Bất an với tình trạng chống người thi hành công vụ

21:15, 05/11/2012
|

(VnMedia)- Nhiều vụ chống thi hành công vụ đã gây xôn xao dư luận, đã gây tâm lý hoài nghi, lo lắng trong nhân dân. Trong khi Bộ luật Hình sự lại đang quy định mức phạt nói chung cho hành vi phạm tội này còn thấp, có hướng xử án treo.

>> Báo động tình trạng chống người thi hành công vụ 

Ảnh minh họa

Một đối tượng chống người thi hành công vụ gần đây. Ảnh: Internet.


Chống người thi hành công vụ: Ngày càng gia tăng

Khoảng 10h10 ngày 30/10, tại phố Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội), khi tổ CSGT -trật tự-phản ứng nhanh công an quận Thanh Xuân đang làm nhiệm vụ tại nhà số 328 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) thì phát hiện xe taxi hãng Ngân Hà biển kiểm soát 29A-41024 do đối tượng Nguyễn Văn Dũng (SN 1976, ở tổ 12B, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội) là lái xe dừng đỗ không đúng quy định.
 
Khi tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe, lái xe không những không chấp hành mà còn rồ ga phóng thẳng xe vào tổ công tác. Bất ngờ bị “tấn công”, hai trong ba đồng chí đã kịp thời tránh được, còn Trung tá Phùng Văn Nhãn, bị xe tông vào chân, phải đi khám thương tại bệnh viện 198. 
 
Trước đó, k
hoảng 7h sáng ngày 3/10, tại chốt tuần tra Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội cũng đã xảy ra một vụ chống người thi hành công vụ. Thời điểm trên, Thiếu úy Nguyễn Duy Tuấn và Đặng Hoàng Tân thuộc Đội Tuần tra dẫn đoàn (Phòng CSGT Công an Hà Nội), phát hiện 2 nam thanh niên điều khiển xe máy BKS 88K8-5317 vượt đèn đỏ.

Khi Thiếu úy Tuấn ra hiệu lệnh dừng xe phía trước, nam thanh niên cầm lái thay vì chấp hành, đã tăng ga lao như “điên” bỏ chạy, khiến chiếc xe tông vào vỉa của dải phân cách cứng giữa đường, sau đó văng vào xe CSGT. Thiếu úy Nguyễn Quang Tuấn không kịp tránh, bị hất văng ra đường nằm bất tỉnh. Còn nam thanh niên cầm lái may mắn không bị thương, nhưng người bạn đi cùng ngồi sau đã bị ngất.

Trước đó, vào lúc 21h ngày 02/10, Tổ tuần tra kiểm soát tuyến đường Nam Sông Hậu thuộc xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, phát hiện 4 đối tượng đi 2 xe máy đỗ giữa đường. Khi lực lượng tiến hành kiểm tra giấy tờ các đối tượng không chấp hành, dùng mũ bảo hiểm tấn công Tổ tuần tra làm 01 đồng chí CSCĐ bị thương.

Trên đây chỉ là một số vụ chống người thi hành công vụ diễn ra thời gian gần đây. Theo báo cáo về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm của Chính phủ trình bày tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, tình trạng chống người thi hành công vụ, nhất là chống lại lực lượng công an ngày càng gia tăng. 

Hiện đã xảy ra 922 vụ chống người thi hành công vụ, trong đó 673 vụ chống lại lực lượng công an. Hành vi chống đối ngày càng manh động, liều lĩnh. Thể hiện sự coi thường pháp luật và kỷ cương xã hội. Trong năm 2012 có 3 cán bộ, chiến sĩ công an đã hy sinh, có tới 244 cán bộ, chiến sĩ công an bị thương trong khi thi hành công vụ.

Nhiều vụ chống thi hành công vụ đã gây xôn xao dư luận, đã gây tâm lý hoài nghi, lo lắng trong nhân dân. Những tội phạm chống người thi hành công vụ cũng rất phức tạp. Nhẹ thì thể hiện ra hành vi không chấp hành những mệnh lệnh của người thi hành công vụ, cãi vã, chửi bới, lăng mạ. Vừa thì đánh lại, xô đẩy, giật quân hàm, thậm chí là tát lực lượng cảnh sát giao thông. Nặng thì bắt giữ người thi hành công vụ, đánh đập, đập phá tài sản, hủy hoại tài sản của cơ quan công lực, thậm chí còn dùng vũ khí, hung khí tấn công, gây thương vong cho lực lượng thi hành công vụ...

Một điều đáng lo lắng khác là, đối tượng vi phạm không chỉ là những thanh niên càn quấy mà còn có cả học sinh, sinh viên, thậm chí cả cán bộ, công chức của Nhà nước, cả những người lao động vốn rất hiền lành vì những lý do nhất định đã trở thành phạm tội chống người thi hành công vụ.

Cần xem lại thái độ của người thực thi nhiệm vụ

Theo đại biểu Nguyễn Anh Sơn - Đoàn Nam Định, việc các đối tượng chống người thi hành công vụ đã thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường trật tự kỷ cương, có những yếu tố đối đầu với chính quyền gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của những người thi hành công vụ. Loại tội phạm này còn nguy hiểm ở chỗ nó có thể chuyển thành những tội danh lớn hơn, phức tạp hơn. Ví dụ từ chỗ chống người thi hành công vụ thông thường chuyển thành giết người, thậm chí những người bất mãn, thế lực phản động bên ngoài lôi kéo, kích động, dẫn tới chống lại chính quyền. 

Theo phân tích của đại biểu Nguyễn Anh Sơn, về nguyên nhân và hướng khắc phục, cũng giống như một số tội phạm khác, tội chống người thi hành công vụ xuất phát từ một phần về sự thiếu hiểu biết pháp luật, về những nguyên nhân từ bức xúc nhất thời nảy sinh của người dân.

Thứ hai, có sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận thanh niên, đặc biệt là lớp trẻ ngày nay do không được đào tạo, không được giáo dục một cách thường xuyên trong nhà trường, trong gia đình, xã hội cho nên dẫn đến hành vi càn quấy coi thường kỷ cương pháp luật.

Trong khi đó pháp luật lại chưa có chế tài mạnh tay đối với trẻ vị thành niên phạm tội. "Trong Bộ luật Hình sự chúng ta quy định mức phạt nói chung còn thấp, có hướng xử án treo. Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, thiếu nhất quán, những văn bản sau ra đời mâu thuẫn với những văn bản trước cho nên khi thực hiện dẫn đến ảnh hưởng đến quyền lợi của người công dân và đặc biệt trong chính sách đền bù giải phóng mặt bằng có nhiều quy định bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, của nhà nước, chú ý đến quyền lợi doanh nghiệp nhà nước hơn người dân cho nên dẫn đến việc người dân bức xúc và có hành động bột phát trở thành người phạm tội chống người thi hành công vụ.

Bên cạnh đó, ở phía những người thực hiện có thái độ cứng nhắc, sự vô cảm của những người thi hành công vụ. Nếu những người thi hành công vụ hiểu được những nỗi đau, những bức xúc của người dân thì chắc sẽ có những hành động phù hợp hơn, thích hợp hơn để hạn chế những phản ứng tức thời có thể dẫn đến hành vi tội phạm của người dân trong quá trình thực hiện công vụ.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc