Công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư

08:35, 31/12/2012
|

(VnMedia)- Từ ngày 01/7/2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư sẽ có hiệu lực với nhiều điểm mới để hoạt động luật sư thoát khỏi những bó buộc và “rộng đường” phát triển đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Tăng thời gian đào tạo, rút thời gian tập sự

Trước đây, thời gian đào tạo nghề luật sư là 6 tháng và thời gian tập sự hành nghề  luật sư là 18 tháng. Sự “bất cân đối” này xuất phát từ quan điểm “đây là học nghề nên cần có nhiều thời gian thực hành”. Song quy định đào tạo nghề luật sư ngắn hơn đào tạo các chức danh thẩm phán, kiểm sát viên còn lại 6 tháng sẽ dẫn đến độ “vênh” khi khớp nối các chương trình đào tạo theo định hướng đào tạo chung 3 chức danh luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên, phục vụ cho công cuộc cải cách tư pháp.

Hơn nữa, học nghề là phải có sự phối hợp giữa học lý thuyết tại cơ sở đào tạo và thực hành nghề nghiệp, nên việc thay đổi thời gian đào tạo và tập sự hành nghề luật sư nhằm tạo sự cân bằng giữa hai hoạt động này. Người đã gia nhập Đoàn luật sư phải làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư, hành nghề theo tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức hoặc thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương nơi Đoàn luật sư có trụ sở.

Đồng thời, để tăng cường hiệu quả quản lý luật sư, Điều 49 Luật Luật sư được sửa đổi quy định luật sư hành nghề với tư cách cá nhân là luật sư làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức không phải là tổ chức hành nghề luật sư và chỉ được cung cấp dịch vụ pháp lý cho cơ quan, tổ chức mình đã ký hợp đồng lao động. Vì thế trong 2 năm, kể từ ngày 01/7/2013, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân phải chuyển đổi sang hành nghề dưới hình thức thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư hoặc làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức.

Không để chứng chỉ hành nghề và thẻ luật sư… nằm im

Thực tế cho thấy, dù mỗi năm Học viện tư pháp đào tạo kỹ năng hành nghề luật sư cho hàng nghìn người nhưng chỉ một phần trong số đó theo đuổi con đường làm luật sư, còn lại để chứng chỉ và thẻ luật sư “nằm im trong ngăn tủ” để làm những công việc khác. Nhiều trường hợp thẻ luật sư được coi như một “món đồ trang sức” hay “bùa hộ mệnh”, chứ người có thẻ không hề tham gia hành nghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, tổ chức liên quan ngày đêm “lao tâm khổ tứ” để tăng số lượng đội ngũ luật sư nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 18.000 đến 20.000 luật sư. Đây là một hạn chế cần phải khắc phục để hiệu quả của công tác đào tạo luật sư phục vụ được yêu cầu xã hội.

Vì thế, Điều 18 Luật Luật sư được sửa đổi, bổ sung quy định các trường hợp bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, trong đó, nếu không gia nhập một Đoàn luật sư nào trong thời hạn hai năm kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư; không thành lập, tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động cho một tổ chức hành nghề luật sư hoặc đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân trong thời hạn ba năm, kể từ ngày gia nhập Đoàn luật sư…

Đồng thời, Khoản 5 Điều 20 cũng quy định, trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày được cấp Thẻ luật sư, luật sư không làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư, hành nghề theo tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức hoặc thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương nơi Đoàn luật sư có trụ sở hoặc luật sư không hành nghề trong thời hạn 5 năm liên tục sau khi được cấp Thẻ luật sư sẽ bị xóa tên ra khỏi danh sách Luật sư và bị thu hồi Thẻ luật sư.

Cấm cản trở hoạt động hành nghề của luật sư

Một trong những vấn đề khiến luật sư kêu nhiều là bị cản trở dưới nhiều hình thức khi hành nghề. Có những cản trở công khai như không cho hoặc trì hoãn cho luật sư tiếp xúc hồ sơ, tài liệu, bị can, bị cáo, chậm cấp giấy chứng nhận bào chữa không lý do, không cho luật sư hỏi bị can, bị cáo khi điều tra viên hỏi cung, … đến những cản trở “âm thầm”, tế nhị mà chỉ “người trong cuộc mới hiểu nhau” khiến nhiều luật sư bức xúc.

Thực tế đó không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động nghề của luật sư mà ở góc độ bảo vệ công lý, cản trở hoạt động của luật sư cũng là cản trở công lý được làm sáng tỏ. Vì thế, cùng với những quy định về các hành vi nghiêm cấm luật sư thực hiện, Khoản 2 Điều 9 Luật Luật sư được sửa đổi, bổ sung có quy định “nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của luật sư”.

Tuy nhiên, để quy định này đi vào thực tiễn thì cần được hướng dẫn và quy định chế tài cụ thể bởi trước đến nay, nhiều hành vi cản trở hoạt động hành nghề luật sư vẫn được thực hiện dưới hình thức không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của luật sư. Và vì không mấy ai phải chịu mức kỷ luật có đủ tính răn đe nên những cản trở kiểu như vậy vẫn diễn ra khiến giới luật sư chỉ biết “kêu với nhau” và chờ ngày… sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan.

Điều 27 Luật Luật sư cũng sửa đổi với quy định cụ thể các giấy tờ cần thiết mà luật sư phải xuất trình khi đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa là thẻ luật sư và giấy yêu cầu luật sư của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc của người khác; hoặc văn bản cử luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề; hoặc văn bản phân công của Đoàn luật sư đối với luật sư hành nghề với tư cách cá nhân trong trường hợp tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc thực hiện trợ giúp pháp lý.

Như vậy, ngoài thẻ luật sư, luật sư chỉ phải xuất trình thêm một trong số các loại giấy tờ đã quy định. Thực hiện đúng quy định này, việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa của các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ được thực hiện đúng thời hạn quy định là 3 ngày hoặc 24 giờ đối với trường hợp tạm giữ, để người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được gặp luật sư sớm nhất, không để họ phải “bơ vơ” trong tình trạng không có sự trợ giúp về pháp lý khi vướng vào vòng lao lý.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư cũng quy định về các hình thức tổ chức hành nghề luật sư, hoạt động của luật sư nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam, đoàn luật sư, nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn luật sư Việt Nam…


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc