(VnMedia)- Theo quy định của luật pháp, công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam có nghĩa vụ đến cơ quan Công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ tục cấp Chứng minh nhân dân. Công dân có thể dùng chứng minh thư để giao dịch hành chính, giao dịch dân sự ở nhiều nơi. Như vậy, nếu luôn có bố mẹ giám hộ trong thẻ công dân có phải là cần thiết?
Làm chứng minh thư nhân dân để có thẻ công dân. Ảnh: Minh họa |
Sau khi VnMedia đăng bài Chứng minh nhân dân mới: Người dân bị làm khó? Nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến về tòa soạn bày tỏ sự đồng tình với nội dung bài viết.
Bố mẹ là đặc điểm nhận dạng cho con !
Bạn Võ Duy Hào, có địa chỉ email: duyhaont@hotmail.com.vn ở Hậu Giang chia sẻ: “Mỗi công dân đến tuổi thành niên được cấp CMT, có nghĩa là công dân đó chịu hoàn toàn trách nhiệm của mình trước pháp luật vậy kê khai tên cha mẹ để làm gì?”.
Bạn Lương Văn Sơn, có địa chỉ email: cokhixaydungvietnam@gmail.com ở Nghệ An cho rằng: CMND ghi tên Cha Mẹ vào là không hợp lý, nghành chức năng có đi khảo sát thực tế không? “Chính bản thân tôi không ai khác: Cha, Mẹ tôi ly thân từ năm 1983, sau đó mất liên lạc và Cha tôi cưới vợ nhỏ. Giờ CMND sắp hết hạn 15 năm, tôi chuẩn bị đổi CMND mới. Vậy CMND mới của tôi giờ ghi tên Mẹ thì ghi như thế nào? Ghi Mẹ mất tích hay ghi DÌ GHẺ vào đó?”.
Bạn Bùi Ngọc Sơn, có địa chỉ email: sontiger_hau@yahoo.com ở Hà Nội thì gửi câu hỏi: Bây giờ các bậc làm cha mẹ là đặc điểm nhận dạng cho con cái hay sao mà ở phần đặc điểm nhận dạng lại có ghi Họ và tên cha, mẹ.
Một bạn đọc khác ở địa chỉ quang123@gmail.com cho rằng, có cần phải sửa chứng minh nhân dân không? Nếu mọi việc như lập luận của công an chỉ khó cho dân. Tôi không cha, mẹ, tôi nghèo khó xấu. Hay cha tôi biệt vô âm tín từ khi tôi trong bụng mẹ. Vậy tôi khai cha ở đâu? rồi sau đó là nhiều hệ luỵ khi tôi tìm vợ. “Công an quản lý thì chỉ cần vân tay, ảnh lý lịch gốc là đủ”, độc giả này chia sẻ.
Còn bạn Phạm Lộc, có địa chỉ email: locphamthien@yahoo.com ở Hà Nội nêu băn khoăn: Việc đưa thông tin về bố, mẹ công dân lên CMND chỉ có lợi cho một số ít người, nếu bị vi phạm pháp luật thì có thể được nhẹ tay...
Tuy nhiên cũng có nhiều bạn đọc cho rằng, không nên “căng thẳng” với việc ghi tên bố mẹ vào mặt sau CMND. Bạn Đinh Khắc Bình, có địa chỉ email: hb_coltd07@yahoo.com ở 8-45/77 Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: Tôi cho là bình thường và rất nhỏ! Không có bố thì khai là không có (luật pháp cho phép như vậy)... số này ít chắc chỉ 1 phần triệu. Các cụ 80-90 tuổi muốn làm lại CMT mới,hoàn toàn vẫn có thể nhớ tên bố tên mẹ...
Bạn Bình cho rằng, điều cần thiết là làm thế nào ứng dụng của khoa học kỹ thuật vào thật nhiều trong CMND như nhóm máu, ADN...
Thẻ công dân hay bản khai lý lịch ?
Hiểu đúng theo quy định của pháp luật, CMND là một loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, trong đó có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đặc điểm căn cước, lai lịch của người được cấp.
Bên cạnh đó, theo đúng quy định, công dân Việt Nam đủ 14 tuổi mới được làm CMND, những người bị tâm thần hoặc đang bị bệnh khác làm mất khả năng điều khiển hành vi của mình còn tạm thời chưa được cấp giấy CMND.
Ngoài ra, do CMND là loại giấy tờ dùng để giao dịch hành chính, giao dịch dân sự nhiều nơi, có khi phải cấp bản sao CMND cho đối tượng giao dịch nên việc ghi thông tin bố, mẹ trên CMND có thể làm tiết lộ những thông tin cá nhân, bí mật đời tư của người được cấp CMND và có thể bị lợi dụng vào mục đích trái pháp luật. Ngoài ra, có một số người là con ngoài hôn nhân, con của người phạm tội có thể sẽ mặc cảm với quá khứ cha mẹ, nguồn gốc, hoàn cảnh sinh thành.
Việc áp dụng quy định mới trong cấp giấy CMND là việc làm cần thiết, tuy nhiên, nếu còn những thắc mắc và có thể gây khó cho người dân, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cũng cần xem xét, sửa đổi.
Lam Nguyên
Ý kiến bạn đọc