(VnMedia) - Mặc dù quy định chung buộc phải sang tên đổi chủ khi mua bán chuyển nhượng xe, nhưng một số trường hợp sẽ không bị phạt ngay cả khi không sang tên đổi chủ.
Đại tá Đào Vịnh Thắng tại buổi giao lưu sáng 22/11. Ảnh: T.D |
Khi Nghị định 71 có hiệu lực thi hành, do thiếu sự hướng dẫn thông tin nên nhiều người dân hiểu lầm, cho rằng ra đường không phải xe chính chủ sẽ bị phạt. Để làm rõ về những hiểu lầm này, sáng 22/11, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ- Đường sắt, Công an TP. Hà Nội đã trả lời nhiều thắc mắc của người dân xung quanh Nghị định này.
Ra đường không phải mang theo giấy đăng ký kết hôn, hộ khẩu
Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, Điều 58 Luật Giao thông đường bộ quy định người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông phải có Giấy Đăng ký xe, giấy phép lái xe (GPLX) phù hợp với loại xe được phép điều khiển, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, nếu là ô tô phải có giấy chứng nhận kiểm định an toàn khí thải và bảo vệ môi trường, chứ không phải mang theo giấy đang ký kết hôn, hộ khẩu, hợp đồng mượn xe…
Cũng theo đại tá Thắng, việc xử phạt hành vi vi phạm không sang tên chuyển chủ không theo quy định là xử phạt người mua, chứ không phải người bán. Trong thông tư 36 đã quy định rõ cả người bán và người mua trong 10 ngày đầu phải ra các cơ quan chức năng để thực hiện và thông báo việc sang tên chuyển chủ này.
Đối với trường hợp là người ngoại tỉnh, có nhờ người khác đứng tên phương tiện liệu có bị phạt? Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết, mọi người dân tại các địa phương về Hà Nội học tập, công tác, làm việc thăm quan, mua sắm trên địa bàn thủ đô, có nhờ người nhà đăng ký cho một xe để lưu hành là việc làm hợp pháp, đúng quy định của pháp luật. Nếu đi trên đường không vi phạm giao thông thì cũng không bị xử lý. Nếu vi phạm luật lệ giao thông thì cũng chỉ bị phạt vì hành vi đó chứ không bị xử lý vì không sang tên chuyển chủ dù tên của giấy tờ và người sử dụng không trùng nhau. Mọi người vẫn có thể nhờ người thân đứng tên hộ.
“Nhưng để thực hiện đúng các quy định của pháp luật thì cũng nên sang tên chuyển chủ để hợp thức tài sản của mình, tránh rủi ro hoặc gặp các sự cố không mong muốn khác như gây tai nạn giao thông… Nếu không làm đúng quy định, khi có sự cố xảy ra, sẽ mất thời gian và ảnh hưởng đến công tác điều tra của cơ quan chức năng”, đại tá Thắng nói.
Chưa xử phạt trên đường
Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, việc xử phạt không sang tên đổi chủ không phải là việc mới mẻ mà vẫn được thực hiện trong thời gian vừa qua. Thay đổi cơ bản ở đây (Nghị định 71) chỉ là tăng mức xử phạt. Mức phạt với xe máy 100 đến 200 nghìn đồng và xử lý phạt của ô tô là 1 triệu đến 2 triệu đồng.
Sau khi Nghị định 34 có hiệu lực và Thông tư 36 của Bộ Công an đã hướng dẫn chi tiết, Công an Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền hướng dẫn tại các điểm đăng ký xe của 29 quận huyện về sang tên chuyển chủ.
Theo đó, trong 11 tháng của năm 2012 lực lượng công an TP. Hà Nội đã xử lý 650 trường hợp không sang tên chuyển chủ với số tiền phạt khoảng 97 triệu đồng với các trường hợp mua xe ô tô theo nghị định 34 của Chính phủ và nghị định 36/2010 Chương I điều 6. Luật và các văn bản dưới luật đã có quy định rất rõ khi người mua bán sang tên đổi chủ trong 10 ngày phải trực tiếp thông báo cho cơ quan chức năng hoặc chuyển thông điệp qua đường bưu điện. Sau 30 ngày phải làm thủ tục sang tên chuyển chủ và nếu không thực hiện sau 30 ngày sẽ xử phạt theo nghị định 34 của chính phủ.
Vị Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ- đường sắt công an Hà Nội cũng cho biết, người dân có vấn đề vướng mắc về sang tên chuyển chủ bộ phận tiếp dân của Phòng sẽ trả lời. Khi công dân đến đăng ký và sang tên chuyển chủ mà giấy tờ không đầy đủ thì cán bộ tiếp dân có trách nhiệm viết vào phần sau của hồ sơ các hướng dẫn. Thời gian trả kết quả trong vòng 2 ngày.
