Tên cha mẹ trên CMT: Phiền toái, mặc cảm

06:22, 22/08/2012
|

(VnMedia)- "Trong cuộc sống và công việc hàng ngày, việc cha mẹ của một người là ai không giúp cho các tổ chức, cá nhân giao dịch với người đó xác định được người đang giao dịch với mình là ai vì các tổ chức, cá nhân này không có dữ liệu để đối chiếu".

>> Bộ Tư pháp: Chứng minh thư mới không phù hợp  
>>  Tên bố mẹ trên chứng minh thư: Thêm rắc rối! 

Đây là chia sẻ của Tiến sĩ, luật sư Vũ Thái Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH YouMe với VnMedia.

Ảnh minh họa

Luật sư Vũ Thái Hà


- Thưa luật sư, ông có ý kiến gì về chủ trương cấp giấy chứng minh thư nhân dân theo mẫu mới vừa được đưa vào áp dụng từ 1/7/2012?

Mẫu chứng minh nhân dân mới theo quy định của Nghị định 170/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2007 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 1999 của Chính phủ về chứng minh nhân dân và Thông tư số 27/2012/TT-BCA ngày 16 tháng 05 năm 2012 quy định về mẫu chứng minh nhân dân có nhiều điểm tiến bộ hơn mẫu chứng minh nhân dân cũ trước đây như: kích thước chuẩn quốc tế (85,6 mm x 53,98 mm), được làm bằng chất liệu nhựa, có mã vạch hai chiều lưu trữ một số thông tin của công dân, có phôi bảo an...

Chứng minh nhân dân mới cũng sẽ có thêm một số thông tin như thởi điểm hết giá trị, họ và tên gọi khác, giới tính, họ và tên cha, mẹ của công dân được cấp chứng minh nhân dân. Các thay đổi về kích thước, chất liệu và công nghệ trên mẫu chứng minh nhân dân mới sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho người dân cũng như cho cơ quan quản lý hành chính nhà nước.

- Theo mẫu mới, mặt sau chứng minh thư nhân dân của mỗi người có dòng ghi họ tên cha, mẹ. Ông nhận xét gì về điều này?

Theo tôi, việc đưa thêm thông tin về cha, mẹ của công dân được cấp chứng minh nhân dân vào chứng minh nhân dân là không cần thiết ở góc độ quản lý nhà nước, giao dịch dân sự và gây ra nhiều phiền toái cho công dân được cấp chứng minh nhân dân.

Về bản chất, chứng minh nhân dân là tài liệu được sử dụng để kiểm tra, chứng minh, xác nhận đặc điểm nhận dạng cá nhân của người mang chứng minh nhân dân. Do đó, chứng minh thư nhân dân cần có đủ thông tin để có thể giúp cho cơ quan, tổ chức và cá nhân có thể xác định được người đang giao dịch với mình là ai. Việc bổ sung họ và tên cha, mẹ của công dân vào chứng minh thư không giúp cho hoạt động kiểm tra, chứng minh, xác nhận đặc điểm nhận dạng cá nhân một cách nhanh hơn và hiệu quả hơn. Trong cuộc sống hàng ngày, việc đưa thông tin này vào chứng minh thư còn tạo ra một số vấn đề “phiền toái” mặc cảm” cho công dân được cấp chứng minh nhân dân.

Ở góc độ quản lý nhà nước, cơ quan quản lý có cơ sở dữ liệu về công dân được cấp chứng minh nhân dân dễ dàng có thể kiểm tra, đối chiếu các thông tin chỉ bằng số chứng minh nhân dân (số chứng minh nhân dân là duy nhất và quản lý thống nhất trên toàn quốc). Và trong cơ sở dữ liệu về chứng minh nhân dân đã có đủ các thông tin về nhân thân, thân nhân của công dân được cấp chứng minh nhân dân.

Trong cuộc sống và công việc hàng ngày, việc cha mẹ của một người là ai không giúp cho các tổ chức, cá nhân giao dịch với người đó xác định được người đang giao dịch với mình là ai vì các tổ chức, cá nhân này không có dữ liệu để đối chiếu. Hơn thế nữa, việc cha mẹ của người đó là ai không quan trọng và không phải là vấn đề mà các tổ chức, cá nhân khi giao dịch với  người đó quan tâm. Tất nhiên, trong cuộc sống và công việc hàng ngày cũng có nhiều trường hợp, thông tin về cha, mẹ là cần thiết nhưng các trường hợp đó đều phải giải quyết qua trình tự, thủ tục chặt chẽ và cần phải có nhiều tài liệu khác chứng minh như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh...

