Thuốc trị "tín dụng đen" của ngành công an

20:04, 27/07/2012
|

(VnMedia)- Hoạt động “tín dụng đen” trước đây chỉ tập trung ở các thành phố, thị xã, nay đã lan xuống các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Làm thế nào để ngăn chặn được tình hình này?

Cứ vay nợ là bắt giữ người trái pháp luật

Ngày 23/7, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP. Hà Nội đã phối hợp với công an quận Hai Bà Trưng điều tra làm rõ vụ bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ. Cơ quan điều tra đã bắt 5 đối tượng, gồm: Dương Thị Sáu (SN 1974); Nguyễn Văn Đức (SN 1988), đều trú ở thôn Sài Khê, Sài Sơn, Quốc Oai; Phan Văn Tùng (SN 1982, ở Liên Thành, Yên Thành, Nghệ An, tạm trú tại thị trấn Tây Đằng, BaVì); Nguyễn Hữu Đạt (SN 1992, trú tại Cầu Bã, thị trấn Tây Đằng, Ba Vì) và Nguyễn Văn Chiến (SN 1985, trú tại Thụy An, Ba Vì, có 2 tiền án).

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, tháng 3/2012, anh Phạm Xuân Nam (SN 1976, ở Công Thành, Yên Thành, Nghệ An, tạm trú tại nhà số 22 ngõ 34, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) có vay của Sáu 24,6 triệu đồng và vay một số người khác với tổng số tiền là 100 triệu đồng.

Do đòi nhiều lần, Nam không trả. Sáu và Đức đã thuê Tùng, Đạt, Chiến và một số đối tượng khác tìm bắt anh Nam để đòi nợ. Khoảng 11h20 ngày 20/7/2012, chúng phát hiện anh Nam đang ngồi uống nước tại quán nhà số 4 ngõ 622 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng. Các đối tượng đã ép anh Nam lên xe ô tô, đưa về giữ tại nhà Sáu. Chúng đe doạ ép anh Nam viết giấy vay nợ 100 triệu đồng, yêu cầu anh Nam điện thoại cho người thân đem tiền đến trả thì mới cho về.

Ngày 22/7, chúng đưa anh Nam đến quán cà phê 2 đường La Thành, thị xã Sơn Tây để nhận tiền, thì bị CA bắt giữ.

Những vụ việc bắt người trái pháp luật để đòi nợ, vì nạn nhân nợ không có tiền trả như kể trên không hề ít. Gần như tuần nào cũng có một vụ án liên quan đến vay nợ "tín dụng đen". Gõ từ khóa "bắt giữ người trái pháp luật" trên mạng tìm kiếm Google.com, chỉ trong 0,25 giây cho 14,8 triệu lượt kết quả. Trong đó, đa phần là những vụ đòi nợ không được dẫn đến bắt người để uy hiếp người thân.

Trị cách nào?

Đáng nói, không chỉ bắt giữ người, đã có án mạng liên quan đến "tín dụng đen". Làm thế nào để giải quyết được vấn nạn tín dụng đen là vấn đề gây đau đầu với nhiều người, ngành. Trong buổi giao lưu trực tuyến trên cand.com.vn ngày 27/7, Trung tướng, Anh hùng LLVTND Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Bộ Công an cũng đã có những chia sẻ về vấn nạn tín dụng đen.

Theo Trung tướng Phan Văn Vĩnh, thời gian qua, "tín dụng đen" phát triển và bùng phát nhiều vụ vỡ nợ với số tiền lớn, kéo theo sự gia tăng hoạt động của tội phạm đâm thuê, chém mướn, siết nợ, đòi nợ thuê... gây phức tạp tình hình ANTT. Dư chấn của cơn bão "tín dụng đen" năm 2011 đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhiều nhà đầu tư, người dân, đặc biệt là các nhà đầu tư bất động sản, chứng khoán, vàng...

 Ảnh minh họa

 Trung tướng Phan Văn Vĩnh


Nhiều nhà đầu tư bất động sản lớn đã lâm vào tình trạng khuynh gia bại sản thậm chí đã bị bắt giam, xử lý phải đi tù vì vỡ nợ do vay “tín dụng đen”. Thời điểm đó, nhiều nhà đầu tư đã vay nóng với mức lãi suất 2.000-3.000 đồng /triệu đồng/ngày để đầu tư bất động sản, kinh doanh vàng… sau đó đã buộc phải bán tống bán tháo để trả nợ vay. Đáng chú ý là hoạt động “tín dụng đen” trước đây chỉ tập trung ở các thành phố, thị xã, nay đã lan xuống các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa làm cho nhiều người do thiếu thông tin, tham tiền dẫn đến bị lừa hàng trăm tỷ đồng.

Để phòng chống tình trạng trên, Trung tướng Phan Văn Vĩnh cho rằng các cơ quan chức năng cần:

Một là: Rà soát lại các văn bản pháp lý về kinh doanh tiền tệ, nhanh chóng bổ sung những lỗ hổng về pháp lý, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh tiền của các tổ chức tín dụng, kể cả các dạng biến tướng dưới các hình thức... Rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật hình sự về phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm về “tín dụng đen” nhằm xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực này.

Hai là: Tạo điều kiện khơi thông nguồn vốn từ ngân hàng đến người dân và doanh nghiệp; phát triển các tổ chức tài chính quy mô nhỏ để người dân, doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng chính thức khi có nhu cầu về vốn.

Ba là: Tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi về hậu quả của “tín dụng đen", giúp người dân hiểu biết hơn, không gửi niềm tin vào những kẻ lừa đảo dưới bất cứ hình thức nào.

Bốn là: Lực lượng Công an tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các vụ vi phạm về “tín dụng đen”, các vụ đòi nợ, siết nợ thuê trái pháp luật nhằm răn đe tội phạm.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc