Chương trình bàn tính số học trí tuệ dành cho trẻ từ 4 đến 12 tuổi của UCMAS đang bị xâm phạm bản quyền tràn lan tại Việt Nam. Chủ sở hữu mới đây đã thông báo tới cơ quan chức năng hiện tượng một số đối tác của UCMAS sau 1-2 năm triển khai chương trình dưới dạng đối tác mua nhượng quyền thương mại đã tách ra khỏi hệ thống, mở một thương hiệu mới để tuyển sinh. Tài liệu và dụng cụ học tập được sao chép dưới nhiều dạng khác nhau.
Vô tư ăn cắp bản quyền
Hàng chục chương trình giảng dạy bàn tính số học “nhái” UCMAS đang được các cơ sở đào tạo Việt Nam vô tư sử dụng, thậm chí quảng bá rầm rộ về hiệu quả.
Trong “rừng” sản phẩm na ná này, khá nhiều phụ huynh “mắc bẫy”, không hề biết con em mình đang theo học một chương trình không phải chương trình chuẩn mà chỉ là loại sản phẩm copy.
Theo khảo sát riêng của UCMAS tại Việt Nam thì các lớp đào tạo sử dụng “bản nhái” này lúc đầu chỉ đơn giản là các lớp học do các cô giáo tự mở tại nhà, học sinh không được đăng ký là học viên chính thức của hệ thống. Học sinh phải học tài liệu photocopy, không được tham dự các kỳ thi quốc gia và quốc tế, không có hệ thống giám sát chất lượng giảng dạy chính thống và nhiều quyền lợi khác mà chỉ học sinh UCMAS chính thức được hưởng.
Gần đây, việc vi phạm bản quyền trở nên nghiêm trọng hơn khi một số đối tác của UCMAS Việt Nam sau 1-2 năm triển khai chương trình dưới dạng đối tác mua nhượng quyền thương mại đã tách ra khỏi hệ thống, mở một thương hiệu mới để tuyển sinh. Tài liệu và dụng cụ học tập được sao chép dưới nhiều dạng khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Hoài Hương, giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đài Linh (Dailimexco.SJC) cho biết, với mong muốn cho con có được tuy duy và phương pháp tính nhanh, bà đã đăng ký cho con học UCMAS có địa chỉ trên đường Trần Quốc Hoàn. Được một thời gian, bà thấy trung tâm đổi tên thành IQ. Băn khoăn, bà về kiểm tra thông tin trên mạng mới biết, IQ đã tách khỏi hệ thống UCMAS Việt Nam và đào tạo một chương trình số học trí tuệ tương tự. Kiểm tra thêm về chương trình số học trí tuệ bà Hương mới phát hiện có đến hàng chục chương trình số học trí tuệ tương tự như số học vui I’math, Supermind, toán học thông minh Abacus…
Học sinh tiểu học thích thú với chương trình của UCMAS |
Tương tự, anh Nguyễn Đức Phong cũng cho con theo học chương trình số học trí tuệ ở khu vực quận Hoàn Kiếm. Nhưng thậm chí đến bây giờ, khi trao đổi với chúng tôi cũng không biết con mình có được học đúng chương trình của UCMAS Việt Nam hay không.
PA 38, Công an TP Hà Nội mới đây cũng đã gửi công văn số 560/cv-CAHN tới Sở Giáo dục & Đào tạo TP Hà Nội đề nghị đơn vị này thanh kiểm tra công ty IQ Việt Nam.
Theo xác minh của cơ quan công an thì công ty IQ Việt Nam chưa có giấy phép đào tạo nhưng đã đồng loạt triển khai tuyển sinh và sử dụng 8 loại sách giáo dục chưa được phép xuất bản. Thậm chí công ty này còn nhượng quyền cho 34 trung tâm khác được sử dụng bộ giáo trình nói trên.
Bà Thành Minh Hiền, đại diện cho UCMAS Việt Nam cho biết một số sáng lập viên và ban điều hành của công ty IQ Việt Nam trước đây là đối tác nhận nhượng quyền thương mại chương trình bàn tính và Số học trí tuệ UCMAS.
