Hành vi phạm tội mới: Thói thờ ơ!

12:16, 06/11/2012
|

(VnMedia)- Khi phân tích về nguyên nhân dẫn đến tội phạm, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, một bộ phận cán bộ công quyền còn thờ ơ, vô cảm với các hiện tượng tội phạm, vi phạm pháp luật, tham nhũng... Đây cũng chính là hành vi vi phạm pháp luật nguy hại...

 Ảnh minh họa

 Toàn cảnh Hội trường Quốc hội Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIII.



Hành vi vi phạm ít được “để ý”
 
Theo đại biểu Đỗ Thị Hoàng – đoàn Quảng Ninh, một số hành vi vi phạm pháp luật có vẻ như không đặc biệt nghiêm trọng để thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận hay giấy mực của báo chí, nhưng lại đặc biệt nguy hại, nó len lỏi trong mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, mỗi trường học, ngoài xã hội, chốn thương trường...
 
Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta dễ dàng gặp những câu chuyện cho thấy đang tồn tại một tâm lý thờ ơ giữa con người với nhau trong cuộc sống.
 
Đó là tình trạng một số nông dân, tư thương vô tư sử dụng hóa chất độc hại để rút ngắn thời gian sinh trưởng của vật nuôi, cây trồng và bảo quản, chế biến thực phẩm, hàng hóa bất chấp tác hại;
 
Mẹ con sản phụ chết trên bàn mổ, chết vì sự tắc trách của các y bác sỹ trong kíp trực. Không biết từ khi nào “văn hóa phong bì” trong mọi giao tiếp xã hội từ khâu cấp cứu, điều trị bệnh nhân trong một số bệnh viện đã mặc nhiên tồn tại. Điều này đã làm mờ đi hình ảnh "Lương y như từ mẫu"...
 
Khi bài văn “canh gà Thọ Xương” gây xôn xao trong dư luận, một lần nữa người ta lại chợt giật mình về chất lượng giảng dạy tại nhà trường (mặc dù trong trường hợp này, khi rõ nội tình của câu chuyện chúng ta cũng có phần chia sẻ với giáo viên- NV). Đâu đó, không chỉ là mơ hồ, tình trạng chạy theo thành tích trong nhà trường, nhẹ thì vô tình dạy cho học sinh quay cóp, dối trá gian lận trong thi cử, nặng hơn trở thành căn nguyên hình thành kỹ năng sống khi vào đời cũng đã ngang nhiên tồn tại.

Đáng nói là người ta đang không chỉ thờ ơ với nhau trong cuộc sống, mà trong cách giải quyết sự việc của một số cơ quan công quyền cũng đang có hiện tượng thờ ơ!.
 
“Đó là thái độ thờ ơ của một bộ phận cán bộ, công chức trước những đề xuất kiến nghị của nhân dân, nhất là trong vấn đề về đất đai, tài nguyên, môi trường, chính sách xã hội. Là tạo lập chứng từ để quyết toán những khoản chi mà nếu thực hiện theo đúng cơ chế, chính sách thì không cân đối nổi dẫn đến tình trạng nuôi dưỡng tham nhũng, đánh đồng tốt với xấu. Là lợi ích nhóm trong việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để giao thầu, chỉ định thầu bất chấp chất lượng thiết bị, giá cả, công nghệ và chất lượng công trình”, đại biểu Đỗ Thị Hoàng nêu.

Theo bà, những hành vi đó hiển hiện hàng ngày, hàng giờ quanh ta, góp phần tạo nên tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, Đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp mà Nghị quyết Trung ương 4 đã đề cập.
 
Bà cũng cho rằng, đây không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ và các cơ quan chức năng trong lĩnh vực tư pháp, mà còn là trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cán bộ, mỗi Đảng viên, mỗi cơ quan, mỗi đơn vị và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

“Tôi đề nghị phát huy trách nhiệm hiệu quả của sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Nay trước yêu cầu mới cần thiết phải rà soát lại, nghiên cứu lại, sắp xếp lại những quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế, mối quan hệ cơ chế phối hợp, cơ chế giám sát, phản biện xã hội để cụ thể, để phù hợp tình hình mới. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục theo nguyên tắc tích cực hóa tất cả những gì còn hạn chế cả trong gia đình, ngoài xã hội trên phương tiện thông tin đại chúng. Phát huy vai trò của Hội đồng nhân dân các cấp, các tổ chức thanh tra, kiểm tra. Quốc hội cần thể chế hóa các quy định của pháp luật, không chỉ để xử phạt các sai phạm mà có cả các chế tài mang tính ngăn ngừa, răn đe. Bổ sung các chế tài xử lý theo cách công khai danh tính, hình ảnh, tạo dư luận xã hội đối với các sai phạm chưa đến mức xử lý hình sự và cấm hành nghề vĩnh viễn nếu tái phạm đối với những sai phạm có liên quan".
 
