Lái xe đâm chết người trên đường cao tốc có bị truy cứu hình sự?

17:11, 23/10/2012
|

(VnMedia)- Chưa đầy một ngày sau khi chính thức thông xe, đã có một nạn nhân thiệt mạng trên tuyến đường trên cao đầu tiên ở Hà Nội. Theo thông tin ban đầu, nạn nhân đã đi xe máy ngược chiều trên tuyến đường này. Trong khi đó, theo quy định trên tuyến đường này xe máy không được phép lưu thông. Theo quy định của pháp luật, trong tình huống này phải xử lý ra sao?

 Ảnh minh họa

 Sau vụ tai nạn đáng tiếc rạng sáng 22/10, trên tuyến đường trên cao đầu tiên của Hà Nội xe máy vẫn "hồn nhiên" lưu thông!


Trong khi dư âm của lễ thông xe trên tuyến đường trên cao đầu tiên ở Hà Nội vẫn còn làm nhiều người xao xuyến, nhiều lái xe hoan hỉ, nhiều người lưu thông trên tuyến đường vành đai 3 thở phào nhẹ nhõm vì từ ngày 21/10, khả năng ùn tắc xảy ra trên tuyến đường này sẽ giảm bớt, thì sau hơn 10 tiếng chính thức thông xe, tại tuyến đường trên cao đầu tiên ở Hà Nội đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông khiến 1 người thiệt mạng.

Vụ tại nạn xảy ra vào khoảng 23h ngày 21/10, tại khu vực gần nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, khiến một nạn nhân bay ra khỏi dải phân cách ngã xuống chân cầu tử vong tại chỗ.

Vào thời điểm trên, ô tô Toyota 4 chỗ màu đen đang lưu thông với tốc độ cao từ hướng Mai Dịch về Linh Đàm bất ngờ va chạm với xe máy BKS 29F9 - 2684 lưu thông theo chiều ngược lại. Cú va chạm khiến chiếc xe máy gần như vỡ vụn, phần máy rời khỏi thân xe, mũ bảo hiểm và một vài bộ phận chiếc xe bay sang dải phân cách nằm sóng soài phía làn đường bên.

Người điều khiển xe máy bị bắn lên cao và ngã xuống khoảng trống giữa hai dải phân cách không được che chắn rơi xuống chân cầu ở độ cao trên 5m đã tử vong tại chỗ.

Căn cứ vào hiện trường vụ tai nạn, cơ quan chức năng đã kết luận nguyên nhân cái chết chỉ do va chạm giao thông đơn thuần, phần lỗi được xác định do người điều khiển xe mô tô. Với kết luận này của cơ quan chức năng, nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với lái xe ô tô đã được loại bỏ.

Tuy nhiên, từ sự việc này lại khiến nhiều người băn khoăn, nếu lái xe "vô can" trong những tình huống tai nạn như thế này, liệu có khiến xuất hiện tâm lý được quyền đâm người trong những trường hợp đi vào đường cấm?

Phải xem xét kỹ về trách nhiệm, không rất dễ tạo ra tiền lệ xấu!

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì dân, Đoàn Luật sư Hà Nội. Theo luật sư Trần Đình Triển, trong tai nạn giao thông phải xem xét rất toàn diện, kể cả người gây ra tai nạn, người bị tai nạn. Phải xem xét đến các yếu tố như người bị tai nạn có đi vào đường cấm hay không, tốc độ của họ khi bị tai nạn như thế nào, có nồng độ cồn trong máu, có bằng lái xe, có đội mũ bảo hiểm hay không...?

Đối với người gây ra tai nạn, cần phải xem xét thời điểm xảy ra sự việc người đó đi có vượt quá tốc độ cho phép hay không, có bằng lái xe hay không, phương tiện đó có còn giá trị lưu hành hay không?

Trong trường hợp người bị nạn đi ngược chiều, cũng cần phải xem xét lái xe gây tai nạn có làm chủ tốc độ hay không, có vượt quá tốc độ cho phép? Chúng ta phải xem xét lỗi của bị hại để xem xét hành vi của người gây ra tai nạn và xem xét hành vi giảm nhẹ. Nhưng ngược lại, đối với người gây tai nạn cũng phải xem xét các yếu tố như lái xe có quan sát cẩn thận, đi đúng tốc độ và tai nạn xảy ra là không mong muốn thì được xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu người lái xe có đủ góc quan sát trên đường, lái xe vượt quá tốc độ gây tai nạn thì vẫn cần phải xem xét trách nhiệm hình sự đối với người gây ra tai nạn.

Trong trường hợp đường cấm mà cố tình đi lên trên tuyến đường thẳng không phải là đường cua, đường cong thì lái xe cũng cần phải quan sát thật kỹ để tránh gây ra tai nạn không đáng có. Trong trường hợp này, nếu người lái xe vẫn cố tình đâm vào người đi ngược chiều (ở chỗ dễ quan sát và có thể tránh) thì vẫn phải xem xét xử lý hình sự.

"Nếu không rất dễ tạo ra tiền lệ cứ ai đi ngược chiều là có quyền đâm. Trong luật giao thông cũng không có quy định là cứ đi ngược chiều là có quyền đâm", luật sư Triển nhấn mạnh.
 
Đầu tháng 11 sẽ chính thức phạt lái xe máy đi trên đường trên cao

Theo thông tin mới nhất, để tránh những tai nạn đáng tiếc, Đội CSGT số 4 đã bố trí có lực lượng ở tất cả các điểm lên xuống đường trên cao thuộc phạm vi quản lý để hướng dẫn, nhắc nhở và xử lý lái xe máy cố tình đi vào đường cấm. Tuy nhiên, những lúc vắng cảnh sát giao thông, một số người thiếu ý thức vẫn cố tình vi phạm.
 

 Ảnh minh họa

 Sau 15 ngày kể từ khi tuyến đường trên cao chính thức được thông xe, lực lượng chức năng sẽ tiến hành xử phạt những trường hợp xe máy đi trên cầu.


Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ, Đội trưởng Đội CSGT số 6 trao đổi với báo chí: Do đường trên cao mới thông nên trong ngày đầu lực lượng CSGT mới chỉ hướng dẫn tuyên truyền để người dân được biết đi đúng phần đường theo quy định.

Theo đó, việc xử phạt sẽ được tiến hành sau 10-15 ngày, khi quy định chính thức có hiệu lực, nên hiện nay dù phát hiện một số người thiếu ý thức bất chấp lệnh cấm vẫn cố tình đi xe máy lên cầu nhưng lực lượng CSGT mới chỉ nhắc nhở, hướng dẫn và không cho lên cầu, chứ chưa tiến hành xử phạt.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc