(VnMedia)- 67 năm đã trôi qua, cứ đến ngày Quốc khánh, trái tim của hàng triệu người dân Việt lại thêm rộn ràng, hạnh phúc vì được sống trong không khí của Độc lập - tự do - chủ quyền và tự hào dân tộc.
Khát vọng Độc lập - tự do - chủ quyền là khát vọng xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta |
I. “Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?”. “Dậy đi. Ngày độc lập đến rồi đấy”. “Cái thưở ban đầu Dân quốc ấy/Nghìn năm chưa dễ đã ai quên”... những câu nói, vần thơ về ngày Độc lập 2/9/1945 như vẫn đang vang vọng trong lòng nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Để rồi 67 năm sau, cứ đến ngày Quốc khánh lòng người lại rộn rã niềm vui, tự hào.
67 năm qua, dân tộc Việt Nam đã từng bước khẳng định của vị thế của mình trên trường quốc tế, trong khu vực. Nói như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, với phương châm “là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, Việt Nam đang chủ động, tích cực hội nhập toàn diện với thế giới và khu vực, có nhiều đóng góp tại các diễn đàn quốc tế: ASEAN, Diễn đàn cấp cao Đông Á (EAS), Phong trào không liên kết, các diễn đàn trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc. Việt Nam tiếp tục thực hiện những cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực...
Để đạt được những thành tựu hôm nay, là nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Soi lại cả chặng đường dài lịch sử để thấy rằng, trên thế giới chưa có Nhà nước nào đồng cam cộng khổ với dân như Nhà nước dân chủ cộng hòa, hàng chục năm, cán bộ, viên chức không có lương, bác sĩ, kỹ sư, bộ trưởng, chủ tịch, bí thư… hàng ngày đều tăng gia sản xuất để có thêm lương thực, thực phẩm. Năm năm đầu tiên chống Pháp (1945 – 1949) kháng chiến còn trong vòng vây của địch, chưa liên hệ được với các nước bè bạn, thiếu thốn đủ mọi thứ. Đi công tác đến bữa, gặp nhà dân nào vào cũng có ăn, "thêm đũa thêm bát” và dân ở đâu cũng nuôi cán bộ. Bệnh viện chưa có, ốm đau chỉ còn nhà dân, có nhà chỉ còn gạo, khoai, sắn nuôi được một, hai ngày rồi gọi hàng xóm xung quanh xúm đến nuôi...
Trong hoàn cảnh mới, để vững vàng chèo lái đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đến đích mong muốn, chúng ta đang triển khai Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết Trung ương 5 và tiếp ngay sau là Hội nghị cán bộ toàn quốc. Đây là mong muốn một cách đồng bộ việc tự kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của người đứng đầu để xây dựng một đội ngũ cán bộ cấp cao đủ tâm và đủ tầm, đủ điều kiện để gánh vác trọng trách trong giai đoạn lịch sử mới, đưa nước nhà ra khỏi tình trạng trì trệ, để phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được và vượt qua những thách thức, trở ngại trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng đòi hỏi khách quan của lịch sử và xứng đáng với lòng mong mỏi của toàn dân.
Trong một bài phát biểu gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh và khẳng định quan điểm dứt khoát phải làm quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Vì quy hoạch cán bộ là thể hiện vai trò, chức năng lãnh đạo, chủ động của Đảng, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ cho việc thực hiện đường lối chính trị của Đảng. Không phải bây giờ chúng ta mới làm quy hoạch cán bộ mà giữa những năm 60 của thế kỷ XX, Đảng ta đã triển khai công tác quy hoạch cán bộ, nhưng chưa nền nếp do hoàn cảnh chiến tranh.
Tổng Bí thư cho rằng, cán bộ là người lãnh đạo, dẫn dắt quần chúng, tổ chức điều hành công việc, là hạt nhân của một tổ chức, là nòng cốt của một phong trào; và trong bất kỳ thời kỳ cách mạng nào, ở bất cứ lĩnh vực, địa phương nào, cán bộ cũng đóng vai trò quyết định. Như Bác Hồ đã dạy, cán bộ là cái gốc của công việc, mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, đường lối nào thì cán bộ ấy. Đường lối cán bộ phải phục vụ cho đường lối chính trị, phải đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của đường lối chính trị. Ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương lại có yêu cầu riêng. Đây là vấn đề cực kỳ hệ trọng, phải rất tỉnh táo, nếu lựa chọn, bố trí cán bộ sai thì.. “sai một ly, đi một dặm.”
