(VnMedia) - Nếu người dân không tự giác khi tham gia giao thông thì mục tiêu giảm số người chết, số vụ tai nạn và số người bị thương sẽ khó lòng thực hiện được. Bởi, vấn đề giao thông là chuyện của tất cả mọi người, chứ không phải chuyện riêng của ai đó, ngành nào đó...
Từ chuyện chết vì dừng xe khi đèn đỏ...
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về một số kết quả triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, theo Nghị quyết số 21/2011/QH13 ngày 26/11/2011 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIII trong 9 tháng năm 2012 và các giải pháp trọng tâm thực hiện trong năm 2013.
Vụ tai nạn xảy ra tại Hà Nam ngày 7/11/2012. |
Trong đó, đáng lưu ý đây là chủ đề của năm 2013. Trong báo cáo nhấn mạnh, năm 2013 tiếp tục duy trì kết quả của Năm ATGT và thực hiện Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ 2012. Chủ đề Năm ATGT 2013 là: “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”. Chỉ tiêu cơ bản là phấn đấu giảm 5% - 10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương so với năm 2012; Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giảm ùn tắc giao thông; phấn đấu giảm số vụ ùn tắc, điểm ùn tắc so với năm 2012.
Chỉ rất ít ngày sau khi chủ đề giao thông của năm tới được nhắc đến, ở Hà Nam đã xảy ra một vụ tai nạn chết người vô cùng đáng tiếc. Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 16h ngày 7/11, tại ngã tư quốc lộ 1A giao nhau với quốc lộ 21B và cầu Phủ Lý mới thuộc địa bàn xã Thanh Châu, thành phố Phủ Lý (Hà Nam).
Theo lời kể của các nhân chứng, vào thời gian trên, Đỗ Văn Ch. (SN 1984), trú tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình điều khiển chiếc xe máy mang BKS: 17M8 - 3421 khi đi đến đoạn trước đèn tín hiệu giao thông trên quốc lộ 1A giao nhau với QL21B thì dừng lại để chờ tín hiệu sang đường. Bất ngờ từ phía sau một chiếc xe tải mang BKS: 90C - 006.51 (chưa rõ danh tính lái xe) lao lên đâm thẳng vào phía sau chiếc xe máy rồi đẩy cả người và chiếc xe máy đi một đoạn hơn 5 mét. Hậu quả làm anh Ch. tử vong ngay tại chỗ, chiếc xe máy vỡ nát.
Nhưng đây không phải là vụ bị tai nạn chết người khi đứng chờ đèn đỏ đầu tiên.
Khoảng 12h50 ngày 25/10/2012, tại trụ đèn đỏ thuộc ngã ba Hầm Dầu trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn KV6, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn (Bình Định) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông làm 1 người chết và 4 người bị thương nặng.
Theo một số người dân tại hiện trường, thời điểm trên bốn xe máy và một chiếc xe đạp đi theo hướng Bắc - Nam đang đứng chờ đèn xanh, đèn đỏ tại ngã ba này thì bị một chiếc xe container chở dăm bạch đàn chạy cùng chiều từ phía sau lao đến tông vào.
Hậu quả: anh Nguyễn Hồng Ngọc (56 tuổi, ở KV6, phường Bùi Thị Xuân) chết tại chỗ. Chị Nguyễn Thị Yến (ở xã Phước Lộc), anh Lê Văn An (ở xã Phước An), chị Đào Thị Huệ (nhân viên trạm y tế thị trấn Diêu Trì, đều ở huyện Tuy Phước) và chị Lương Thị Hồng Minh (ở KV2, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) bị thương nặng.
Một vụ tai nạn thương tâm ngay tại điểm dừng chờ đèn đỏ tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet. |
Trước đó, vào khoảng 8h sáng 31/7/2012, tại ngã tư quốc lộ 46 đoạn qua xã Vân Diên, huyện Nam Đàn (Nghệ An), chị Nguyễn Thị Trà (18 tuổi), trú tại xóm Hồng Lĩnh, xã Vân Diên trong lúc chờ tín hiệu sang đường đã bị xe tải đâm từ phía sau khiến chị Trà tử vong tại chỗ...
Đáng nói, những vụ chết người thương tâm nói trên chỉ là một trong nhiều vụ tai nạn xảy ra gần đây. Theo báo cáo của ngành giao thông, trong 9 tháng đầu năm 2012, trong cả nước đã xảy ra 23.619 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.908 người, bị thương 25.002 người. So với 9 tháng năm 2011, giảm 9.360 vụ (-28,38%), giảm 1.502 người chết (-17,86%), giảm 10.634 người bị thương (-29,84%). Riêng TNGT đặc biệt nghiêm trọng: xảy ra 62 vụ, làm 209 người chết, bị thương 185 người. So với 9 tháng năm 2011 giảm 18 vụ (-22,5%), giảm 33 người chết (-13,6%), giảm 70 người bị thương (-27,4%).
Để có số liệu giảm cả ba mặt nói trên (số người chết, số vụ tai nạn, số thương vong), ngành giao thông đã phải triển khai nhiều biện pháp cấp bách như tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm về trật tự ATGT; nâng cao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT.
... nghĩ đến việc “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”
Với sự nỗ lực của toàn ngành và có sự đồng thuận của người dân, kết quả giao thông 9 tháng đầu năm 2012 về cơ bản đã thực hiện đạt và vượt mục tiêu giảm số vụ, số người chết và số người bị thương trong tai nạn giao thông so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Để thực hiện có hiệu quả hơn về bài toán giao thông, năm 2013 ngành giao thông đã đưa ra chủ đề là “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông".
Để đạt được mục tiêu như tiêu chí đề ra, Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, giải pháp thứ 6 về tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đã nêu khá rõ: Bổ sung nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật cho thanh tra giao thông và lực lượng cảnh sát làm công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát phát hiện, xử lý vi phạm;
Tập trung phát hiện và xử lý mạnh đối với các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông, gây ùn tắc giao thông như: vi phạm tốc độ; không đi đúng phần đường, làn đường; tránh vượt không đúng quy định; tụ tập đua xe; người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá quy định; điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe; chở quá tải, quá số người quy định; phương tiện không đảm bảo các điều kiện kỹ thuật, dừng đỗ trái quy định, xe chở khách đón trả khách trái quy định; phương tiện thủy nội địa không đăng ký, đăng kiểm, đò ngang không đủ phao, dụng cụ nổi cứu sinh; lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt, chiếm dụng lòng đường, hè phố kinh doanh trái phép...
Mặc dù trong toàn bộ 7 giải pháp trọng tâm không hề có một dòng nào ghi cụ thể về việc nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, nhưng với những nhiệm vụ mà các lực lượng tập trung hướng vào như trong giải pháp nói trên, rõ ràng nếu người tham gia giao thông không tự nâng cao ý thức thì sẽ chỉ tự biến mình thành người vi phạm mà thôi.
Khi xuất hiện những vụ tai nạn, những vụ đâm chết người vì những tình huống vô lý, thậm chí khó có thể xảy ra, khi thời gian ùn tắc trên đường của người lưu thông mỗi ngày một nhiều hơn... báo chí đã bắt đầu đề cập đến ý thức của người tham gia giao thông. Gần đây nhất, khi hình ảnh một ông Tây đứng điều khiển giao thông tại một đoạn đường ngược chiều ở Hà Nội, vấn đề tự giác khi tham gia giao thông của mỗi công dân càng được nhắc đến nhiều hơn.
Trong lĩnh vực giao thông, nhất là trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa tai nạn giao thông... nếu không có sự đồng thuận cùng chấp hành luật lệ, cùng có ý thức khi điều khiển phương tiện trên đường thì chỉ tiêu, mong muốn nào đó cũng rất khó lòng đạt được. Quay trở lại với câu chuyện những nạn nhân bất hạnh bị đâm chết khi đứng chờ đèn đỏ nói trên, nếu những lái xe tải đó có ý thức và trách nhiệm với chính bản thân mình, phương tiện của mình nhiều hơn chắc chắn điều đáng tiếc đã không xảy ra.
Có một môi trường giao thông an toàn không phải là việc của ai đó, của ngành nào đó, của một người nào đó... Đây là việc của tất cả mọi người. Nếu tự bản thân mỗi người không tự điều tiết được không gian trên đường của mình, thì giao thông, tai nạn giao thông còn là một câu chuyện dài không có hồi kết...
Ý kiến bạn đọc