Xót xa hình ảnh động vật hoang dã bị xâm hại dã man

15:24, 22/07/2012
|

(VnMedia) - Do nhận thức của người dân còn hạn chế, nên tình trạng xâm hại động vật hoang dã còn rất phổ biến. Theo thống kế, hằng năm có hàng nghìn vụ việc xâm hại, săn bắn, buôn bán, tàng trữ động vật hoang dã trai phép được phát hiện và xử lý.

>>
Phạt tù 7 năm quân nhân giết voọc dã man?
>>
Xác định danh tính quân nhân giết khỉ dã man
>> Bộ Quốc Phòng yêu cầu báo cáo vụ quân nhân giết voọc


Có những loài thuộc danh sách động vật quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng cũng bị sát hại một cách dã man... Cùng nhìn lại những hình ảnh động vật hoang dã bị xâm hại mà không khỏi xót xa:

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 23/4/2011, voi đực Back khăm (38 tuổi, nặng khoảng 4 tấn) thuộc quản lý của khu du lịch Nam Qua (Đà Lạt) bị giết hại dã man trong rừng sâu, cách chỗ cột khoảng 3km. Tại hiện trường, voi Back khăm bị cột vào một gốc cây to cùng nhiều nhát chém đứt gân hai chân sau hết sức dã man. Theo nhận định của nhiều người, trước khi chết Back khăm đã vùng vẫn rất đau đớn. Một vùng cây cối xung quanh bị quật ngã, nhiều vũng máu đóng thành từng cục lớn trên mặt đất. Sau khi giết chết Back khăm vẫn còn nguyên đôi ngà và đuôi. Rất có thể kẻ xấu đã không kịp chặt thì bị phát hiện.

Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 26/3/2011, người dân xã Phúc Sơn (Anh Sơn) - nằm trong vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát, đi rừng phát hiện xác con voi đang trong quá trình phân hủy. Con voi rừng bị giết là voi đực, tuổi thọ khoảng 20 năm, sinh sống ở rừng vùng đệm và vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Con voi bị sát hại cách nay hơn một tháng. Đôi ngà và một số xương voi đã bị lấy đi.


Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 7/10/2010, voi Păk Cú thuộc quản lý của Công ty TNHH du lịch sinh thái Bản Đôn (Buôn Đôn, Đắk Lắk) được thả trong rừng để kiếm ăn thì bị một nhóm người tấn công để cắt cặp ngà. Thân mình voi bị chém hàng trăm nhát rất sâu. Phần mặt, vòi cùng toàn bộ phía sau mông voi bị đốt cháy đen. Đuôi voi có hai đoạn bị chặt gần như đứt hẳn, hai chân sau bị chém lòi cả xương. Sau hơn hai tháng vật lộn với hàng trăm vết thương trên cơ thể, 10h sáng 6/1/2011 chú voi Păk Cú đã chết.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 29/4/2010, xác một con tê giác Java đã được phát hiện tại vườn quốc gia Cát Tiên. Lúc đó, nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh chuyện con thú này chết do săn bắn hay chết tự nhiên. Các cơ quan chức năng và một đoàn chuyên gia của một số tổ chức quốc tế hoạt động về động vật hoang dã điều tra nhằm tìm kiếm nguyên nhân. Kết quả cho thấy, con vật không chết do tự nhiên mà bị bắn vào chân. Viên đạn đã gây ra các vết thương rộng miệng, dẫn đến thương tổn nặng, nhiễm trùng và làm nó tê liệt không di chuyển được nhiều tháng trước khi chết.

Ảnh minh họa

Ngày 20/5/2012, một con bò tót cực kỳ quý hiếm, thuộc nhóm bò tót 1B, nặng gần 100kg, bị chết tại K2, TK377, Nông lâm trường Tân Lập (thuộc ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, Đồng Phú). Qua kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm vết thương cho thấy con bò trên bị chết do dính bẫy của những kẻ săn trộm. Chân trước bên trái có nhiều vết thương bị sưng tấy.

Ảnh minh họa

Ngày 8/7/2012, tại thôn Vàu, xã Tư (huyện Đông Giang), công an tỉnh Quảng Nam đã bắt quả tang Nguyễn Văn Hải (trú xã Sơn Bình, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đang vận chuyển 13 cá thể voọc chà vá chân đỏ đã được sấy khô. Trọng lượng mỗi con từ 1,8 kg đến 2,8 kg. Hải khai đã bắn các cá thể voọc chà vá chân đỏ này, sấy khô và chở đi tiêu thụ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cách đây gần 1 tuần, vào tối 16/7, trên mạng xã hội Facebook, Nguyễn Văn Quang
, quê tại thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam,hiện Quang đang thuộc biên chế tại Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên), đóng quân tại Gia Lai đã đăng tải hơn mười tấm hình khoe “chiến tích” của thành viên này trong việc giết thịt hai con voọc chà vá chân đen. Những tấm ảnh ghi lại cảnh nhóm thanh niên mặc quân phục đang làm thịt, hành hạ hai con voọc một cách dã man. Những hình ảnh này đã gây phẫn nỗ trong cộng đồng mạng. 

Từ ngày 15/1/1994, Việt Nam đã tham gia ký Công ước CITES để bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã, đặc biệt là các loài động, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Cho đến nay đã có khoảng 140 nước tham gia Công ước. Công ước quy định việc cấm buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng; việc kiểm soát, điều chỉnh các loài động, thực vật và việc bảo vệ, chăm sóc.v.v.
 
Ngoài việc tham gia Công ước CTTES, Việt Nam cũng đã tham gia các Công ước Ramsa, Bảo vệ sinh học quốc tế... Tiếp Luật Đa dạng sinh học được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ tư, thông qua vào ngày 13 tháng 11 năm 2008 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2009).
 


Phương Mai - (Ảnh: Tổng hợp Internet)

Ý kiến bạn đọc