Về đánh giá cán bộ, Tổng Bí thư nhấn mạnh chúng ta đã từng làm, thời kỳ nào cũng làm, nhưng đây là khâu khó, cần có tiêu chí, tiêu chuẩn, cần có thông tin. Nhưng quan trọng là cái tâm, cái tầm của người đánh giá, phải thực sự là những người trong sách, công tâm, khách quan, phải có tầm nhìn mới có thể phát hiện, đánh giá đúng cán bộ. Nhìn cán bộ phải từ nhiều góc độ, ở nhiều thời điểm, qua nhiều công việc thực tiễn, tính chất, hiệu quả công việc, xem xét giải quyết công việc như thế nào, nhất là vào những thời điểm khó khăn, thách thức. Lửa thử vàng, gian nan thử sức; đừng thấy đỏ mà tưởng là chín; người cán bộ tốt phải là người dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
II. Trên chặng đường lịch sử dân tộc 67 năm qua mọi hành động, lời nói, việc làm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đều chỉ nhằm hướng đến khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc như trong Tuyên ngôn độc lập Bác Hồ đọc trước Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Cũng có lẽ vì vậy mà trong những năm qua, hàng triệu triệu thế hệ người Việt Nam đã và sẽ luôn sẵn sàng hy sinh để gìn giữ và bảo vệ nền độc lập ấy. Độc lập thấm đẫm niềm vui và cũng thấm đẫm trong đó cả máu xương của biết bao anh hùng liệt sĩ.
Trả lời báo chí, Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Nguyễn Thế Thắng, Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Hành chính Khu vực I cho rằng: “Cần phải giữ vững độc lập tự chủ trong đường lối đối nội cũng như đối ngoại và giữ vững độc lập tự chủ trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, từ vấn đề lãnh thổ cho đến những vấn đề về an ninh quốc gia, từ vấn đề chính trị kinh tế, văn hóa, xã hội cho đến vấn đề đạo đức và lối sống. Có như vậy, dân tộc ta nhất định có thể vượt qua được những nguy cơ, thử thách đang diễn ra”.
Trong nhiều khía cạnh, vấn đề giữ vững độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và các quyền lợi hợp pháp của đất nước trên biển, đồng thời tạo dựng môi trường hoà bình ổn định, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội đất nước, đang được chú trọng thời gian gần đây. Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn cho biết, trong thời gian tới, trên cơ sở quán triệt đường lối đối ngoại được xác định tại Đại hội XI, chúng ta sẽ tiếp tục kiên trì chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển 1982, đồng thời tăng cường phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng.
Trên tinh thần đó, ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin đối ngoại để cộng đồng quốc tế hiểu được lập trường chính nghĩa, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và thềm lục địa theo quy định của Công ước Luật Biển 1982 của LHQ.
Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn cũng cho rằng, chúng ta sẽ tích cực, chủ động thúc đẩy đàm phán với các bên liên quan để giải quyết từng vấn đề cụ thể theo tinh thần dễ trước, khó sau, như đàm phán với TQ về phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và bàn bạc vấn đề hợp tác cùng phát triển ở khu vực này, đàm phán với Indonesia về phân định vùng đặc quyền kinh tế... Ba là, tích cực phối hợp với các nước ASEAN và TQ nghiêm chỉnh thực hiện DOC, tiến tới xây dựng COC, coi đây là một trong những biện pháp quan trọng nhằm duy trì hoà bình ổn định ở Biển Đông.
III. Truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam, lịch sử ra đời và phát triển của Nhà nước Việt Nam, dáng đứng hiên ngang của Việt Nam khi thoát khỏi ách nô lệ, lập nước và phát triển sẽ vẫn luôn và mãi sáng ngời trong tâm trí của người dân Việt. Bất cứ lúc nào nếu cần hy sinh xương máu để thỏa mãn khát vọng xuyên suốt của dân tộc, chắc chắn không một người dân Việt nào từ nan. Đây là niềm vui, niềm tự hào của những ai có dòng máu Việt chảy trong người!
Ý kiến bạn đọc