Theo bà Hiền cho biết thì khi chương trình bàn tính và Số học UCMAS vào Việt Nam thì tập đoàn UCMAS Malaysia đã đăng ký tên thương hiệu là lôgô tại Việt Nam. Còn quyền tác giả đối với chương trình thì đã được bảo hộ theo công ước Berne đối với các nước tham gia công ước, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, đối với các trung tâm đào tạo bàn tính và số học trí tuệ có giáo trình, giáo án na ná hoặc giống một phần đều là những trung tâm ăn cắp bản quyền của UCMAS Việt Nam, vi phạm nghiêm trong quyền tác giả, vi phạm Luật sở hữu trí tuệ.
Cần xử lý nghiêm minh
Chương trình UCMAS được Giáo sư tiến sĩ Dino Wong sáng lập từ năm 1993 với sự phối hợp của Học viện Bàn tính và Số học trí tuệ Trung Quốc và trường Đại học Kursk của Nga. Chương trình này nhằm phát triển trí tuệ cho trẻ em từ 4 đến 12 tuổi sử dụng công cụ là chiếc bàn tính gảy của người Trung Quốc. Chương trình hoạt động theo mô hình chuyển nhượng quyền thương mại. Hiện nay, trên thế giới đã có 54 nước triển khai thành công.
Chương trình này được giới thiệu lần đầu tiên ở Việt nam vào tháng 3 năm 2009 theo mô hình chuyển nhượng quyền thương mại cho một đối tác đại diện độc quyền tại Việt Nam là Công ty cổ phần Tư vấn và Phát triển giáo dục quốc tế (IECC). IECC được coi là UCMAS Việt Nam.
Theo luật sư Trương Bích Huệ, văn phòng luật Tân Hà việc các trung tâm đào tạo chương trình bàn tính số học trí tuệ có sử dụng bàn tính của UCMAS và cắt xén, lồng ghép giáo trình của UCMAS để đào tạo trẻ em tính toán trên bàn tay là sự vi phạm nghiêm trọng bản quyền của UCMAS. Sự vi phạm còn thể hiện ở cách thể hiện phép tính cộng, trừ, các đọc phép tính, cách sử dụng các hạt số trên bàn tính tương tự với UCMAS Việt Nam.
Văn phòng Luật sư Tân Hà đã có thư cảnh báo gửi đến Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Sáng tạo Việt hiện đang triển khai chương trình SOROBAN và Công ty IQ Việt nam đang triển khai chương trình IQ Việt Nam yêu cầu chấm dứt các vi phạm về bản quyền Chương trình bàn tính số học của UCMAS.
Trước tình trạng bị xâm phạm bản quyền tràn lan, ông Bernard Wang, đại diện Tập đoàn U C MAS Malaysia cho biết Tập đoàn đã ủy quyền cho Đại diện chính thức của mình tại Việt Nam cùng với đơn vị tư vấn pháp lý để tập hợp và giám sát các hành vi vi phạm và thực hiện các biện pháp bảo vệ theo qui định của pháp luật Việt Nam.
“Hiện tượng này đã xảy ra rất nhiều ở một số nước mà luật về bản quyền chưa được áp dụng nghiêm túc như Ấn Độ, Trung Quốc… Chúng tôi đã có kinh nghiệm trong các vụ việc tương tự như thế này trong gần 20 năm qua. Chắc chắn chúng tôi sẽ có những hành động phù hợp với pháp luật Việt Nam để bảo vệ quyền lợi của mình và bảo vệ khách hàng của chúng tôi và các em học sinh”, ông Bernard Wang nhấn mạnh .
Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu – Đào tạo thuộc Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học công nghệ cho biết việc vi phạm bản quyền sách giáo dục tương đối rõ và điển hình. Hầu hết các cá nhân vi phạm đều không bê nguyên mẫu nhưng có hành vi cắt dán, sao chép gây ảnh hưởng đến quyền khai thác thương mại của người sở hữu bản quyền. Có những trường hợp chỉ sao chép 5-10% nhưng cũng đủ coi là vi phạm bản quyền vì nó gây hiểu lầm, gây ảnh hưởng đến quyền khai thác thương mại hợp pháp của người khác.
Ý kiến bạn đọc