Chứng minh nhân dân mới: Người dân bị làm khó ?

15:17, 18/08/2012
|

(VnMedia)- Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao bàn tán xung quanh việc Bộ Công an cấp giấy chứng minh thư theo mẫu mới. Mặc dù đang dừng lại ở mức thí điểm, nhưng người dân sẽ bị làm khó nếu theo đúng mẫu mới.

Cải tiến

Theo Nghị định 170/2007/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 27/2012 của Bộ Công an, từ 1/7/2012 sẽ áp dụng mẫu chứng minh thư nhân dân (CMND) mới. Theo đó, CMND mới có kích thước chuẩn quốc tế (85,6 mm x 53,98 mm) được làm bằng chất liệu nhựa. Trên CMND được ghi các thông tin cơ bản về cá nhân, quê quán, có mã vạch chứa đựng một số thông tin để cơ quan chức năng dễ quản lý. CMND mới có 12 con số tự nhiên so với mẫu cũ chỉ có 9 số, do Bộ Công an cấp và quản lý thống nhất trên toàn quốc. Thời hạn của CMND mẫu mới vẫn giữ nguyên như cũ - 15 năm.



 Ảnh minh họa

Mặt trước mẫu chứng minh thư nhân dân mới.

Điều đáng lưu ý nhất trong mẫu làm CMND mới là việc điền thông tin cha mẹ vào mặt sau của chứng minh. Theo ngành công an, việc công khai danh tính cha, mẹ nhằm giúp phân biệt một cách chính xác về nhân thân của người đó trong trường hợp cần truy tìm, phân loại.

Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (C64), Bộ Công an, quy định cấp CMND mẫu mới không bắt buộc; những người đang dùng CMND theo mẫu cũ nhưng chưa hết thời hạn 15 năm vẫn tiếp tục sử dụng chứ không phải đổi. Việc thí điểm cấp mới CMND triển khai đến khu vực nào thì người làm thủ tục cấp CMND lần đầu sẽ được làm theo mẫu mới. Chỉ trừ trường hợp CMND bị hỏng mất hoặc chuyển hộ khẩu thường trú, cần cấp lại thì mới theo mẫu mới. Trình tự thủ tục cấp CMND vẫn thực hiện theo quy định cũ trước đây. Tuy nhiên người xin cấp CMND sẽ không phải lăn tay trên mực, nộp ảnh như trước đây mà việc này sẽ thực hiện bằng máy và nhập các thông tin vào hệ thống.

Được biết, việc cấp giấy CMND theo mẫu mới sẽ được thực hiện thí điểm tại 3 quận của Hà Nội là Hoàng Mai, Từ Liêm, Tây Hồ.

Gây khó xử cho người dân!

Vì CMND được làm từ khi vào cấp 3, nên để thuận tiện trong khi giao dịch phục vụ công việc, chị Minh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) quyết định đi làm lại CMND cho tiện. Nhưng, có một điều khiến chị ngần ngại là theo quy định mới ở mặt sau của CMND sẽ có dòng ghi họ tên bố, mẹ. Bản thân chị không có gì khiếm khuyết, chỉ có điều bố chị là ai là một dấu hỏi lớn mà chị không biết tìm lời giải từ đâu.

Cả quãng thời gian dài đi học, chị đã cố xoay sở và cố quen với cảm giác của một đứa con không có bố. Chị không có bố hoặc bố có thể bố chị đã mất, mẹ chị không bao giờ nhắc đến dù cho thời tuổi thơ chị đã bao lần khóc “đòi bố”. Vì cảm giác "con hoang", chị đã tự thu hẹp các mối quan hệ của mình. Số người biết chị không có bố không nhiều, để khiến chị phải tổn thương hay chạnh lòng khi ai đó cố tình soi mói.

Theo tìm hiểu của chị về thủ tục cấp giấy chứng minh mới, chị sẽ phải ghi ở dòng họ tên bố là ai? Chị không đủ can đảm để hỏi mẹ về điều này nữa. Không lẽ ghi dòng chữ: đang tìm.


 Ảnh minh họa

 Phần mặt sau của mẫu chứng minh thư nhân dân mới có thêm dòng ghi họ tên cha, mẹ.

Vào một số diễn đàn, chị Minh mới biết điều phân vân của chị cũng là nỗi băn khoăn của nhiều người. Một thành viên tự nhận “tôi là con hoang” cho biết: Nếu cha mẹ tôi ly dị từ khi tôi mới sinh và tôi bị bỏ rơi, không ai thừa nhận thì tôi khai cha mẹ tôi như thế nào ? Hoặc mẹ tôi quan hệ tình dục với nhiều người rồi đẻ ra tôi và không xác định được người đàn ông nào là cha của tôi thì mẹ tôi khai cha tôi như thế nào ? Hoặc cha tôi là người đàn ông phụ bạc mẹ tôi, mẹ tôi không muốn tôi biết cha tôi là ai (ít nhất là giấu cha tôi với tôi cho tôi khi tôi trưởng thành) thì mẹ tôi khai cha tôi như thế nào ? Qui định mới có cho mẹ tôi bịa đặt ra 1 "người cha" nào đó cho xong chuyện khai để tôi có giấy CMND theo mẫu mới hay phải ghi là cha vô danh?

Những kiểu thắc mắc: Nếu đứa bé đó thiếu may mắn được sinh ra nhưng bố mẹ ly hôn, rồi người mẹ lập gia đình hay ngược lại. Liệu cha dượng và mẹ kế có vui vẻ khi "nuôi" con "ghẻ", vì lớn lên chúng phải làm CMND theo họ bố và mẹ như cách nhà quản lý yêu cầu, vậy chúng sẽ đặt câu hỏi như thế nào?

Trên nhiều diễn đạt, bạn đọc còn bày tỏ sự lo lắng về con của các đối tượng giết người cộm cán sẽ khai tên bố mẹ ra sao trong CMND.

“Giả dụ như Lê Văn Luyện có con, đứa bé khi đủ 14 tuổi phải làm CMND, cha chúng là Lê Văn Luyện "được" trân trọng ghi trên đó, vậy đứa trẻ sẽ có cảm giác thế nào? Rõ ràng vấn đề quyền con người và quyền trẻ em nên cần được coi trọng hơn, nhà quản lý nên có nghiên cứu lấy ý kiến sâu rộng hơn trước khi làm sẽ tiết kiệm được cho ngân sách rất nhiều”, một người dân nêu quan điểm.

Một bạn đọc khác còn bày tỏ, "CMND chỉ là một trong số giấy tờ chứng minh nhân thân của công dân, khi cần xác minh vấn đề gì, đã có những giấy tờ chứng minh tương ứng, việc ghi tên cha mẹ không thể thay thế cho tất cả. vậy thì ghi vào làm gì?. Thử hỏi với những bậc cao tuổi, thậm chí là gần cả trăm tuổi mà còn phải kê khai cả tên cha mẹ (hoặc ghi tên cha là Vô danh) thì mọi người nghĩ sao...!".

Liên quan đến vấn đề này, trả lời báo chí, ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cho rằng việc ghi tên cha mẹ sẽ gây ra phiền toái. Theo ông Lộc, có nhiều người do hoàn cảnh gia đình, thiếu bố hoặc mẹ, thì sẽ phải bỏ trống, có những trường hợp bố mẹ là tội phạm sẽ tạo cho họ sự mặc cảm. “Có những người 60-70 tuổi nay đổi CMND thì cũng phải khai cả tên cha mẹ, dù cha mẹ họ đã mất từ rất lâu rồi thì không rõ việc này có tác dụng gì”, ông Lộc băn khoăn.

TS Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp - cho rằng trong xu thế xã hội hiện nay, có nhiều người được thụ tinh nhân tạo, sinh ra trong ống nghiệm thì sẽ rất khó để thể hiện tên bố hoặc mẹ. Hơn nữa, các thông tin là bí mật đời tư, việc công bố công khai sẽ ảnh hưởng đến người được cấp. “Tôi chỉ tiếp nhận thông tin này theo tinh thần Nghị định của Chính phủ, còn trước đó khi soạn thảo việc cơ quan thẩm định, đánh giá cũng như có tính đến sự phù hợp với bộ luật Dân sự, luật Bảo vệ trẻ em hay không thì tôi không được rõ, cá nhân tôi cho rằng việc để tên cha mẹ là không cần thiết”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, do có nhiều ý kiến phản đối nên Bộ trưởng Bộ Tư pháp vừa chỉ đạo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tiến hành nghiên cứu, kiểm tra những nội dung được nêu trong Thông tư 27 của Bộ Công an, trong đó có việc đưa thông tin về bố, mẹ công dân lên CMND. Nếu phát hiện những nội dung trong Thông tư 27 không phù hợp với luật Dân sự và đảm bảo quyền bí mật thông tin cá nhân, Bộ Tư pháp sẽ có ý kiến chính thức tới Bộ Công an để kiến nghị Chính phủ sửa đổi.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc