Sheraton, TP.HCM) do thắng máy trò chơi có thưởng đang thu hút sự chú ý của dư luận bởi số tiền tranh chấp “khủng” cũng như những tình tiết pháp lý liên quan.
May mắn đến 2 lần
Đơn vị bị ông Ly Sam khởi kiện đòi tiền là Công ty liên doanh Đại Dương. Trình bày tại tòa, phía bị đơn cho biết khi xin giấy phép thành lập CLB trò chơi có thưởng đã phải trải qua một quy trình hết sức ngặt nghèo từ xin phép Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính. Sau khi có giấy phép rồi còn đăng ký tỷ lệ trúng thưởng với Sở Tài chính TP.HCM lên đến 91 - 95%. Chánh án TAND Q.1 Mai Xuân Bình giữ quyền chủ tọa phiên tòa, hài hước: “Tuy là người chơi thắng dễ nhưng CLB không bao giờ lỗ hết”. Qua phần thẩm vấn kỹ thì lại cho thấy một sự thật khác. Theo bị đơn, tỷ lệ 91 - 95% là xác suất thắng trung bình được tính sau một thời gian của nhiều người và nhiều lượt chơi. Nhưng bị đơn không cho biết cụ thể cách tính tỷ lệ trên trong bao nhiêu lượt chơi, bao nhiêu người chơi và thời gian bao lâu. Thậm chí bị đơn cũng từ chối câu trả lời của luật sư nguyên đơn khi bị chất vấn về tỷ lệ thắng cược này.
Có mặt tại phiên tòa sơ thẩm ngày 28.12, hai nhân chứng cũng là hội viên thường xuyên của CLB này là ông Le Manh Patrice (Việt kiều Pháp) và Nhan Thanh Hiển (Việt kiều Canada) cho biết đã đến đây chơi từ 5 - 8 năm và “thua nhiều hơn thắng”.
Theo trình bày của Ly Sam (quốc tịch Mỹ, ngụ Q.3, chủ nhà hàng ở TP.HCM), ông là hội viên CLB Palazzo từ năm 2005 và thường xuyên đến đây giải trí. Có ngày ông đến 3, 4 lần chơi, nôm na là đánh bạc với máy. Trong từng ấy năm chơi, ông đã có lần thắng gần 100.000 USD và ngày 25.10.2009, ông trúng thưởng lần thứ 2 với số tiền 55.542.256,73 USD.
Trong phần xét hỏi, một thành viên của HĐXX xác minh: “Có phải năm 2009, CLB này có lợi nhuận 68 triệu USD?” thì đại diện bị đơn đáp “không biết”.
|
Ngoài số tiền tranh chấp cực khủng, vụ kiện này còn nhiều chuyện “lạ” khác. Chưa có một phiên tòa dân sự nào mà số lượng nhà báo, người tham dự phiên tòa trong một phiên xử dân sự lại đông như thế. Có mặt ghi nhận ở phiên tòa có đến vài chục tờ báo. Ngoài các luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho các bên, phiên tòa còn thu hút nhiều luật sư đến dự khán. Không chỉ có đương sự, rất nhiều người ngoài cuộc cũng chờ phán quyết coi ai là người thắng kiện. Trong phiên tòa này, bị đơn còn vác cả máy chiếu đến tòa. Sau nhiều lần bị đơn thỉnh cầu, chủ tọa phiên tòa chấp nhận cho phía bị đơn được chiếu đoạn phim quay trong máy quay an ninh ở CLB để minh họa cho việc trình bày.
Trong phiên tòa, nguyên đơn khẳng định hơn 55 triệu USD nằm trong ô Credit là số tiền khách được hưởng và CLB phải trả. Còn CLB nói rằng máy bị sự cố nên mọi kết quả đều bị hủy. Khi được tòa thẩm vấn, cô Trần Lan Anh (nhân viên CLB) giải thích rằng số tiền ở ô Credit là số tiền khách có trong máy đó và nói thêm trước đó máy số 13 (máy ông Ly Sam ngồi) có bị sự cố gì đó, ông Ly Sam dùng tay đập vào máy, sự việc xảy ra trong tích tắc khoảng mấy chục giây thì máy lại hoạt động bình thường.
Đại diện của ông Ly Sam khẳng định máy không bị sự cố gì, máy có nút “take win” để lấy tiền từ ô Win sang ô Credit. Bằng chứng là khi ông báo số tiền trúng thưởng, CLB đã gọi nhân viên kỹ thuật đến kiểm tra, nhân viên này nói “no problem” (tức là không có gì) chính vì vậy ở đây hứa trả thưởng trong vòng 3 ngày và không hề lập biên bản máy bị sự cố. Khi ông chơi thì máy được cắm điện, màn hình bật sáng, nhận tiền ông nạp vào và không có thông báo nào trước đó rằng máy bị sự cố.
Theo luật sư Cao Minh Triết (Đoàn luật sư Tiền Giang), bộ luật Dân sự quy định khi khách tham gia dịch vụ giải trí trên máy trò chơi điện tử có thưởng, giữa khách hàng và đơn vị kinh doanh dịch vụ đã hình thành một thỏa thuận, giao dịch dân sự. Lúc khách hàng bỏ đồng xu (thường gọi là đồng xèng) vào máy, máy nhận tiền và không có thông báo cấm chơi của chủ máy thì coi như giao dịch dân sự được ký kết. Người chơi và máy khi đã ký kết giao dịch với nhau là phải chấp nhận rủi ro, chấp nhận mọi kết quả thắng thua. Nếu may mắn sẽ được trúng thưởng, còn không may mắn thì bị mất tiền. Chính vì vậy, nếu máy báo trúng thưởng, khách hàng được quyền lấy khoản thưởng đúng như máy đã thông báo. “Liệu có công bằng không khi khách bị thua không ai báo do sự cố trả tiền mà khi khách hàng thắng thì từ chối kết quả, bảo bị lỗi. Khách hàng không có nghĩa vụ và không buộc phải biết máy trò chơi bị hư hỏng nếu như không có thông báo trước của chủ máy. Nếu máy bị sự cố kỹ thuật thì chủ máy phải chịu”, luật sư Triết nói.
Cũng có quan điểm cho rằng, nếu máy móc “có vấn đề”, gặp sự cố hoặc thông báo không đúng tỷ lệ trả thưởng đã được đăng ký, chủ máy phải có nghĩa vụ chứng minh. Nhưng tỷ lệ trả thưởng tối đa cũng phải được thông báo trong nội quy, quy chế CLB và trên máy để đảm bảo khách hàng phải biết trước khi chơi.
Ở góc độ khác, luật sư Phạm Văn Minh (Đoàn luật sư TP.HCM) nói: “Việc kết luận máy bị hư phải có kết luận của cơ quan có chức năng giám định độc lập do tòa chỉ định. Trong trường hợp này, việc giám định do chủ máy tự giám định thì không đảm bảo tính khách quan, bo máy đã tháo ra khỏi máy thì không thể giám định lại được. Nên việc kết luận máy bị sự cố hay không rất nan giải”.
Một lãnh đạo TAND TP.HCM cho biết theo pháp lệnh Án phí, lệ phí tòa án (ngày 27/2/2009) quy định mức án phí sơ thẩm đối với các vụ án về tranh chấp dân sự có giá ngạch như sau:
Cụ thể, trong trường hợp này, số tiền tranh chấp 55,5 triệu USD tương đương 1.154 tỉ đồng (tỉ giá hiện nay), vậy số tiền án phí tương đương 1,262 tỉ đồng.
Trao đổi với báo chí chiều 29/12, luật sư Trần Xoa (bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn) cho biết: “Nguyên đơn đã nộp tạm ứng án phí trên 500 triệu đồng để theo đuổi vụ kiện này”. Nếu bên nguyên đơn thắng kiện sẽ được nhận lại số tiền tạm ứng; nếu thua kiện sẽ phải nộp thêm số án phí còn thiếu. Nếu bị đơn thua kiện sẽ phải nộp toàn bộ án phí.
“Trong trường hợp hai bên hòa giải thành tại tòa (theo động viên của HĐXX, nguyên đơn có lúc chịu giảm, chỉ đòi 30 triệu USD) thì chia đôi án phí cho 2 bên”, một thẩm phán TAND TP.HCM nói.
Ý kiến bạn đọc