Không chỉ không cần thiết việc đưa họ và tên cha mẹ của công dân được cấp chứng minh nhân dân còn tạo ra một số phiền toái, gây mặc cảm cho công dân được cấp chứng minh nhân dân trong trường hợp công dân này có hoàn cảnh như: cha mẹ đã mất, thiếu cha hoặc mẹ, cha mẹ đã ly hôn.

- Thưa luật sư, xin ông cho biết, việc quản lý công dân bằng việc có thêm tên của bố mẹ có hiệu quả bằng việc quản lý bằng vân tay?

Như tôi vừa nói việc thêm họ và tên cha, mẹ của công dân vào chứng minh thư là không cần thiết và không giúp gì cho việc kiểm tra, chứng minh, xác nhận đặc điểm nhận dạng cá nhân của người mang chứng minh nhân dân. Thông tin trên chứng minh thư chỉ nên có những thông tin hỗ trợ cho việc kiểm tra, chứng minh, xác nhận đặc điểm nhận dạng cá nhân.

Dấu vân tay tuy là đặc điểm nhận dạng ưu việt và có giá trị trong hoạt động điều tra, truy xét do đặc tính riêng biệt và không thay đổi trong suốt cuộc đời nhưng lại là đặc điểm mà trong thực tế, việc in lên chứng minh nhân dân không mang lại nhiều giá trị và giúp ích cho việc kiểm tra, chứng minh, xác nhận đặc điểm nhận dạng cá nhân.

Phần lớn việc kiểm tra, chứng minh, xác nhận đặc điểm nhận dạng cá nhân trong cuộc sống hàng ngày là bằng mắt thường, nên các yếu tố có thể quan sát bằng mắt thường như hình dáng, tuổi tác, giới tính, chiều cao... sẽ có giá trị cao hơn cả. Đây cũng là lý do mà hầu hết các nước không in dấu vân tay lên chứng minh nhân dân (có thì thường được lưu  dưới dạng số hoá trên chip được gắn trên chứng minh thư).

- Theo ông, các thông tin nào là cần thiết và cần có trên chứng minh nhân dân? Các thông tin trên chứng minh nhân dân theo quy định mới có thông tin nào là không thực sự cần thiết?

Chứng minh nhân dân là tài liệu chứng minh nhân thân của cá nhân đã có thời gian tồn tại đủ dài để hoàn thiện. Các thông tin được thể hiện trên chứng minh nhân dân của hầu hết các nước trên thế giới là giống nhau. Về nguyên tắc, chứng minh thư cần có các thông tin cá nhân cơ bản như họ và tên, ngày, tháng năm, sinh, nơi sinh, nơi thường trú, giới tính, ảnh của người được cấp chứng minh nhân dân, các thông tin về quản lý như: số chứng minh nhân dân, thời hạn sử dụng, các thông số quản lý nhận dạng về quản lý khác như mã vạch, chip.

Các thông tin như tên gọi khác, quê quán (trước đây là nguyên quán), dân tộc, họ và tên cha, mẹ .v.v.v là không cần thiết đưa vào chứng minh nhân dân (dù nó là cần thiết trong việc quản lý thông tin và quản lý con người) vì nó không có mấy ý nghĩa trong việc chứng minh nhân thân của cá nhân trong hoạt động sử dụng chứng minh nhân dân hàng ngày.

Các thông tin trong quản lý con người có giống với thông tin trên chứng minh nhân dân? Trong các biện pháp quản lý hành chính đối với con người chúng ta có cần thiết phải học tập theo mô hình quản lý của nước ngoài, các nước tiên tiến hay không?

Cần phân biệt rõ hoạt động quản lý con người và chức năng của chứng minh nhân dân. Để quản lý con người, người ta cần nhiều thông tin về con người đó. Ngoài thông tin về nhân thân, các thông tin về thân nhân như vợ, chồng, con cái, cha, mẹ.v.v.v cũng đều được cơ quan quản lý thu thập. Chứng minh thư là một tài liệu để chứng minh nhân thân của cá nhân, do đó, trên tài liệu này chỉ nên có những thông tin cần thiết phục vụ cho việc chứng minh này.

Quản lý con người là một khoa học và phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của khoa học và công nghệ. Do đó, việc học tập mô hình quản lý, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động quản lý ở Việt Nam là điều cần thiết. Tuy nhiên, các nhà quản lý cần phải có cân nhắc kỹ lưỡng sao cho phù hợp với thực tế và điều kiện của Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn luật sư!


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc