(VnMedia)- Khi tiêm mũi thứ hai y sỹ không tiến hành thử thuốc, lại tiêm quá nhanh, chị Ngọc đã có phản ứng kháng thuốc nên dùng tay xua ra hiệu cho y sỹ dừng tiêm, nhưng y sỹ không dừng... Lúc y sỹ rút kim tiêm miệng chị Ngọc đã há hốc.
Anh Trương Danh Tưởng trong buổi làm việc với phóng viên. |
Tôi về thôn Bái Hà Xuân xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa vào buổi buổi chiều muộn ngày 8/11 khi mọi người trong gia đình anh Trương Danh Tưởng đang làm đám ba ngày cho chị Mai Thị Ngọc (47 tuổi) người phụ nữ xấu số.
Ngôi nhà cấp 4 nằm khiêm tốn bên những hàng tre già nua. Mọi người đến chia buồn cùng gia đình anh Tưởng, thắp nén nhang tưởng nhớ đến người đã khuất.
Hai cháu Trương Thị Thanh Vân ( 20 tuổi) và Trương Danh Minh (12 tuổi) ngồi buồn bên di ảnh của mẹ buồn bã nhìn về nơi xa xăm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chị Ngọc trước kia có tiền sử bệnh Huyết áp cao, nhưng đã chữa khỏi, sức khoẻ trở lại bình thường. Cách đây không lâu chị có biểu hiện bệnh cũ tái phát thường hay chóng mặt, đau đầu, gia đình đưa chị đi khám ở trung tâm y tế xã Xuân Lộc. Nhưng do huyết áp chị ngày một tăng, ngày 30/10/2012 gia đình buộc phải đưa chị đi điều trị ở bệnh viện Đa Khoa Huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hoá. Sau khi khám bệnh, chị Dương Thị Ngọc được đưa về điều trị tại phòng 203 khoa Nội do bác sỹ Nguyễn Việt Hưng làm trưởng khoa.
Chiều thứ 6 ngày 02/11 do là ngày cuối tuần nên Bệnh Viện phát một loạt thốc điều trị cho các ngày thứ 7, chủ nhật, thứ 2 ( họp giao ban) trong đó có hai loại thuốc tiêm: PIRACETAM (bổ não) và CEFOFAST (kháng sinh). Thấy trong người khoẻ mạnh chị Ngọc xin phép bệnh viện cho về nhà điều trị ngoại trú cho tiện.
Khi về nhà gia đình đã đưa chị Ngọc đi tiêm thuốc ở trạm y tế xã Xuân Lộc. Hôm đầu chị Ngọc hoàn toàn bình thường, hôm sau chị có biểu hiện kháng thuốc, bị co giật, khó thở, nổi mề đay khắp người. Các bác sỹ ở trạm đã nói “vợ anh bị kháng thuốc gây phản ứng phụ với CEFOFAST”.
Sáng 05/11 anh Tưởng chở chị Ngọc lên Bệnh viện huyện, gặp bác sỹ Hưng, và có thông báo về việc vợ mình bị kháng thuốc với CEFOFAST. Lúc đó, bác sỹ Hưng đã chỉ đạo y tá “bệnh nhân Mai Thị Ngọc dừng tiêm thuốc, chuyển sang tiêm ATP (trợ tim)”.
Sau khi tiêm ATP và PIRACETAM chị Ngọc ngủ thiếp được một giấc rồi tỉnh, thấy trong người bình thường chị xin phép bệnh viện cho anh Tưởng chở chị về nhà.
Lối xóm nhà chị Ngọc kể lại rằng: sau khi lên viện về chị Ngọc vẫn dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, chăm sóc gia súc, nói chung chị hoàn toàn khoẻ mạnh như một người bình thường.
Nỗi đau còn đó, trách nhiệm thuộc về ai?.
Sáng 06/11 anh Tưởng chở chị lên Bệnh viện rồi ra cơ quan làm việc. Giữa buổi làm việc anh nhận được điện thoại chị gọi “anh ơi bệnh viện xác nhận em đã khỏi bệnh rồi, chiều nay làm thủ tục xuất viện, huyết áp đã bình thường trở lại”.
Gần trưa anh gọi liên tục mà không thấy chị nghe máy, một lúc sau có một người nghe máy báo một tin “vợ anh chết rồi” làm anh rụng rời chân tay.
Việc chị Mai Thị Ngọc đột ngột ra đi sau khi được tiêm thuốc khiến gia đình rất bàng hoàng đau xót. |
Những bệnh nhân cùng phòng 203 với chị Ngọc đều kể lại rằng: Tiêm mũi thứ nhất chị Ngọc bình thường, sang mũi tiêm thứ hai y sỹ không tiến hành thử thuốc trước khi tiêm, lại tiêm thuốc quá nhanh, chị Ngọc đã có phản ứng kháng thuốc nên dùng tay xua ra hiệu cho y sỹ dừng tiêm, nhưng y sỹ không dừng tiêm, mà cũng không nhìn biểu hiện nét mặt của chị Ngọc, hết nửa ống tiêm chị Ngọc co giật, tím tái nằm vật ra giường, lúc y sỹ rút kim tiêm miệng chị Ngọc đã há hốc.
Khi anh Tưởng đến phòng cấp cứu không thấy có bác sỹ nào ở đó mà chỉ có 3 sinh viên thực tập đang đứng ra sức bóp bóng thở ôxy, anh đi tìm bác sỹ nhưng chẳng thấy ai, lúc sau quay lại phòng cấp cứu 2 sinh viên đã đi đâu không có mặt, còn lại một sinh viên.
Theo anh Tưởng ngay sau khi sự việc xảy ra, anh đã hỏi bác sỹ Hưng “liệu có lỗi do tiêm thuốc nên dẫn đến sốc thuốc”?. Ông Hưng trả lời “có tỉ lệ phản ứng cho phép nên dẫn đến cái chết, nên chúng tôi không chịu trách nhiệm”.
Được biết, ngay trong chiều 6/11, các bác sỹ pháp y đã tiến hành khám nghiệm tử thi làm rõ cái chết cho chị Ngọc, chiều tối xác chị Ngọc được bệnh viện “ưu tiên” đưa về bằng một chiếc xích lô.
Trong đám tang chị Ngọc chỉ có một Bác sỹ xuống viếng, không thấy đại diện gia đình y sỹ tiêm thuốc gây ra phản ứng cho chị Ngọc. Phía bệnh viện cũng không đả động gì đến việc hỗ trợ phần nào để lo hậu sự cho chị Ngọc.
Ngay sau khi sự việc xảy ra cơ quan công an huyện Hậu Lộc do Thượng Tá Nguyễn Đình Ngoạn chỉ đạo đã có mặt tiến hành công tác điều tra làm rõ sự việc. Có điều, khi cơ quan điều tra yêu cầu bác sỹ Hưng cho niêm phong hồ sơ bệnh án, ông Hưng có nhiều biểu hiện không hợp tác!
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc.
Ý kiến bạn đọc