(VnMedia)- Có nhiều cách để quản lý công dân chứ không nhất thiết phải đưa tên bố mẹ vào chứng minh thư. Việc đưa thêm tên người sinh thành sẽ không đem lại hiệu quả cho việc nhận dạng mà còn gây phiền phức!
>> Tên bố mẹ trên chứng minh thư lợi cho ai?
>> Chứng minh nhân dân mới: Người dân bị làm khó ?
Nếu đưa mục tiêu nhận dạng đối tượng thì thêm tên bố mẹ thì sẽ khó hiệu quả, trái lại còn gây phiền phức và chồng chéo với các văn bản khác! |
Quy định không mới
Tìm hiểu các quy định liên quan đến cấp hộ khẩu, hộ tịch, chứng minh thư nhân dân (CMTND) thời gian gần đây cho thấy, không phải khi ban hành thông tư 27/2012 ngày 16/5/2012 Bộ Công An mới quy định việc ghi tên Bố, Mẹ vào phần nhận dạng trong mẫu chứng minh thư nhân dân mới.
Tại Nghị Định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/02/1999 của Chính phủ về CMTND tại Điều 2 đã quy định điều này rồi, cụ thể:
"Chứng minh nhân dân hình chữ nhật dài 85,6 mm rộng 53,98 mm, hai mặt Chứng minh nhân dân in hoa văn màu xanh trắng nhạt. Có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp. Mặt trước: Bên trái từ trên xuống là hình Quốc huy Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đường kính 1,9cm; ảnh của người được cấp Chứng minh nhân dân cỡ 3 x 4 cm; thời hạn giá trị sử dụng Chứng minh nhân dân. Bên phải từ trên xuống: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chữ "Chứng minh nhân dân" (màu đỏ); số; họ tên khai sinh; giới tính; tên thường gọi; sinh ngày, tháng, năm; nguyên quán; nơi thường trú.
Mặt sau: Trên cùng là mã vạch 2 chiều; Bên trái có 2 ô, ô trên vân tay ngón trỏ trái, ô dưới vân tay ngón trỏ phải; Bên phải từ trên xuống: Họ tên bố; Họ tên mẹ; Đặc điểm nhận dạng; Ngày, tháng, năm cấp Chứng minh; Chức danh người cấp ký tên và đóng dấu."
Tại Nghị Định 170/2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 1999 của Chính phủ về Chứng minh nhân dân cũng giữ nguyên quy định về ghi tên cha mẹ vào Giấy chứng minh thư nhân dân. Như vậy các quy định này đã có từ năm 1999 chứ không phải bây giờ khi ban hành Thông tư 27/2012 Bộ Công an mới quy định.
Theo một luật sư thuộc văn phòng luật sư Luật Phạm Sơn, Đoàn Luật sư Hà Nội, Thông tư 27 quy định chi tiết đặc tả bằng hình ảnh cụ thể mẫu CMTND mới từ các quy định trước đó mà thôi. Luật sư này cũng đặt câu hỏi, tại sao các quy định đó đã có hiệu lực từ rất lâu mà giờ mới được hướng dẫn thi hành?
Nhưng gây phiền phức
Điều 1 Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định: Chứng minh nhân dân quy định tại Nghị định này là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo quan điểm của văn phòng Luật Phạm Sơn, Nghị định đã quy định rõ đây là loại giấy tờ tùy thân (về bản thân người đó) do cơ quan công an chứng nhận về những đặc điểm riêng để nhận dạng, như tên tuổi? quê quán? Hộ khẩu hiện đang thường trú ở đâu, và những dầu hiệu nhận dạng thân thể về khuôn mặt (thể hiện bằng ảnh gắn trên CMTND), dấu vân tay, nốt ruồi, vết sẹo (nơi dễ nhận biết nhất) nhằm đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân trong việc đi lại và thực hiện các giao dịch dân sự trên lãnh thổ Việt Nam.
“Như vậy, với những quy định như vậy là đủ không cần thiết phải ghi thêm tên Bố, Mẹ lên CMTND nữa vì nó không đem lại hiệu quả gì thêm cho việc nhận dạng mà gây ra sự phiền phức cho người sử dụng, chồng chéo với các văn bản khác (như Nghị định 158/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch), đặc biệt là rất khó thực hiện trên thực tế khi cấp CMTND theo quy định này”, luật sư này nói.
Ứng phó thế nào với tên bố mẹ quá dài?
Trong trường hợp chấp nhận việc ghi tên bố mẹ vào mặt sau CMTND, quy định này cũng rất khó thực hiện ở một số trường hợp. Cụ thể tại Nghị định 05/1999 và TT 27/2012 đều không có hướng dẫn là với người không xác đinh được Bố, Mẹ thì giải quyết thế nào; Trong Thông tư 27 cũng không đề cập, rồi cách thiết kế đối với một cái tên rất dài kiểu như: Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương thì sao? Có đủ chỗ ghi không? “Ghi tắt thì lại không đạt yêu cầu về thông tin để quản lý và còn rất nhiều bất cấp nữa trong quá trình triền khai cấp CMTND cơ quan công an sẽ gặp rất nhiều vấn đề phức tạp”, vị luật sư này nói.
Chia sẻ với VnMedia, đại diện Văn phòng luật sư Luật Phạm Sơn cho rằng, có rất nhiều cách để quản lý công dân, chứ không nhất thiết phải tóm tắt lý lịch trong thẻ công dân thì mới thuận tiện trong quản lý.
Vị luật sư này cho biết, đối với người có làm việc làm ổn định tại một cơ quan, đơn vị cụ thể thì việc trao đổi thông tin, phối hợp quản lý giữa đơn vị công tác và chính quyền địa phương nơi người đó cư trú là quan trọng và khả thi hơn cả.
Đối với người lao động tự do thì chính quyền địa phương nơi người đó cư trú phải làm tốt hơn công tác quản lý công dân của mình để biết rõ được quá trình sinh sống và làm việc của họ.
Ý kiến bạn đọc