Sự vô cảm của cán bộ công quyền
 
Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Hội – đoàn Nghệ An về nguyên nhân của tội phạm có rất nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan nhưng có những nguyên nhân trực tiếp. Đó là một bộ phận cán bộ công quyền của hệ thống chính trị của chúng ta còn thờ ơ, vô cảm với các hiện tượng tội phạm, vi phạm pháp luật, tham nhũng v.v...
 
Đại biểu Trần Thị Dung – đoàn Điện Biên cũng nêu ý kiến: cán bộ là gốc của mọi công việc, cán bộ chính là con người và tất cả các yếu kém tồn tại cũng chính là từ con người. Vì thế, “yêu cầu không chỉ của đại biểu Quốc hội mà là sự đòi hỏi là mong muốn, là quyền của nhân dân về một đội ngũ cán bộ bảo vệ pháp luật, có đầy đủ năng lực, phẩm chất đạo đức như Bao công là hoàn toàn chính đáng”.
 
"Chúng ta đang phung phí lòng tin của nhân dân"
 
Theo đại biểu Lê Việt Trường – Đoàn An Giang, nguyên nhân sâu xa của những vấn đề nổi cộm xảy ra trong thời gian qua, bên cạnh lãng phí về vật chất với nhiều mức độ khác nhau chúng ta đang phung phí lòng tin của nhân dân.
 
Xói mòn lòng tin của nhân dân biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, theo Đại biểu Lê Việt Trường, đó là: khiếu kiện tố cáo vượt cấp tăng vì thiếu lòng tin ở việc giải quyết ở cấp dưới, không dám tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tố cáo tham nhũng, bởi thiếu lòng tin vào sự bảo vệ. Thấy người thi hành công vụ xử lý một người thì nhiều người khác xung quanh tuy không có liên quan nhưng sẵn sàng tham gia bênh vực người bị xử lý, mặc dù chưa biết đúng sai đó cũng vì không tin vào người thi hành công vụ. Chạy chức, chạy quyền, chạy trường, chạy lớp vì sợ cứ để tự nhiên e rằng không đến lượt là một biểu hiện thiếu lòng tin. Anh em, cha con đánh nhau vì phân chia tài sản, cũng vì thiếu lòng tin sợ được nhiều, được ít...
 
Đại biểu Lê Việt Trường cho rằng: Tội phạm liên quan đến chức vụ tham nhũng, hối lộ mà được hưởng án treo thường sẽ xuất hiện sự bán tín, bán nghi và rồi cũng dẫn đến thiếu lòng tin. Học sinh tự vẫn chỉ vì đánh mất 500.000đ quỹ lớp hoặc cắt tay để phản đối cách dạy của thầy cô cũng là phản ứng của người thiếu lòng tin. Đòi nợ bằng luật rừng thay vì luật nhà nước cũng là vì không còn lòng tin ở cán cân công lý. Những khoản vật chất lớn bị thất thoát trong một số vụ án đúng là "của đau con xót" nhưng nếu xác định rõ nguyên nhân và điều quan trọng là kiên quyết khắc phục thì chúng ta sẽ lấy lại được. Nhưng còn lòng tin của nhân dân nếu để mất thì sẽ khó có thể lấy lại được.
 
"Giải pháp của mọi giải pháp lúc này là phải bồi đắp tăng cường củng cố lòng tin của nhân dân". Đề nghị này của đại biểu Lê Việt Trường có thể sẽ còn nhiều ý kiến trao đổi, nhưng chắc chắn rằng việc tăng cường, củng cố lòng tin trong nhân dân phải là một quá trình thường xuyên và là một trong những giải pháp quan trọng nhất để đất nước phát triển bền vững.


Thanh Hường

Ý kiến bạn đọc