(VnMedia)- Sáng 15/10, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới, Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo “Khuôn khổ pháp lý báo chí phòng chống tham nhũng: Bảo vệ nguồn tin: Pháp lý và đạo đức báo chí”.
Theo dự kiến, tại Kỳ họp Quốc hội khai mạc vào ngày 22/10/2012 sắp tới sẽ thông qua Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi. Trong đó, đáng lưu ý là tại Khoản 4, Điều 101 của dự thảo dự kiến có thêm quy định báo chí phải cung cấp thông tin tài liệu về tham nhũng cho cơ quan có thẩm quyền. Trong khi đó tại Điều 7 Luật Báo chí hiện hành quy định, báo chí chỉ tiết lộ nguồn tin khi có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh trở lên khi xử lý tội phạm nghiệm trọng.
Nếu căn cứ vào những quy định tại Dự thảo luật Phòng chống tham nhũng sắp được thông qua, báo chí là đối tượng trực tiếp bị điều chỉnh bởi luật. Trong khi đó, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo về Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi phải được lấy ý kiến các đối tượng là các nhà báo, các cơ quan báo chí, các đơn vị, tổ chức nghiên cứu về báo chí...
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ thực trạng thực thi và thống nhất thực hiện nghiêm túc Điều 7 Luật Báo chí, nhất là điều khoản cung cấp danh tính nguồn tin; phân tích tính hợp lý, hợp lệ của yêu cầu cung cấp thông tin tài liệu mà Điều 101 Dự thảo sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng đặt ra; các chuyên gia pháp lý cũng thảo luận về tác động của Dự thảo đối với người tố cáo, với hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng của báo chí nếu được thực thi.
Ý kiến bạn đọc