Để giúp người dân làm thủ tục sang tên đổi chủ nhanh gọn, Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết, Nghị định 71 có hiệu lực từ ngày 10/11 và khi lực lượng CSGT đã có tuyên truyền hướng dẫn thì sau hơn 1 tuần thì lưu lượng làm thủ tục này đã tăng lên. Cụ thể là 1073 trường hợp đã sang tên chuyển chủ ô tô và trong đó đã xử phạt 13 trường hợp. Riêng đối với mô tô xe máy thì gần 500 trường hợp làm thủ tục và cũng đã xử lý tới 36 trường hợp. Thủ tục sang tên chuyển chủ đã tăng lên rất nhiều và chúng tôi cũng đang tiếp tục tổ chức hướng dẫn tuyên truyền công khai về thủ tục này tại các trụ sở cũng như tăng cường trụ sở tiếp dân để có bộ phận kiểm tra và hướng dẫn. Cho nên người dân có thể gọi điện đến bất kỳ cơ sở nào cũng sẽ được trả lời về thủ tục này. Ví dụ tại 86 Lý Thường Kiệt số điện thoại là 0912286682.
Xe đi mượn, mua qua nhiều người cũng không bị phạt về sang tên chính chủ
Trả thời thắc mắc của bạn đọc về việc nếu trong một gia đình tất cả các phương tiện đều mang tên một người nhưng cả gia đình sử dụng, khi ra ngoài vi phạm hoặc kiểm tra bình thường hoặc phát hiện không phải xe chính chủ liệu có bị xử phạt hay không?
Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết: Điều 58 Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ người điều khiển phương tiện phải có GPLX, đăng ký xe và ô tô phải có sổ kiểm định và sổ bảo hiểm. “Tôi cho rằng trong một gia đình có thể cho nhau mượn xe giữa các cá nhân nhưng người được mượn phải là người có đủ tuổi và có giấy phép lái xe hợp lệ theo quy định và người cho mượn phải đưa cả đăng ký xe của phương tiện. Khi đi trên đường CSGT chỉ lập biên bản về lỗi vi phạm chứ không xử phạt về sang tên chuyển chủ. Dĩ nhiên trong quá trình lưu thông có những vi phạm nghiêm trọng như gây tai nạn, chở hàng cấm… thì đương nhiên chúng tôi phải tạm giữ theo pháp luật và lúc đó chắc chắn chủ phương tiện cũng được mời lên để giải quyết” đại tá nói.
Tuy nhiên Đại tá Đào Vịnh Thắng cũng nhấn mạnh, Nghị định 71/2012/NĐ-CP ngày 19/9/2012 là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. “Với người thân trong gia đình, bạn bè, tôi đều khuyên nếu có ô tô mua bán chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ theo quy định thì đến Phòng CSGT làm thủ tục sang tên chuyển chủ. Đối với mô tô thì đến Đội CSGT; Đội CSGT TT-PƯN Công an 29 quận, huyện, thị xã để làm thủ tục sang tên chuyển chủ vừa đảm bảo về quyền lợi hợp pháp, quyền sở hữu tài sản của mình, góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước và chấp hành đúng các quy định của pháp luật”.
Đối với những trường hợp khác có thể lách luật như công chứng uỷ quyền…Đại tá Đào Vịnh Thắng cho rằng, Luật dân sự đã quy định rõ việc công chứng hoàn toàn đúng luật nên người được sử dụng phương tiện do uỷ quyền đúng pháp luật. Trường hợp này nếu không vi phạm luật Giao thông đường bộ thì không bị xử phạt còn nếu vi phạm thì sẽ xử phạt các hành vi vi phạm chứ không phạt về chuyện "uỷ quyền công chứng".
Liên quan đến việc làm sang tên chính chủ cho một phương tiện được mua lại qua tay nhiều người Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết Thông tư 36 quy định rất rõ tại điều 20 về giải quyết một số trường hợp vướng mắc như qua nhiều chủ hoặc nhiều năm chưa sang tên đổi chủ. Đối với trường hợp này, chỉ cần người chủ cuối cùng đứng ra bán và có giấy tờ hợp lệ thì chúng tôi sẽ làm thủ tục sang tên chuyển chủ.
“Trường hợp không tìm được người cuối cùng chúng tôi sẽ tổng hợp để báo cáo lại để có những điều chỉnh làm thế nào để thuận lợi nhất cho người dân và đặc biệt là phải đảm bảo xe sang tên chuyển chủ không nằm trong tang vật vụ án, không đục số khung số máy… Chúng tôi sẽ tham mưu để bổ sung cho thông tư 36 nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân. Một số trường hợp chính chủ đã mất thì phải dựa vào quyền thừa kế do người có quyền thừa kế đứng ra làm thủ tục. Việc tăng cường công tác quản lý nhà nước cần thống nhất với đảm bảo quyền sở hữu của người dân”.
Ý kiến bạn đọc