(VnMedia)- Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt, cảnh sát giao thông muốn hoá trang phải báo cáo với tổ công tác và phải được cấp trên đồng ý, chứ không phải thích là hoá trang.
|
Từ ngày 22/11/2012, Thông tư 65 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát giao thông đường bộ thay cho thông tư 27/2009 có hiệu lực. Theo thông tư mới, tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí cán bộ mặc thường phục để giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện đấu tranh ngăn chặn các vi phạm pháp luật trong địa bàn được phân công. Khi phát hiện vi phạm phải báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định. Bộ phận hóa trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong một tổ phải giữ khoảng cách thích hợp để luôn có sự phối hợp chặt chẽ.
Thông tư 65 nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp hóa trang trái quy định của pháp luật để sách nhiễu, phiền hà, gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Tuy nhiên, làm thế nào để tránh tiêu cực khi cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ bí mật này. Bởi, trên thực tế, CSGT mặc trang phục đi tuần còn có biểu hiện tiêu cực, khi mặc thường phục, hiện tượng tiêu cực càng dễ xảy ra. Về những thắc mắc này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt cho rằng, đúng là theo Thông tư 65 cảnh sát được hóa trang khi thực thi nhiệm vụ nhưng không được phép đi một mình mà phải có lực lượng công khai đi kèm.
Theo Thiếu tướng Tuyên, khi thực hiện việc hoá trang, tổ được giao nhiệm vụ phải có kế hoạch cụ thể trình cấp trên và phải được cấp thẩm quyền phê duyệt. Ông Tuyên cũng nhấn mạnh, không phải cứ nói hoá trang là cứ thế mà làm, mà phải có kế hoạch, được phê duyệt và có sự giám sát của nhân dân, những người tham gia giao thông khi thực hiện công việc của mình.
“Trách nhiệm của cảnh sát hoá trang là phát hiện tội phạm. Khi phát hiện tội phạm thì phải báo cho đồng đội của mình đang công khai hoạt động, đang mặc sắc phục để kiểm tra xử lý. Trong trường hợp đặc biệt cảnh sát hoá trang đó phải ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn tai nạn chết người thì phải có giấy tờ chứng minh để thực hiện nhiệm vụ của mình. Những cảnh sát hoá trang phải có trách nhiệm phối hợp nhịp nhàng với đồng đội công khai của mình”, vị Cục trưởng nói.
Liên quan đến việc liệu có quy định khoán phạt cho cảnh sát giao thông và tiền dưỡng liêm cho lực này, ông Tuyên cho biết, Bộ Công an không có văn bản nào quy định khoán mức tiền phạt. Việc tăng mức tiền xử phạt là giải pháp cấp bách được quy định tại Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2012 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT, việc này không phải là để làm giảm tiêu cực. Việc thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền phạt thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 sửa đổi, bổ sung năm 2008.
Bên cạnh đó, Thông tư 89 của Bộ Tài chính quy định tiền phạt thực hiện qua đảm bảo trật tự ATGT tại các địa phương chuyển hết cho địa phương. Thông tư này quy định rất rõ lực lượng Công an tỉnh thành phố đó được sử dụng 70% và bồi dưỡng cho các đồng chí trực tiếp làm nhiệm vụ với mức thấp nhất là 700 nghìn đồng, cao nhất là 1triệu 500 nghìn đồng. Số còn lại được sử dụng để mua phương tiện, xăng dầu, thiết bị khác để phục vụ trở lại cho công tác đảm bảo ATGT.
“Vì vậy, việc tăng mức phạt để tăng thu nhập cho CSGT là không có vì mức cao nhất đã được quy định là 1 triệu 500 ngàn đồng. Lực lượng CSGT hoan nghênh việc các địa phương hỗ trợ CSGT. Trong điều kiện hết sức khó khăn mà CSGT phải hứng chịu như thời tiết, ô nhiễm, chống người thi hành công vụ… và phải gắn với các tuyến đường là rất vất vả. Tôi ủng hộ việc có tăng thu nhập chính đáng để có thể thực hiện nhiệm vụ một cách tốt hơn. Còn các địa phương không có điều kiện thì cũng không bắt buộc làm việc đó”, ông Tuyên nói.
Trả lời về việc theo một điều tra xã hội học CSGT là một trong bốn đối tượng có nguy cơ về tham nhũng, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên cho rằng, vấn đề tiêu cực trong lực lượng CSGT không phải bây giờ mới đặt ra. Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Trần Đại Quang đã trả lời ý kiến của cử tri về vấn đề này tại diễn đàn Quốc hội.
“Nói đến CSGT, theo tôi, tiêu cực vẫn còn. Nhưng chỉ dừng lại ở tiêu cực chứ đặt vấn đề tham nhũng hay là trong số các nhóm đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao theo tôi cần có nghiên cứu thấu đáo hơn. Ngay tác giả báo cáo điều tra xã hội học này cũng cho rằng kết quả chỉ mang tính tham khảo không phản ánh thực tiễn”, ông nói.
Ý kiến bạn đọc