Giá đắt cho những "con sâu làm rầu nồi canh"!

10:42, 27/09/2012
|

(VnMedia)- Lâu nay, khi nói đến tội phạm, người ta hay liên tưởng đến những đối tượng xấu, kẻ du thử du thực, nhưng bên cạnh đó, còn có những người "cầm cân nảy mực" mà cũng nhúng chàm.

>> Chuyện mãi lộ của cảnh sát giao thông!  
>> Cảnh sát giao thông tiêu cực vì ai? 
>> Tiêu cực của Cảnh sát giao thông là thực tiễn "

Cảnh sát giao thông ngồi tù vì... mãi lộ


Chuyện cảnh sát giao thông mãi lộ, tiêu cực là chuyện được nhiều người nói đến và ngay cả tại kỳ họp Quốc hội, khi Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đăng đàn trả lời chất vấn cũng phải thừa nhận rằng, tiêu cực của cảnh sát giao thông là thực tiễn. Mặc dù chuyện ai cũng biết là như thế, nhưng, những cảnh sát giao thông mãi lộ, nhiễu sách người dân bị phát hiện hay đưa ra truy tố trước công luận lại rất ít.

Ngày 21/9, Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hóa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hình sự về tội “Nhận hối lộ” với 3 bị cáo Lê Hồng Duân (37 tuổi, nguyên thiếu tá CSGT), Nguyễn Thanh Hải (27 tuổi, nguyên trung úy CSGT, nguyên cán bộ Trạm CSGT quốc lộ 1A, thuộc Phòng CSGT, Công an tỉnh Thanh Hóa) và Nguyễn Văn Đôi (49 tuổi, trú tại xã Tùng Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa).

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Tối cao, những bị can nói trên bị cáo buộc đã có hành vi đòi hối lộ của lái xe trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Do đó, các bị can bị truy tố tại điểm đ, khoản 2, điều 279 BLHS với khung hình phạt 7 đến 15 năm tù giam.

Quá trình điều tra xác định ngày 31/7/2011, tổ tuần tra kiểm soát do thiếu tá Lê Hồng Duân làm tổ trưởng, các tổ viên gồm trung úy Nguyễn Thanh Hải, đại úy Lê Việt Hùng, trung tá Lê Hữu Sơn được giao nhiệm vụ tuần lưu giải quyết ách tắc và cảnh báo tai nạn giao thông, không lập chốt tại một điểm để kiểm tra, thời gian tuần tra từ 15h – 23h trên tuyến Quốc lộ 1A, đoạn từ huyện Quảng Xương đến huyện Tĩnh Gia.

 Ảnh minh họa

 Bị cáo Nguyễn Thanh Hải (áo đen) và Lê Hồng Duân tại toà.


Khi lái xe Nguyễn Xuân Tình điều khiển xe tải BKS: 47P -1352, chở gỗ chạy hướng Nghệ An - Hà Nội đến địa điểm trên thì bị Lê Hồng Duân ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra phương tiện.

Phát hiện xe chở gỗ sai với giấy tờ, Nguyễn Thanh Hải yêu cầu lái xe phải chi 5 triệu đồng. Khi thấy Hải đòi nhiều tiền, anh Tình đã gọi anh Hồ Tấn Phương, chủ xe, đến trình bày. Anh Phương xin bồi dưỡng 1 triệu đồng nhưng Hải không đồng ý và nói nếu không chấp nhận sẽ đưa xe về chi cục kiểm lâm để làm một vụ điển hình. Do sợ bị giữ xe lại nên anh Phương chấp nhận chi 5 triệu đồng.

Tuy nhiên, do không đủ tiền nên anh Tình, anh Phương xin đặt lại giấy tờ xe, giấy phép lái xe cho Hải để hôm sau quay lại đưa tiền. Hải không đồng ý mà yêu cầu chủ xe, lái xe đặt giấy tờ vay tiền. Sau đó Nguyễn Văn Đôi nghe, biết chuyện đã cho vay 5 triệu đồng, lấy lãi 500.000 đồng/ngày và làm giấy vay nợ, cầm giấy tờ xe. Khoản 5 triệu đồng này Đôi đưa thẳng cho Lê Hồng Duân và nói “không biết lái xe làm việc với Hải thế nào, Hải bảo đưa 5 triệu cho anh”.

Khoản tiền này, trên đường về trạm, Duân chia đều mỗi người 800.000 đồng. Còn lại 2,1 triệu đồng Duân khấu trừ số tiền đã chi cho tổ ăn uống trong tuần.

