Xử lý tội phạm công nghệ cao: Lấy độc trị độc!

14:31, 08/08/2012
|

(VnMedia)- Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam diễn ra phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Để xử lý, ngành chức năng cho rằng, cần "lấy độc trị độc"!

 Ảnh minh họa

 Một hệ thống kỹ thuật hoàn chỉnh của tội phạm nước ngoài. Ảnh: Minh hoạ.


Mua kim cương bằng thẻ ATM giả

Khoảng 21h tối 4/8, Ling Seng Koey (23 tuổi), Chong Kon Hoi (47 tuổi), cùng quốc tịch Malaysia và Sim Che Wei 3 đã vào trung tâm thương mại Indochina Riverside Tower (số 74 Bạch Đằng, quận Hải Châu. Đà Nẵng) mua hàng. Một người vào mua vali, quần áo thời trang cao cấp trị giá hơn 10 triệu đồng và đã thanh toán bằng thẻ tín dụng.

Trong khi đó, hai người còn lại vào mua hàng tại cửa hàng “Thế giới kim cương” nằm trong trung tâm thương mại này số trang sức có trị giá 53 triệu đồng. Số hàng hóa này cũng đã được thanh toán bằng thẻ tín dụng quốc tế và giao dịch được máy chấp nhận.

Tuy nhiên do lượng hàng bán ra trị giá trên 10 triệu đồng nên theo quy định, chị Nhi, nhân viên bán hàng tại cửa hàng đã gọi điện cho Chi nhánh ngân hàng Vietcombank tại Đà Nẵng để xác nhận việc giao dịch. Cùng lúc, chị Nhi cũng gọi điện cho người quản lý là bà Lê Ngô Mỹ Hạnh.

 Ảnh minh họa

 Ling Seng Koey tại cơ quan điều tra.


Đáng lưu ý là trước đó, nhân viên cửa hàng Thế giới kim cương ở Vĩnh Trung Plaza (số 255 - 257 Hùng Vương, Thanh Khê, Đà Nẵng) đã gọi điện cho cửa hàng của bà Hạnh cảnh báo về việc có một khách nước ngoài dùng thẻ tín dụng mua vàng với trị giá 33 triệu đồng vào buổi chiều cùng ngày nhưng sau đó phía ngân hàng Vietcombank phát hiện thẻ tín dụng giả nên báo lại cho cửa hàng.

Do vậy, sau khi yêu cầu nhân viên Nhi mô tả lại hình dáng của 3 vị khách nước ngoài nói trên, bà Hạnh đã xác định ngay đây chính là các đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo tại cửa hàng ở Vĩnh Trung Plaza.

Khi đã nhận định đây là lừa đảo, chị Nhi tri hô cướp nên cả 3 tên bỏ chạy ra ngoài. Một đối tượng đã bị nhân viên bảo vệ của trung tâm thương mại bắt giữ lại được. Hai đối tượng còn lại bỏ chạy ra ngoài, một nhảy lên taxi trốn thoát, tên còn lại bị nhân viên bảo vệ đuổi bắt kịp.

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận đã dùng thẻ tín dụng giả mạo để thanh toán tiền mua hàng tại 7 cửa hàng trên địa bàn Đà Nẵng với giá trị lên đến gần 200 triệu đồng.

Qua khám xét, cơ quan công an đã phát hiện bên trong vali của các đối tượng chứa toàn bộ túi xách, quần áo và số kim cương mà 3 đối tượng trên đã mua bằng thẻ tín dụng giả tại trung tâm thương mại Indochina Riverside Tower.

Cơ quan công an đã tịch thu hộ chiếu cùng số tài sản thu giữ được từ hai đối tượng Ling Seng Koey và Chong Kon Hoi, đồng thời truy tìm người còn lại đang bỏ trốn.

Hiện vụ việc đang được Công an TP. Đà Nẵng tiếp tục điều tra làm rõ.

Vụ việc nói trên là một trong những vụ lừa đảo do đối tượng sử dụng công nghệ cao thời gian gần đây. Cùng với vụ khởi tố 4 đối tượng chóp bu của MB24 và hàng loạt các chi nhánh của Công ty mua bán trực tuyến (Muaban24), vấn đề tội phạm lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo đang làm đau đầu cơ quan chức năng.

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Bộ Công an cho rằng, n
hững năm gần đây, cùng với sự gia tăng của tội phạm sử dụng công nghệ cao trên thế giới, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam cũng diễn ra phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. "Chỉ tính riêng vụ lừa đảo qua mạng internet dưới hình thức kinh doanh đa cấp chúng tôi phát hiện tại Hà Nội, đối tượng đã lừa đảo khoảng 87.000 lượt người với số tiền lên đến 678 tỷ đồng", Trung tướng Phan Văn Vĩnh cho biết.

Xử lý thế nào?

Trung tướng Phan Văn Vĩnh cũng cho rằng, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng dùng công nghệ cao này chủ yếu dưới các dạng: 
Lắp đặt thiết bị tại máy ATM để sao chép, trộm cắp dữ liệu, thông tin thẻ tín dụng, sau đó làm giả thẻ để rút tiền; Người nước ngoài sử dụng thẻ tín dụng giả để mua hàng hóa hoặc thanh toán các loại dịch vụ tại Việt Nam; Một số nhân viên tại các ngân hàng sau khi thôi việc đã sử dụng tài khoản (được cấp trong thời gian làm việc) để trộm cắp, thay đổi thông tin trong hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm rút và chiếm đoạt tiền.

Các đối tượng cũng thường sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài để mua hàng hóa, vé máy bay hoặc thanh toán các loại dịch vụ qua mạng Internet; Lập các website sàn giao dịch thương mại điện tử để lừa đảo để huy động vốn dưới dạng kinh doanh đa cấp nhằm chiếm đoạt tài sản.

Để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, Trung tướng Phan Văn Vĩnh đã nêu 3 nhóm giải pháp.

Thứ nhất là xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để xử lý; Tăng cường ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, từng bước trang bị hiện đại và ưu tiên nhân lực có trình độ cho lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Mở rộng hợp tác quốc tế tranh thủ kinh nghiệm và sự giúp đỡ về kỹ thuật của các nước trên thế giới nhằm đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này.

Trước đó, liên quan đến loại hình tội phạm công nghệ cao này, Thượng tướng Trần Đại Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho rằng, tội phạm mạng đang hoạt động có tổ chức tiếp tục gia tăng, tập trung vào việc tìm cách vượt qua hệ thống kiểm soát an ninh, thay đổi một số nội dung trên các trang điện tử thương mại, chứng khoán để trục lợi, đánh cắp mã số thẻ tín dụng hoặc tống tiền các nhà cung cấp dịch vụ.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, trước tình hình này để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mạng Bộ có phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để tăng cường quản lý Nhà nước về an toàn an ninh thông tin. Bộ cũng tăng cường phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để tiến hành các công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý các vi phạm trên lĩnh vực internet và quản lý hạ tầng thông tin.

Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng nhấn mạnh rằng, Bộ đang kiến nghị Quốc hội sớm đưa vào chương trình xây dựng Luật An ninh thông tin để làm cơ sở hành lang pháp lý cho việc triển khai công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin và đấu tranh phòng chống tội phạm mạng trong thời gian sắp tới.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc