Tăng thời gian lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992

09:48, 30/10/2012
|

(VnMedia)- Sáng 29/10, ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã trình bày Tờ trình về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong đó, đáng lưu ý là việc tăng thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ảnh minh họa

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý.


Theo ông Phan Trung Lý, Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng của quốc gia. Vì vậy, nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp. Trong lịch sử lập hiến của nước ta, việc xây dựng, ban hành Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 (vào năm 2001) đều tiến hành tổ chức lấy ý kiến nhân dân.

Kế thừa kinh nghiệm xây dựng các bản Hiến pháp trước đây, tiếp tục phát huy đầy đủ và sâu sắc hơn dân chủ xã hội chủ nghĩa, để việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp bảo đảm chất lượng, hiệu quả, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý quan trọng, rộng lớn trong nhân dân và cả hệ thống chính trị, Ủy ban đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. 

Theo kế hoạch sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 kèm theo Tờ trình số 11/TTr-UBTVQH13  ngày 02 tháng 8 năm 2011 của Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, dự kiến thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Điều 7) là hai tháng (tháng 3 và tháng 4 năm 2013). Tuy nhiên, do mục đích, yêu cầu và nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, để có đủ thời gian triển khai sâu rộng việc lấy ý kiến trong các tầng lớp nhân dân, bảo đảm để việc lấy ý kiến nhân dân thực sự chất lượng, hiệu quả, tránh hình thức, Ủy ban đề nghị Quốc hội cho tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong thời gian 03 tháng, bắt đầu từ ngày 02 tháng 01 năm 2013 và kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2013.

Về tổ chức thực hiện (Điều 8), ông Phan Trung Lý nêu: Để triển khai Nghị quyết này của Quốc hội, đề nghị Quốc hội giao Ủy ban, các cơ quan, tổ chức căn cứ vào Nghị quyết này, Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và tình hình cụ thể của cơ quan, tổ chức, địa phương mình triển khai tổ chức việc lấy ý kiến nhằm bảo đảm yêu cầu về chất lượng và tiến độ.

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được tiến hành trong phạm vi cả nước, các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương, đòi hỏi phải có sự bố trí về kinh phí, con người để triển khai thực hiện. Do đó, Ủy ban đề nghị Quốc hội quyết định kinh phí phục vụ cho việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Mục đích, yêu cầu của việc lấy ý kiến nhân dân

Ở phần trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ông Phan Trung Lý nêu, lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ý nghĩa rất quan trọng, cần bảo đảm những mục đích cơ bản:

Phát huy quyền làm chủ và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp để Hiến pháp thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân;

Huy động được trí tuệ, tâm huyết của nhân dân tham gia tích cực vào xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992;  

Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với Hiến pháp và việc thi hành Hiến pháp. 

Từ những mục đích nêu trên, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

Tổ chức lấy ý kiến nhân dân với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân cả ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào việc xây dựng Hiến pháp. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm; 

Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác; phải được nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc để hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992;  

Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp ý kiến; phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến tham gia của nhân dân;

Bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp chính quyền, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức; không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.


Thanh Hường

Ý kiến bạn đọc