Tại phiên toà ngày 21/9, HĐXX nhận định, “Hành vi Lê Hồng Duân, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Văn Đôi đã trực tiếp xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức nhà nước, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với lực lượng cảnh sát nói riêng và công an nhân dân nói chung”. HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Hồng Duân mức án 36 tháng tù giam, Nguyễn Thanh Hải, 30 tháng tù giam và Nguyễn Văn Đôi chịu mức án 24 tháng tù.

Nguyên cán bộ công an Hoàng Mai vào tù vì lừa đảo

Ngày 20/8, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử Vũ Trọng Hiếu, 31 tuổi, thường trú ở phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, nguyên cán bộ công an quận Hoàng Mai, về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức.”

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Hiếu 13 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” một năm tù về tội “Làm giả con dấu tài liệu cơ quan, tổ chức.” Tổng hợp với cả bản án chưa thi hành trước đó, Hiếu phải chịu hình phạt 16 năm 6 tháng tù.

Theo cáo trạng, năm 2009, trong lúc đang làm việc tại cơ quan công an quận Hoàng Mai (Hà Nội), Hiếu đã đem Giấy chứng nhận Cảnh sát Nhân dân thật của mình vào một hiệu chụp ảnh ở quận Hoàn Kiếm, thuê chụp ảnh màu làm một giấy chứng nhận giả mang tên mình. Ngày 19/3/2009, khi xuất ngũ ra khỏi ngành công an, Hiếu đã nộp lại Giấy chứng nhận Cảnh sát Nhân dân thật, còn giấy giả thì Hiếu giữ lại để dùng vào việc lừa đảo.

Tháng 6/2010, Hiếu tới nhà anh Nguyễn Văn Tường ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội để thuê xe tự lái là loại xe Innova 7 chỗ. Hiếu nói mình là công an có nhu cầu thuê xe đưa sếp đi công tác. Hiếu đưa giấy chứng nhận cảnh sát nhân dân giả cho anh Tường cùng bản photo hộ khẩu giả và một chiếc xe máy để thuê xe, trong thời gian năm ngày với giá 700.000 đồng/ngày.

Hiếu trực tiếp viết giấy cam kết với nội dung: “Tên tôi là Vũ Trọng Hiếu, đơn vị công tác Đội cảnh sát trật tự công an quận Hoàng Mai, do yêu cầu công việc phải đi công tác tôi cần thuê một xe Innova của anh Tường cùng toàn bộ giấy tờ xe… Hiện nay giấy phép lái xe của tôi đang bị công an quận Hai Bà Trưng giữ vì lỗi đỗ xe dưới lòng đường sai quy định, theo giấy hẹn 10 ngày sau tôi mới lấy được bằng.”

Hiếu sử dụng chiếc xe ôtô Innova nói trên đi Hòa Bình chơi. Ngày 24/6/2010, khi về Hà Nội, Hiếu mang xe đặt lấy 175 triệu đồng để đi trả nợ. Sau khi quá hạn hợp đồng, Hiếu xin anh Tường gia hạn và đưa 10 triệu đồng cho chủ xe. Lần thứ hai, anh nhờ một người bạn đến nhà anh Tường xin gia hạn và để lại bằng lái xe ôtô của chị này. Lần thứ ba, Hiếu trực tiếp đến gặp chủ xe trả tiền thuê là 10 triệu đồng và xin gia hạn. Đến ngày 22/7/2010, Hiếu không đem trả xe dù anh Tường nhiều lần liên lạc.

Cơ quan công an xác định chiếc xe trên trị giá 520 triệu đồng. Trước phiên xử, cơ quan điều tra vẫn chưa thu hồi được chiếc xe để trả cho anh Tường. Tại tòa, Hiếu khai nhận hành vi phạm tội của mình và chưa khắc phục được hậu quả. Trước đó, Hiếu đã từng bị Tòa án Nhân dân huyện Từ Liêm xử phạt 30 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” đến nay vẫn chưa thi hành án.

Thượng tôn pháp luật

Tinh thần thượng tôn pháp luật luôn được chú trọng chính vì vậy, pháp luật không khoan nhượng với bất cứ ai. Một người dân phạm tội, một cán bộ nhà nước phạm tội và đối tượng giang hồ phạm tội sẽ đều nhận được những hình phạt thích đáng. Chính vì vậy, những người được đại diện cho pháp luật để làm nhiệm vụ mà vi phạm pháp luật càng cần phải bị trừng phạt thích đáng.

Trong phiên toà xử hai cảnh sát giao thông mãi lộ ngày 21/9 vừa qua có rất đông đồng nghiệp của hai "con sâu" này đến dự khán. Hy vọng rằng, với hình phạt nghiêm khắc mà pháp luật dành cho họ, những cá nhân khác sẽ "tỉnh táo" để tránh đi vào vết xe đổ của những người từng là đồng nghiệp với mình...


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc