Việt Nam không thể coi mại dâm là một nghề!

18:46, 03/09/2012
|

(VnMedia) - Có rất nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về việc có nên coi mại dâm là một nghề, tuy nhiên xuất phát từ truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục, và thực tiễn cuộc sống của người dân Việt Nam thì không thể coi mại dâm là một nghề…

>>
Sự biến tướng đáng sợ của mại dâm
>>
Chân dài bán dâm vì nhiều tiền, ít vất vả!
>> Mại dâm nam nguy hiểm hơn mại dâm nữ? 
>>
Chân dài "tuổi trẻ, tài cao" cũng bán dâm
>>
Mại dâm – đường ngắn nhất tới “án tử hình”
>> Sốc sự thật phũ phàng về gái mại dâm Việt

Ảnh minh họa
Không thể coi mại dâm là một nghề. Ảnh minh họa

 Mại dâm tồn tại như một thách thức
 
Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng chống mại dâm, nhưng tệ nạn này vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Hoạt động mại dâm kín đáo, tinh vi, tổ chức nhỏ nhưng ở diện rộng lan tất cả khu vực cả nước.
 
Vậy vì sao mại dâm tồn tại và phát triển nở rộ như hiện nay? Một số nguyên nhân khiến nạn mại dâm vẫn tồn tại như một thách thức: hoạt động mại mang lại thu nhập cao; một bộ phận lười lao động, tâm lý hưởng thụ (thích nhàn hạ, ăn ngon, mặc đẹp); do hoàn cảnh khó khăn, đối tượng nhẹ dạ, cả tin...
 
Theo số liệu báo cáo, thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay trong toàn quốc có khoảng 53.000 nữ nhân viên phục vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Trong đó có 3.500 cơ sở và 6.983 nữ nhân viên nghi hoạt động mại dâm; lập hồ sơ quản lý 1.353 đối tượng có biểu hiện chứa mại dâm, 932 đối tượng có biểu hiện môi giới mại dâm và 2.065 gái bán dâm.
 
Trong 6 tháng đầu năm đội kiểm tra liên ngành phòng chống mại dâm đã phát hiện gần 10.000 cơ sở vi phạm, phạt tiền 7 tỷ đồng và thu hồi giấy phép của 251 cơ sở. Lực lượng công an cũng triệt phá 380 vụ, bắt gần 750 gái bán dâm, hơn 470 khách mua dâm và 300 chủ chứa, môi giới. Hơn 14.800 người bán dâm đang được quản lý qua hồ sơ, và 1.300 người đang được chữa trị, giáo dục.
 
Hoạt động mại dâm không chỉ xảy ra ở khu vực thành thị và các khu du lịch nghỉ mát mà còn xảy ra ở vùng nông thôn và miền núi. Xuất hiện một số đối tượng là người nước ngoài lợi dụng những kẽ hở về mặt quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hùn vốn thành lập các công ty, nhà hàng, khách sạn, karaoke, vũ trường... phục vụ cho người nước ngoài ở các khu chế xuất, khu công nghiệp nhưng thực chất là tổ chức hoạt động mại dâm. Mặt khác, mại dâm còn núp dưới danh nghĩa sinh viên, học sinh. Lợi dụng sự ham chơi, đua đòi của một số học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và việc buông lỏng quản lý giáo dục của gia đình, nhà trường, bọn tội phạm đã dụ dỗ, lôi kéo thậm chí còn dùng thủ đoạn ép buộc các học sinh chưa đến tuổi thành niên bán dâm…

Không thể coi mại dâm là một nghề
 
Trước sự diễn biến phức tạp của hoạt động mại dâm, có rất nhiều ý kiến, quan điểm về việc nên công nhận mại dâm như một nghề để dễ quản lý. Tuy nhiên, xuất phát từ truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục, và thực tiễn cuộc sống của người dân Việt Nam thì không thể coi mại dâm là một nghề…
 
Thực tế cho thấy, nếu coi mại dâm là một nghề thì buộc phải quản lý nghiêm ngặt, đòi hỏi người chủ chứa phải có danh sách nhân viên, rồi phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, công khai thu nhập, thực hiện khám chữa bệnh định kỳ…Ngoài ra còn phải thực hiện nhiều thủ tục khác như đăng khai thuế, đăng khai tạm trú với cơ quan công an để đảm bảo an ninh…

Hiện nay, hoạt động mại dâm đang tự do, không thuế không vốn, nếu phải làm những việc kể trên thì chắc chắn các chủ chứa và gái mại dâm sẽ tuân thủ không nghiêm. Mặt khác, những người phụ nữ làm nghề mại dâm sẽ bị xã hội khinh bỉ, xa lánh, do vậy có được mấy người đàn ông vượt qua điều tiếng xã hội để kết hôn với cô gái làm nghề này.

Một vấn đề đáng lo ngại nữa là hiện tại số lượng người bán dâm nhiễm HIV/AIDS là rất cao. Nếu hợp thức hóa nghề mại dâm thì con số người làm nghề này sẽ tăng lên rất nhiều, dẫn tới số người nhiễm căn bệnh thế kỷ này chắc chắn sẽ tăng và việc kiểm soát sự lây lan của căn bệnh này là rất khó.

Ngoài ra, nếu coi mại dâm là một nghề thì sẽ có chuyện chủ chứa kinh doanh chui, không phép. Như hiện nay, việc kinh doanh không phép phần lớn cũng chỉ bị phạt hành chính rồi lại cho kinh doanh tiếp, như vậy, sẽ càng loạn, và khó bề kiểm soát. 

"Không thể coi mại dâm là một nghề và phòng, chống mại dâm tiếp tục được coi là nhiệm vụ của các ngành, các cấp và toàn xã hội”, đó là khẳng định được đặng trên một tờ báo mạng của Thiếu trướng Trần Trọng Lượng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội, Bộ Công an.  

Có thể nói, tại Việt Nam, mại dâm là bất hợp pháp. Chúng ta không nên bắt chước nước ngoài hợp thức hóa hoạt động mại dâm. Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa phương Đông, nên không thể coi đây là một nghề thực thụ, làm như vậy sẽ mất đi nét văn hóa, thuần phong mỹ tục vốn có của người Việt. Do vậy, phòng, chống mại dâm tiếp tục được coi là nhiệm vụ của các ngành, các cấp và toàn xã hội, lực lượng Công an làm nòng cốt trong phòng ngừa, đấu tranh góp phần kìm chế sự phát triển của tệ nạn mại dâm.


Phương Mai

Ý kiến bạn đọc